Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước trong khối ASEAN là 28,02 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Việt Nam chỉ xuất khẩu sang nhóm này 21,51 tỷ USD.
Nói về con số này, các chuyên gia cho rằng sau 3 năm gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn còn thờ ơ với thị trường hơn 650 triệu dân đầy tiềm năng này.
Việt Nam đang ở đâu trong AEC?
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết AEC là cộng đồng kinh tế năng động, có tốc đô tặng trưởng cao hơn so với một số khu vực khác trên thế giới.
Được thành lập năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng một thị trường đơn nhất, ở đó, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề được tự do luân chuyển.
Trong khi các doanh nghiệp trong nước thờ ơ với thị trường ASEAN, hàng hóa các nước trong khu vực đã ồ ạt vào Việt Nam. |
So sánh với những hiệp định thương mại khác, bà Tuệ Anh cho rằng các cam kết về cắt giảm thuế quan trong AEC là cao nhất và nhanh nhất, đồng thời, từ năm nay, Việt Nam sẽ tiến tới loại bỏ hoàn toàn thuế này.
“Việc cắt giảm và loại bỏ thuế quan trong AEC nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước trong khu vực vẫn còn rất thấp, xếp sau các thị trường EU, Mỹ và Trung Quốc”, Phó viện trưởng CIEM nhận định.
Tương tự, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cũng cho rằng hiện tượng nhập siêu từ ASEAN vào Việt Nam là một vấn đề đáng lo ngại những năm qua. Ông Kiên dẫn chứng tại TP.HCM, trong khi tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh hàng năm thì tỷ lệ xuất khẩu lại khá khiêm tốn.
“Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào ASEAN là máy vi tính, linh kiện, thiết bị… TP.HCM cũng không khác biệt nhiều, trong đó có thêm chất dẻo, nhựa nguyên liệu. Hiện con số nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN vào TP.HCM cao gấp 2,6 lần so với nhập khẩu. Tôi cho rằng để phát triển, các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh sát với xu hướng tiêu dùng trong khu vực hơn”, ông Kiên nói.
'Hiểu biết của doanh nghiệp về AEC còn hạn chế'
Dù được cởi bỏ hàng rào thuế quan, sự tương đồng về văn hóa, sản phẩm với các nước trong khu vực cũng là các nguyên nhân khiến hàng hóa Việt gặp khó trong cạnh tranh với các nước.
Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, cơ cấu hàng hóa khá tương đồng khiến việc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn, nhất là các ngành được bảo hộ. Vì vậy, không chỉ cạnh tranh về mặt hàng, các doanh nghiệp còn hướng đến cạnh tranh về dịch vụ và giá trị gia tăng hàng hóa.
Thực phẩm các nước trong khu vực ASEAN có mặt tại nhiều siêu thị bán lẻ tại Việt Nam. |
Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực trong nước vẫn chưa cao so với nhiều nước trong khu vực. Năm 2017, Việt Nam chỉ đạt 3,39 điểm về trình độ nhân lực cao, trong khi Thái Lan là 4,94%, Malaysia là 5,59%.
Bà cũng cho biết thêm đã gia nhập AEC 3 năm nhưng hiểu biết của các doanh nghiệp về cộng động này khá hạn chế, nhất là những kiến thức chuyên sâu và chính sách khuyến khích phát triển kinh doanh đi kèm.
“Tôi cho rằng đây cản trở lớn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị tâm thế chủ động, thay đổi tư duy về sức ép cạnh tranh. Trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp phải sẵn sàng biến sức ép cạnh tranh thành động lực để phát triển”, Phó Phó Viện trưởng Viện CIEM nói.
Ngoài ra, việc giảm thuế sẽ khiến hàng hóa của các nước ASEAN có độ tương đồng với Việt Nam tràn vào thị trường nội địa. Các sản phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hàng tiêu dùng, hải sản, dệt may… cũng chịu sức ép lớn.
Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), hàng hóa trong nước có hình thức chưa đa dạng, hấp dẫn, giá thành chưa cạnh tranh, hệ thống phân phối còn kém, chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan phụ trách xúc tiến, ngoại giao…
Những điều này khiến các doanh nghiệp Việt chưa thể khai thác hết tiềm năng của thị trường gần nhất là ASEAN.
Doanh nghiệp Việt phải hiểu rõ thị trường từng nước
“Chỉ khi nào nhận định đúng về thị trường ASEAN, có quyết tâm chinh phục thì mới có thể làm được. Ngược lại, nếu chỉ xem đây là một cuộc chơi, muốn đặt chân vào thì đặt, không thì thôi thì rất khó có thể thành công”, ông Phạm Thiết Hòa khẳng định.
Theo các chuyên gia, để tận dụng tốt thị trường ASEAN, doanh nghiệp Việt phải thật hiểu xu hướng tiêu dùng của các nước trong khu vực. |
Ông Hòa cho biết để khai thác tốt thị trường này, các doanh nghiệp trong nước cần phải thật hiểu về khu vực, hiểu về văn hóa và thị hiếu tiêu dùng. Giám đốc ITPC nói rằng ASEAN là một khu vực gồm nhiều nước nên sẽ có những vấn đề chung và riêng mà mỗi doanh nghiệp cần phải nắm trước khi quyết định đầu tư.
“Lào, Campuchia và Myanma là nhóm 3 nước có nhiều đặc điểm tương đồng. Tại đây, người tiêu dùng thích khuyến mãi, ưa chuộng hàng Việt Nam, màu sắc sản phẩm tuyệt đối không nên sử dụng gam đỏ, thay vào đó là vàng, xanh lá và tím. Ngoài ra, về tiếp thị họ không thích trao đổi qua email, điện thoại mà chỉ làm việc trực tiếp”, ông Hòa cho hay.
Giám đốc ITPC nói rằng các doanh nghiệp nên tìm hiểu thật kỹ vấn đề này, cả hình thức, ngôn ngữ bao bì để tránh thua cuộc ngay từ những bước đi đầu tiên.
“Các đơn vị vừa và nhỏ tự đi liên lạc với doanh nghiệp phân phối nội địa uy tín không phải là chuyện dễ. Muốn kết nối phải có tổ chức uy tín đứng ra làm trung gian như các trung tâm xúc tiến thương mại, khi gặp vấn đề, họ cũng có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích”, ông Hòa tư vấn.
Ông cũng nói thêm, doanh nghiệp Việt cũng nên tự trang bị các kiến thức về pháp lý, kỹ thuật hoặc các điều kiện cần thiết xuất khẩu hàng hóa vào các nước đạo Hồi.
Trong khi đó, Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty gỗ An Cường, cho rằng trước khi đến các thị trường trong khu vực, các doanh nghiệp trong nước phải làm tốt ở thị trường Việt Nam trước.
Theo ông Nghĩa, nội lực của mỗi doanh nghiệp rất quan trọng trong việc phát triển kinh doanh, trước khi hướng đến thị trường khác.
Doanh nhân này nói để tránh rủi ro, thay vì tốn kém cho khoản đầu tư vào các văn phòng tại nước ngoài, doanh nghiệp Việt nên đi theo các kênh đại lý trước, việc này giúp thăm dò thị trường và giảm tối đa chi phí.