Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

KOVER

Ông chủ Vinamit: Có bao nhiêu tiền mà không lăn xả vẫn thất bại

Theo ông Lâm Viên, làm nông, có bao nhiêu tiền đi nữa mà không lăn xả vào thì vẫn thất bại. Thế nhưng các ông chủ Việt Nam phần nhiều ném tiền ra với mong muốn thu lời mà thôi.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 1

Theo ông Lâm Viên, làm nông, có bao nhiêu tiền đi nữa mà không lăn xả vào thì vẫn thất bại. Thế nhưng các ông chủ Việt Nam phần nhiều ném tiền ra với mong muốn thu lời mà thôi.

Gian bếp của ông Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, chứa nhiều dụng cụ pha chế và các loại trái cây, rau củ từ mới thu hoạch đến sấy khô thành bột. Ông bảo xa vợ con 20 năm, mỗi ngày gọi điện, ông vẫn thường hỏi các con thèm gì ở Việt Nam để ông làm gửi sang Mỹ. Nước mía, trái cây sấy ban đầu ông làm là vì nhớ con.

5 năm "đóng cửa" nghiên cứu, bây giờ ông bảo mình đang mở cửa ra để nói với mọi người rằng đã có thể mang cả vườn trái cây vào bếp.

Trong câu chuyện chia sẻ với Zing.vn, ông Nguyễn Lâm Viên nói đi nói lại mình từng sai lầm khi có một thời gian dài đóng cửa, lặng lẽ làm phần việc của mình. Từ năm 2015 đến nay, khi niềm tin về thực phẩm Việt của người dùng liên tục bị tấn công với hàng loạt những vụ rau củ quả bẩn, tẩm hóa chất, ông phải mở cửa ra, để chia sẻ đúng về nông nghiệp sạch và thực phẩm sạch.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 2

- Từ năm 2018, ông quyết định giành lại thị trường trong nước. Vì sao vậy?

- Tôi không phải giành lại thị trường đâu. Mục đích của tôi là giải oan cho nông sản Việt. Khách hàng Việt kiều tôi có cảm giác họ hết tin hàng mình rồi, và tôi thấy lo. Nếu ngay cả Việt kiều mà họ hết tin thì có ngày các thị trường khác cũng không còn tin sản phẩm của tôi chứ đừng nói chi các hàng hóa khác, dù mình có làm chất lượng đến đâu.

Cho nên, tôi quay lại thị trường nội địa, để tạo cơn sóng mới, giải nỗi oan này.

Tôi quê nhất là gì bạn biết không: Slogan "trái cây Thái Lan càng ăn càng khoái" được in trên bao bì bằng tiếng Việt rồi bán ở Việt Nam. Tôi đi những hội chợ tổ chức trong nước, hội chợ an toàn thực phẩm đàng hoàng, người tiêu dùng Việt chen nhau mua hàng Thái. Tại sao kỳ vậy? Mình trồng được trái cây tốt, chế biến ra sản phẩm chất lượng nhưng người Việt mình lại đi lùng mua và khen hàng Thái. Người tiêu dùng lẫn lộn hết rồi.

- Ông có công nghệ tốt, nhưng còn nguồn nguyên liệu đã có bao nhiêu ha sản xuất an toàn? Ông có lo một ngày nào đó mình mất kiểm soát về chất lượng đầu vào, đầu ra?

- Tôi đã từng tham vọng làm lớn với 20.000 ha và thất bại rồi, vì mất kiểm soát. Vì thế, bây giờ tôi chỉ muốn làm nhỏ, đi từng trăm ha thôi mà chặt chẽ. Tôi rất sợ một ngày mình lao vào thị trường nhắm mắt mà sản xuất. Khi ấy, tôi không thể kiểm soát được nguyên liệu, không kiểm soát được chất lượng sản phẩm nữa.

Tôi vẫn dựa vào đầu vào để tính đầu ra, không phải dựa vào đầu ra để đẩy sản lượng đầu vào. Vấn đề của chúng tôi là phải canh tác, kiểm soát được canh tác, đảm bảo chế biến mới mang ra thị trường. Tôi không bị áp lực nào để buộc phải mang nhiều hàng hóa ra thị trường hết, nên không có vội.

Tôi cũng không ngại đối thủ nào, có thêm người làm thì càng vui. Mà từ 30 năm nay tôi làm, công nghệ sấy của tôi cũng không phải mới lạ gì, nó đã có 70 năm nay rồi, nhưng cũng không ai làm hết.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 3

- Vì sao vậy?

- Ngành sản xuất, chế biến sau thu hoạch không có sướng. Với ngành này, ông chủ nếu bỏ tiền ra mong kiếm lời là thất bại ngay. Làm nông, có bao nhiêu tiền đi nữa mà không lăn xả vào thì anh sẽ thất bại. Nhưng các ông chủ ở Việt Nam, tôi nói thiệt, một số người làm nông nghiệp mà hiểu đúng nông nghiệp và khi cần cũng phải xắn tay áo xuống ruộng. Họ có tiền và ném tiền ra, với mong muốn thu lời thôi.

Đừng tính bằng tiền với nông dân, đừng tính con số mang đi đầu tư để kiếm lời với nông nghiệp. Nếu tính tiền mang đi đầu tư thì làm bất động sản cho nhanh.

Tôi nói đơn giản, các kỹ sư của tôi bây giờ, 12h đêm vẫn miệt mài thử nghiệm sản phẩm. Họ thức thì tôi cũng không được ngủ. Các kỹ sư trẻ của tôi cũng không ở thành thị đầy đủ điều kiện mà phải lặn lội ở những nơi xa xôi, vất vả, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn với người trẻ, cực lắm.

Vì vậy, tôi phải cùng làm, cùng chịu cực khổ, cùng hạnh phúc khi làm được một sản phẩm mới với họ. Tất nhiên, tôi cũng thuận lợi là chỉ có một mình, dành nhiều thời gian chăm lo hơn cho người lao động. Điều tôi sợ nhất là tôi quá bận rộn với thị trường, không có giờ cho các cháu thì rất tội.

- Ông nói muốn kiếm tiền nhanh thì làm bất động sản, thế tại sao ông không kiếm tiền như vậy mà chọn cách vất vả?

- Thời điểm chúng tôi đi kinh doanh và có chút thành công nhất định thì thị trường địa ốc đang hình thành sơ khai, nói thật rất dễ để kiếm tiền. Nhưng điều quan trọng là mỗi doanh nhân đã lựa chọn một sứ mệnh khác nhau.

Tôi nhìn ra giá trị lớn của địa ốc, nhưng tôi lại hạnh phúc với lĩnh vực trồng trọt và chế biến sản phẩm. Đất nước mình là đất nước nông nghiệp, mình đi ra ngoài mà nói với thế giới: Tôi làm địa ốc, làm dịch vụ, họ không tin bằng việc mình nói tôi đang làm nông nghiệp đâu. Mà nói làm nông nghiệp hữu cơ thì người ta càng tin, vì đó là thế mạnh của mình. Các nước trên thế giới, tôi nói tôi làm nông nghiệp hữu cơ ai cũng tin, cũng quý.

Đó là lý do mà 30 năm nay, ai đi theo trào lưu, xu hướng thì đi, tôi vẫn đi tìm những cái gì quý nhất, thực nhất, mình tôi đi như vậy, tôi cũng cứ đi.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 4

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 5

- Ông nói làm nông nghiệp rất khó khăn, không nhiều người kiên nhẫn đợi thành quả, nhưng Vinamit vẫn kinh doanh với sản phẩm xuất bán nhiều nước trên thế giới, điều này có mâu thuẫn gì không?

- Làm nông nghiệp không sướng thôi chứ không phải không có lời. Nhưng để có lời thì người làm phải làm thật và đam mê, phải biết ngôn ngữ canh tác.

Tôi nói thật nếu hôm nay tôi lái Rolls-Royce xuống nông trại, ngày mai nông dân, công nhân tôi nghỉ hết. Xuống ruộng tôi đi xe chuyên dụng làm nông như ngoài sân kia, để lội được bùn sình, uống trà với nông dân. Hồi xưa tôi có cái xe Hummer, nhưng dân chơi xe mới biết, nông dân thì họ nhìn nó như xe đò thôi, mà tôi cũng không dám đi.

Nông dân đặc biệt lắm, họ có thể thiếu tiền, nhưng không phải dễ dãi, họ sẵn sàng đứng dậy, trả lại cho anh mọi bổng lộc nếu thấy không hài lòng vì anh. Đó cũng là lý do mà nhiều nhà đầu tư nông nghiệp thất bại.

Mà không chỉ vậy. Làm nông nghiệp, anh xuống ruộng dù chỉ nửa tiếng thôi, anh cũng phải biết loại cây cỏ đang gây hại cho lúa; biết cầm cây cuốc và cuốc xem nó có “ngon” không. Phải biết băm đất dùng lưỡi cuốc lớn, xạc cỏ thì lưỡi liềm phải bén...

Tôi nói vậy không có nghĩa là biểu các ông chủ doanh nghiệp giành việc của công nhân. Nếu giành việc của họ thì cái đầu mình hỏng rồi. Điều mình làm được chính là để hỗ trợ họ tăng năng suất trên thửa đất của họ.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 6

- Nhưng ông đã đủ vốn, đủ cơ sở vật chất rồi thì nói chuyện đam mê, còn những người khởi nghiệp bằng nông nghiệp, họ cũng cần ăn, cần sống, cần vốn duy trì sản xuất, nuôi nhân công?

- Đừng đổ lỗi. Muốn vĩ đại thì phải bước từng bước chắc chắn. Tôi cũng vậy thôi. 24 tuổi tôi khởi nghiệp và đi từng bước nhỏ, cũng nôn nóng rồi thất bại. Đó là bài học tôi mang ra nói với các bạn trẻ, không có cái gì mà không được xây từ nền móng vững chắc.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 7

Sẽ có người hỏi tôi: Các đại gia làm nông nghiệp như Vingroup, như Hoàng Anh Gia Lai làm sau tôi nhưng đầu tư hàng nghìn ha, còn tôi 30 năm rồi vẫn nhỏ. Nhưng tôi quan niệm mình trồng một loại trái cây, khi thu hoạch, người ta ăn mà sửng sốt: "wow, ngon quá", thì mình mới sướng. Khi người ta ăn mà thừa nhận ngon thì họ chấp nhận trả giá vì chất lượng. Giá tốt, hàng tốt, bán được thì mình “hăng”, mình làm tốt, làm nhiều, lúc này đâu có khó nữa.

Cuộc chơi này đâu có dành cho riêng một hai người. Đừng nhìn ngó xung quanh, thấy những doanh nghiệp lớn trên thị trường mà sợ, biết đâu có ngày chúng ta hợp tác với họ.  Nhiều doanh nghiệp lớn từng mời tôi hợp tác, nhưng tôi có con đường của tôi, và họ có con đường của họ.

- Vì sao ông lại từ chối những cơ hội hấp dẫn vậy?

- Tôi nhìn xuống những nhân viên dưới tôi. Tôi bán công ty đi, họ sẽ ra sao. Tất nhiên, họ rồi cũng có con đường của họ, nhưng nếu tôi làm vì họ thì tốt hơn.

Như tôi đã nói, tôi kinh doanh nông nghiệp không vì đam mê thì tôi giàu lâu rồi, có nhiều đất trồng cây trái hơn ông Đức chứ (bầu Đức - PV). Tôi có kinh nghiệm 30 năm nay mà. Nhưng tôi chọn con đường đi khác.

Trời sinh mình ra là phải hoạt động, muốn giàu thì mình phải suy nghĩ giàu. Suy nghĩ giàu là suy nghĩ mình luôn hoạt động. Tôi khuyến khích sản xuất, làm ra sản phẩm, tạo ra những đột phá, chứ không phải loanh quanh kiếm tiền bằng bán nhà bán đất.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 8

- Gần đây, thấy ông chia sẻ về sản phẩm nước mía bột đóng hộp với nhiều tình cảm dành tặng sản phẩm này cho con gái. Có lý do nào liên quan giữa sản phẩm mới mà ông gọi là thuần Việt này với câu chuyện về con gái ông ở Mỹ? 

- Câu chuyện tôi làm ra sản phẩm này bắt nguồn từ con gái tôi, một bác sĩ đang sống và làm việc ở Mỹ. Con tôi sang Mỹ khi mới 11 tuổi và giờ cũng đã 20 năm nhưng luôn thương nhớ các món ăn Việt Nam. Tôi có thói quen hàng ngày mỗi sáng thức dậy là gọi điện cho vợ con. Khi cha con trò chuyện, sau những thương nhớ, tôi thường hỏi các con thèm gì, muốn ăn món Việt nào để ba làm gửi qua.

Cách đây mấy tháng, con gái tôi bất ngờ hỏi: Ba có thể sấy khô nước mía gửi cho con được không?

Con tôi nói bên Mỹ cũng có bán nước mía, cháu thèm quá phải lái xe 45 phút mới đến điểm bán, mua được ly nước mía với giá 6 USD. Tuy nhiên, do từ nơi bán đến nhà xa quá nên cháu chỉ mua uống tại chỗ mà không thể mang về cho mẹ và em, vì nước mía để lâu sẽ chua và đổi màu.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 9

Lời con kể làm tôi nghĩ rất nhiều. Tôi nói nếu con thích thì khó mấy ba cũng làm. Tôi dồn thời gian cả ngày pha pha chế chế trong phòng thí nghiệm, thử với máy liên tù tì. Và thế là nước mía sấy khô ra đời trong sự hạnh phúc của ba lẫn con.

Nói thiệt là tôi luôn mong muốn mang cả vườn trái cây vào bếp, riêng là cho con tôi có đủ hương vị quê nhà, để các con biết cội nguồn và nhớ người cha luôn mong nhớ và yêu thương con. Còn chung là cho tất cả người yêu rau củ quả của Việt Nam.

Tôi biết giờ rất nhiều gia đình cũng như tôi, con cái, người thân đang ở xa quê hương. Họ nhớ lắm hương vị quê nhà, nhất là những món ăn quen thuộc, nhớ ly nước mía, ly cà phê, rau má đầu hẻm, nhưng không thể nào có được. Đó là động lực mà tôi thấy mình cần phải làm, phải chia sẻ với cộng đồng. 

- Suốt chiều dài kinh doanh gắn liền với trái mít, bây giờ ông lại nói nhiều về sấy rau củ quả thành bột, có phải đây là ngã rẽ mới?

- Không, mít vẫn là chủ lực của tôi và sẽ không bao giờ thay đổi. Thực ra khi bắt tay vào làm sản phẩm với mít, tôi cũng có tính khoảng 5 năm thôi, rồi sẽ chuyển đổi sang cây khác. Nhưng không ngờ mối duyên này kéo dài tới hơn 30 năm, và vẫn tiếp tục hấp dẫn tôi.

Còn các loại khác như tôi đã nói, Việt Nam mình là đất nước nông nghiệp, rau trái phong phú và tươi ngon. Chúng tôi có công nghệ, tôi muốn mang rau quả vào bếp cho người dùng khắp nơi tiện sử dụng thôi.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 10

- Sau một thời gian gần như vắng bóng, lý do gì bây giờ ông trở lại nhiệt tình đi chia sẻ chuyện làm ăn không chỉ trong giới khởi nghiệp mà cả với truyền thông?

- Tôi đã từng nghĩ muốn nghiên cứu thì phải đóng cửa lại, tập trung làm.

Tôi nói với thị trường hàng của tôi là hàng cao cấp. Mà để làm ra sản phẩm đúng như mình cam kết phải có nguyên liệu cao cấp, tôi còn phải trồng. Nói thiệt, giờ biểu tôi làm nước rau má sấy khô, thì rau tôi phải trồng chứ làm sao kiểm soát được chất lượng rau có trên thị trường; nước mía, xoài, cóc, bí đỏ, chanh dây… cũng vậy. Các loại rau trái nếu không do tôi kiểm soát chất lượng đầu vào thì làm sao yên tâm chế biến.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 11

Trên cánh đồng liên kết sản xuất với nông dân, mỗi loại tôi trồng 5-10 ha, căn cứ vào sản lượng thu hoạch đó mà tôi chế biến sản phẩm. Chúng tôi không bao giờ quan tâm đến số lượng đầu ra hay nhu cầu thị trường để sản xuất mà căn cứ ở đầu vào để làm. 

Cứ trồng nguyên liệu và miệt mài chế biến, tôi gần như hài lòng như thế. Nhưng bây giờ, người ta hiểu sai về nông sản Việt quá nhiều, rau trái của mình mang tiếng quá. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm đi giải thích, không được quyền đóng cửa nữa.

- Vậy ông đi thanh minh như thế nào, và cơ sở nào ông nghĩ thị trường tin lời ông?

- Tôi đã sản xuất, xuất khẩu trái cây sấy đi nhiều nước trên thế giới mấy chục năm nay. Khoảng 80% sản phẩm của Vinamit xuất khẩu, trong nước chỉ khoảng 20% thôi. Vì bán ở thị trường nước ngoài tốt quá nên tôi nói thật là bỏ lơ thị trường trong nước. Mình có thị phần khiêm tốn như vậy thì nói khó thuyết phục lắm.

Nhưng nói thiệt, với thị trường trong nước, cách đây nhiều năm tôi nói về công nghệ sấy thăng hoa chân không nhưng người ta cứ nói là chiên. Giải thích rất khó. Tôi mới nghĩ là mình phải tập trung làm nhiều sản phẩm hơn, để thị trường đánh giá. 

Bây giờ thì tôi có đủ từ nguyên liệu đến sản phẩm rồi. Mình có một cộng đồng đủ lớn thì tiếng nói của mình đủ lan tỏa, có người nghe.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 12

- Ông từng thất bại trong thời kỳ đầu liên doanh liên kết mất hết vốn, rồi thêm lần cháy nhà xưởng, nhưng ông đã gây dựng lại Vinamit như hiện nay. Có phải ông sẵn sàng tâm thế cho mọi rủi ro trên con đường kinh doanh của mình?

- Cuộc đời mỗi người là một chuỗi thách thức, phải nghĩ rằng cơ chế hoạt động của nó theo hình sin, lên dốc rồi lại xuống, chứ tôi không tin là nó lên đỉnh hay xuống đáy mãi. Tôi vẫn còn may mắn so với nhiều người, dốc của tôi không quá cao nên xuống cũng không quá sâu. Tôi quan niệm là khi lên đỉnh dốc thì đừng quá lạc quan và tự hào, vì dễ rơi vào tình trạng hưng phấn quá đà.

Tôi cũng có nguyên tắc là lỡ tuột dốc thì tôi không cố mọi giá bấu víu giẫy giụa, tôi chấp nhận cho nó xuống tới đáy, để làm lại. Khi chấp nhận được việc tuột xuống đáy thì mình không mất sức, còn năng lượng để làm lại. 

Thời điểm thất bại trong liên doanh, tôi rời công ty cũ với cái ghế và trong túi có 4.000 USD. Nhờ chấp nhận tuột xuống tới đáy, mà tôi bảo toàn được đồng vốn ít ỏi đó rồi dùng chính số tiền này để làm lại. Quan trọng là giữ được uy tín và khát khao để khởi động lại dễ dàng và bền vững hơn.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 13

- Nhưng không phải ai cũng đủ bình tĩnh hay có được sự cảm thông để làm lại như ông nói. Thậm chí ở Việt Nam, doanh nhân giàu thường bị ghét và khi gặp sự cố ít được chia sẻ?

- Điều quan trọng là chúng ta phải biết nhìn nhận tiền đứng số mấy trong những giá trị mình hướng đến. Nếu tiền được doanh nhân đặt ở là vị trí đầu tiên thì họ sẽ tính toán những con đường kiếm tiền nhanh nhất, nhiều nhất. Tuy nhiên, về giá trị thì mỗi người một lựa chọn khác nhau.

Với tôi, tiền chỉ là giá trị đứng thứ 3 sau đam mê công việc và bình an. Ai có đam mê và bình an thì tôi xem người đó giàu có. Tôi tìm sự cân bằng nên có lẽ không nghiêng lắm về tiền. Do vậy mà khi đối diện với khó khăn, có lẽ tôi cũng nhẹ nhàng hơn nhiều người.

- Theo quan niệm đó thì bây giờ ông giàu chưa? Nếu gọi ông là đại gia, ông nghĩ sao?

- Tôi chỉ thích những gì thực chất, đại gia với tôi không phải là người có nhiều tiền mà người tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng. Họ gọi sao là quyền của họ, nhưng tôi cho mình là đại gia của sự bình an, vì hiện tại tôi bình an.

Tôi là người luôn lựa chọn đam mê và công việc nên tạm thời thấy mình giàu có trong vòng tri thức của mình. Tôi vẫn tìm tòi mỗi ngày để tạo ra những giá trị tốt nhất cho cộng đồng. Khi người ta làm việc bằng sự sáng tạo và thành công bằng sáng tạo, là đang mang bên mình sự hạnh phúc, và càng hạnh phúc hơn khi làm cho người khác hạnh phúc.

Tôi nghĩ mình đã giàu với những giá trị mình theo đuổi chứ không giàu vì tiền. Bây giờ cha mẹ tôi không còn nữa, vợ con cũng không bên cạnh thì tôi cũng không cần gia tăng tài sản bằng mọi giá. Tôi chỉ cần nuôi đam mê và đi tận cùng đam mê là toại nguyện rồi.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 14

- Ở một góc độ nào đó thì doanh nhân cũng phải đánh đổi hoặc mất mát nhiều thứ từ gia đình đến đời sống riêng vì sự nghiệp, ông nghĩ điều này có đúng không?

- Phần nhiều là đúng. Tôi không nói đến sự đánh đổi mà là lựa chọn. Khi doanh nhân theo đuổi sự nghiệp với cả đam mê thì thời gian dành cho gia đình hay cuộc sống riêng rất ít. Thậm chí với bản thân tôi, những năm tháng đầu tiên khởi nghiệp hay trong giai đoạn doanh nghiệp phát triển nhanh thì cả ngày sinh nhật của vợ con tôi cũng không nhớ. Giờ tôi rất buồn là không được ở gần vợ con.

Điều cốt lõi như tôi nói, vẫn là sự lựa chọn, tôi chọn kinh doanh và theo đuổi đam mê nên ở lại Việt Nam. Vợ tôi thì lựa chọn chăm sóc con cái.

Đối với tôi, hạnh phúc trong gia đình chính là việc cân bằng được cảm xúc của mỗi người, khi người này đi quá xa thì người kia tìm cách kéo lại. Việc đổ vỡ trong hôn nhân của nhiều doanh nhân có vô vàn lý do, nhưng tôi nghĩ phần lớn vẫn là việc vợ chồng chưa đủ cảm thông hay thấu hiểu cho công việc. Không gọi là đánh đổi, nhưng sự hy sinh cuộc sống riêng để theo đuổi đam mê của doanh nhân là rất nhiều.

- Sự lựa chọn mà ông nói không dễ dàng. Vậy sau này ông có muốn hướng con mình theo nghiệp kinh doanh hay tiếp quản lại Vinamit không?

- Tôi rất muốn. Vì Vinamit không chỉ là doanh nghiệp và cơ ngơi bình thường của tôi mà là đam mê, tâm huyết tôi hun đúc cả đời và rất muốn con tôi tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, tôi tôn trọng quyết định của các con.

Tôi có hai con, chúng rất rạch ròi chuyện theo đuổi tương lai của mình. Con tôi nói chúng có sự nghiệp và lựa chọn riêng, tự chịu trách nhiệm với cuộc sống riêng, kể cả trả giá cho cuộc đời chúng. Tôi cũng chấp nhận rằng nghiệp của mình mình phải gánh. Ngay cả việc tôi rất muốn được ở cạnh con, bởi bọn trẻ đã học xong và có thể về Việt Nam, nhưng tôi không có quyền ép chúng, dù mình ước mơ chuyện đó.

Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 15Ong chu Vinamit ke chuyen gia dinh,  DN Lam Vien anh 16

Đó cũng là lý do tại sao tôi lại cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi năm ngoái cả nhà tôi cùng sum vầy ăn một cái Tết đoàn tụ ở Việt Nam. Có thể với nhiều người, điều này đơn sơ thôi, nhưng với tôi là rất hạnh phúc.

- Con cái không nối nghiệp, vậy Vinamit sau “triều đại” của ông sẽ ra sao?

- Tôi đang setup dần, sẽ có một bộ phận thay thế tôi tiếp nối công việc này. Còn họ chưa đủ sức hay chưa đủ tự tin thì tôi đành phải giao cho nhà đầu tư khác. Việc này cần có thời gian kiểm chứng, và thời gian tôi cho mình để tiếp tục gắn bó, điều hành Vinamit có thể chỉ 5 năm nữa, sau đó tôi sẽ dành thời gian cho việc riêng của mình.

Trong thâm tâm tôi tin là các học trò sẽ đảm đương được công ty. Còn trong trường hợp xấu nhất phải bán doanh nghiệp thì tôi cũng sẽ tìm đối tác hiểu rõ được giá trị của doanh nghiệp và làm được những điều đúng đắn.

Bản thân tôi cũng không suy nghĩ những quyết định lưng chừng. Một doanh nghiệp xây dựng trên đam mê thì một là của riêng ai đó, hai là của công chúng. Tôi vẫn thích kiểu thương vụ mua một lần 80-90% hơn là xé nhỏ ra cho nhiều nhà đầu tư.

 Tôi cũng có một quỹ từ thiện rồi, quỹ sẽ dành để giúp đỡ, phát triển nông nghiệp sạch, làm công việc tái tạo lại cho xã hội, giải quyết những vấn nạn của xã hội.

Hà Linh - Bình Nguyên

Ảnh: Hải An
Đồ họa: Phượng Nguyễn
Video: Thiên Tâm - Trung Mai

Bạn có thể quan tâm