Nhiều ngày nay thị trường rau củ Sài Gòn trong cơn sốt rau hữu cơ, khi người dùng sẵn sàng mua rau củ mang danh organic với giá đắt đỏ. Nhiều “chợ mạng” hiện rao giá gần 120.000 đồng/kg cho rau loại này.
Đắt mấy cũng mua, “nát” cũng lấy
Khảo sát tại siêu thị Co.op Mart Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có 3 quầy thực phẩm hữu cơ organic là gạo, rau củ và tôm cá vừa được bổ sung vào các kệ hàng vài ngày trước.
Các kệ hàng hữu cơ ở đây luôn trong tình trạng nghèo nàn sản phẩm, thậm chí trống trơn. Lý do chính là khách đi siêu thị liên tục… “hốt” các loại thực phẩm, từ rau củ cho đến gạo, cá dù giá các sản phẩm này gấp đôi so với kệ hàng được bày bán kế bên.
Kệ hàng rau organic tại siêu thị. Ảnh: Thái Nguyễn.
|
Chị Thu, một nhân viên văn phòng tại Bình Thạnh, TP.HCM cho hay rau củ tại quầy hữu cơ khá ít, thậm chí hơi “cũ” nhưng chị vẫn chọn mua.
“Giá hơi đắt so với rau thường so với rau organic bày bán tại những cửa hàng tiện lợi thì vẫn rẻ hơn. Mình lại không thực sự an tâm với rau mua tại chợ”, chị Thu nói.
Bình thường mỗi ngày nhà chị chỉ chi 25.000-30.000 đồng tiền rau củ cho cả nhà, thì sau khi chuyển sang dùng loại rau hữu cơ, mức phí đã tăng lên gấp 3, tầm 100.000 đồng, và chỉ dành cho 2 loại rau sạch.
“Đối với rau, tôi cực kỳ cẩn thận. Nhà tôi có khu trồng rau riêng nhưng không đủ dùng. Mua rau sạch trên mạng thì không an tâm, chỉ có vào siêu thị hoặc cửa hàng chuyên rau hữu cơ, có thương hiệu, mình tin tưởng hơn”, chị Thu nói thêm.
Tại nhiều siêu thị nằm trong hệ thống của Co.op Mart trên địa bàn TP.HCM cũng có khu vực bày bán các kệ rau hữu cơ. Giá bán rau củ mang mác hữu cơ từ 60.000 đồng/kg trở lên.
Trong khi đó, tại các cửa hàng bán lẻ chuyên rau hữu cơ, mức giá có thể dao động trong khoảng 100.000-120.000 đồng/kg trở lên, tùy loại.
Theo chị Thu, muốn mua rau tươi ở siêu thị phải đến sớm, vì số lượng có hạn. "“Đi trễ thì có nước bỏ đống tiền ra mua rau nát về chế biến chứ đừng hy vọng còn rau tươi”, chị nói và lý giải rằng khách mua thường lật tung kệ rau để kiếm hàng ngon, không dập.
Vỡ trận
Trao đổi với ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, đối tác cung cấp rau củ hữu cơ cho hệ thống siêu thị Co.op Mart tại địa bàn TP.HCM, ông cho biết hiện tại phía công ty ông cung cấp hơn 10 loại rau hữu cơ organic cho siêu thị và các cửa hàng.
Chỉ mới gần 1 tuần chạy thử sản phẩm nhưng hầu hết siêu thị, cửa hàng đều bị “vỡ trận” vì không đủ rau cung cấp cho khách hàng.
“Chỉ mới giai đoạn đầu thí điểm đưa rau vào siêu thị nhưng kết quả khá đáng kể, nói đùa là… ‘bể’ luôn kế hoạch ban đầu rồi”, ông Viên nói.
Kệ hàng rau trống trơn tại một cửa hàng thực phẩm hữu cơ. Ảnh: Thái Nguyễn.
|
Trong giai đoạn thử nghiệm, công ty của ông Viên chỉ cung cấp được hơn 10 sản phẩm rau củ. Riêng tại Saigon Co.op, trong đợt đầu, siêu thị này kinh doanh bốn nhóm thực phẩm hữu cơ mang gồm hai loại gạo Jasmine, Japonica, dưa leo, bí đao, cà chua, cải ngọt, cải xanh, rau muống… Ngoài ra còn có thủy, hải sản gồm phi lê cá ba sa và tôm sú.
Với tình hình thị trường hiện tại, ông Viên dự kiến sẽ nâng tổng số sản phẩm cung ứng lên đến 20 loại, bao gồm cả mặt hàng trái cây hữu cơ trong lai.
Nói về quy trình sản xuất, ông Viên cho biết điểm khác biệt lớn nhất của rau hữu cơ organic và rau bình thường là rau hữu cơ được trồng hoàn toàn bằng vi khuẩn. Có khoảng 1-5 tỷ vi khuẩn trong 1 mét vuông trồng rau, thay vì những loại rau khác được trồng bằng phương pháp có sự can thiệp của hóa học.
“Nếu là người tiêu dùng “sành ăn” thì dễ nhận thấy một hương vị rau organic hoàn toàn khác rau bình thường. Rau đảm bảo không chát, ăn khá ngọt và thơm”, ông Viên giới thiệu.
Theo Tổng giám đốc Vinamit, ban đầu, công ty dự kiến cung ứng rau, củ hữu cơ vào siêu thị ở mức giá 50.000 đồng/kg, nhằm ổn định thị trường, đảm bảo nhiều người được sử dụng rau sạch. Thực tế, hiện nay, mức giá rau, củ công ty ông đưa ra thị trường đã “cán mức” 100.000-120.000 đồng/kg và siêu thị ở mức trung bình là 60.000 đồng/kg.
Đắt đỏ là thế nhưng hàng không có mà cung ứng. Ông cho biết mỗi ngày công ty chỉ cung cấp được vài trăm kg rau hữu cơ cho chuỗi siêu thị tại TP.HCM.
Hiện tại, vùng nguyên liệu rau cung cấp chính cho siêu thị chủ yếu ở Bình Dương, Cà Mau, Đồng Nai và Lâm Đồng. Những vùng có khí hậu thuận lợi, hệ sinh thái ổn định phục vụ cho việc nuôi trồng mô hình hữu cơ.
Cũng theo ông Viên, số lượng rau organic vào siêu thị hay cửa hàng đang hạn chế. Ông mong rằng rằng sau “cơn sốt” thực phẩm hữu cơ, người tiêu dùng, nhà sản xuất và đơn vị phân phối sẽ thấy được những giá trị của sản phẩm này cho sức khỏe. Đây còn là cách để tạo ra xu thế mới về hàng nông sản sạch, để người dân được tiếp cận thực phẩm an toàn.
Trào lưu hay nhu cầu có thực?
Theo ông Viên, hiện tại Việt Nam có khoảng 99% diện tích canh tác theo phương pháp hóa học. Số ít còn lại đang trồng cho phương pháp hữu cơ. Thị trường hiện có gần 40 doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực nông sản hữu cơ, nhưng hầu hết để xuất khẩu chứ người Việt chưa thực sự được hưởng.
"Có thể xuất khẩu chứng tỏ những sản phẩm hữu cơ của Việt Nam là hàng chất lượng. Vì đơn giản, để qua được vòng kiểm nghiệm của nước ngoài là cả một quá trình khắc khe”, ông Viên nói.