Nằm cạnh đường Nguyễn Duy Trinh, chợ Phú Hữu (phường Phú Hữu, quận 9) khá yên ắng khi chỉ có vài quầy cơm tấm, bún thịt nướng, nước giải khát vào mỗi buổi sáng.
Cảnh đìu hiu của ngôi chợ đã quá quen thuộc với những người dân sống ở khu vực này hơn chục năm qua. Bà Ngọc, một người sống lâu năm tại đây, ví chợ Phú Hữu là ngôi “chợ ma” vì số tiểu thương buôn bán chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn người mua cũng chỉ có bà và vài hộ xung quanh.
Ngôi chợ tiền tỷ thoi thóp
“Trước đây, khu vực này nhiều người bán rau củ, thực phẩm nhưng chỉ theo kiểu tự phát. Chợ Phú Hữu ra đời, số người đăng ký kiosk bán cũng nhiều lắm. Thời gian đầu hơi vắng khách, rồi càng ngày lại vắng hơn, không buôn bán gì được nên họ bỏ chợ đi hết, tính ra cũng hơn chục năm rồi”, bà Ngọc ngao ngán chỉ vào chợ.
Được xây năm 2004 với kinh phí 1,2 tỷ đồng, chợ Phú Hữu có 164 kiosk trên diện tích hơn 2.000 m2. Thời điểm đó, sự khang trang, kiên cố với sức chứa vài nghìn người của chợ được kỳ vọng sẽ thay thế và dần dẹp bỏ các chợ trời trong khu vực.
Chợ Phú Hữu (quận 9, TP.HCM) được đầu tư 1,2 tỷ đồng nhưng hiện chỉ có hơn trên dưới 10 tiểu thương kinh doanh. Ảnh: Phúc Minh. |
Tuy nhiên, sau 14 năm, tình hình hoạt động của chợ Phú Hữu lại không hiệu quả, hay như cách nói của người dân là đang trong tình trạng cầm chừng và… thoi thóp.
Thuê một kiosk trong chợ Phú Hữu cách đây 5 năm để bán tạp hóa, bà Thảo cho hay chưa khi nào việc buôn bán với bà lại ế ẩm như vậy.
Trước đó, từng bán tại một ngôi chợ tại quận 2, dọn về nhà mới bà quyết định đầu tư vào đây nhưng càng ngày lại càng ít khách. Mở hàng từ 6h đến 19h hàng ngày nhưng bà Thảo chỉ bán được vài thứ lặt vặt như xà phòng, hộp bánh cho những hộ dân sống xung quanh.
“Khách hàng họ thích mua dọc đường hơn, dừng lại có ngay đồ cầm trên tay. Nhiều người đã bỏ chợ, ra bán ở vỉa hè rất đông khách. Do bán tạp hóa, đồ đạc lỉnh kỉnh và cần phải có mặt bằng nên tôi vẫn trụ ở đây nhiều năm. Không có khách nên tiền lời cũng rất ít”, bà Thảo cho hay.
Không chỉ vì vắng khách mà tiểu thương rời đi, bà Thảo còn tiết lộ thêm việc thiết kế các kiosk gây không ít khó khăn cho họ. Cụ thể, mỗi kiosk có mặt tiền quá nhỏ, chỉ khoảng 2 m nên việc mua bán, bày hàng hóa khá bất tiện.
“Tôi bán tạp hóa, quá nhiều đồ đạc mà diện tích như vậy, không thể nào chất được hàng hóa thì làm sao bán. Diện tích này chỉ đủ chỗ ngồi cho tiểu thương. Kinh doanh không mấy hiệu quả nhưng để chất hết hàng tôi phải thuê cùng lúc 5 kiosk liền kề với giá 300.000 đồng/kiosk/tháng”, bà Thảo nói.
Tương tự, bảo vệ duy nhất trông coi và đảm bảo an ninh cho chợ Phú Hữu cũng cho biết thời gian đầu, nhiều tiểu thương cũng bức xúc việc thiết kế các quầy hàng quá nhỏ và thấp khiến họ không thoải mái trong bán hàng. Trong khi đó, việc mua bán ở chợ trời thuận tiện, sức mua của người dân lại cao nên họ dần bỏ chợ đi hết.
Bỏ chợ tiền tỷ, tiểu thương ra lề đường buôn bán
Hiện chợ Phú Hữu chỉ còn trên dưới 10 tiểu thương kinh doanh, trong đó, đa phần là bán điểm tâm sáng, cơm tấm buổi chiều tối. Hoạt động buôn bán này đều tập trung hết khu vực trước cổng chợ, sát đường Nguyễn Duy Trinh.
Trong khi đó, toàn bộ 164 kiosk được đầu tư kiên cố để bán đủ các mặt hàng từ quần áo, giày dép, hóa mỹ phẩm, rau củ quả, thủy hải sản bên trong khu vực nhà lồng lại trống huơ, trống hoác. Hiện chỉ còn 2 hộ duy trì kinh doanh và sử dụng một số quầy mặt tiền chợ để bán tạp hóa và mở tiệm may.
Toàn bộ khu vực nhà lồng chợ Phú Hữu (quận 9, TP.HCM) đã xuống cấp nặng nề. Ảnh: Phúc Minh. |
Khu vực lồng chợ không được sử dụng hơn chục năm đã hư hỏng và xuống cấp trầm trọng. Nền và các kiosk bê tông bị nứt và vỡ ra. Nhiều mảng tường lớn bong tróc, trơ khung cốt thép bên trong. Phần mái không được sửa chữa nên dột nát và chợ trở nên lầy lội sau những cơn mưa.
“Hầu hết tiểu thương bỏ chợ Phú Hữu quay về bán lề đường như trước đây. Nghịch lý là chợ trời nhưng lại đông khách trong khi một nơi khang trang, kiên cố thế này thì không một bóng người vào mua”, bà Thảo nói.
Tiểu thương này cho biết thêm cách chợ Phú Hữu không xa về hai hướng có hai chợ tự phát. Việc mua bán diễn ra ngay trên lề đường, thuận tiện đỗ xe và nhanh chóng nên người dân ưa chuộng hơn.
Theo ghi nhận, trái với khung cảnh đìu hiu của chợ Phú Hữu, buổi sáng và chiều tối tại hai khu chợ trời trên đường Nguyễn Duy Trinh đều tấp nập kẻ mua người bán. Trên vỉa hè, người kinh doanh bán đủ các mặt hàng, ai muốn mua gì là tấp xe vào, thuận tiện hơn việc phải gửi xe khi vào các chợ cố định.
Tuy nhiên, việc mua bán này khiến giao thông qua khu vực trở nên khó khăn và ách tắc, nhất là giờ cao điểm.
Giải thích về nghịch lý chợ tạm đông trong khi chợ chính lại hoạt động kém hiệu quả hơn chục năm qua, theo UBND quận 9, chợ Phú Hữu tiếp giáp vòng xoay đường Vành đai 2, nơi có nhiều phương tiện tải trọng lớn như container, xe tải công trình thường xuyên hoạt động. Việc ra vào chợ khá nguy hiểm nên người dân cũng hạn chế vào đây mua hàng.
Không chỉ chợ Phú Hữu đang trong tình trạng thoi thóp mà ngay tại quận này, chợ Tân Phú (phường Tân Phú) cũng đã chết hẳn.
Được xây dựng năm 2004 - cùng thời điểm với chợ Phú Hữu, chợ Tân Phú có kinh phí lên đến 2,5 tỷ đồng với 340 sạp. Tuy nhiên, ngay từ đầu, ngôi chợ đã không thu hút được người dân vào buôn bán.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân ngôi chợ này hoạt động không hiệu quả cũng bởi vị trí không thuận tiện. Để vào chợ, chỉ có một con đường duy nhất là vòng theo Xa lộ Hà Nội vài km, ngoài ra đoạn đường cũng nguy hiểm khi có nhiều container hoạt động.