Chia sẻ với các doanh nghiệp (DN) câu chuyện tìm cơ hội khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP cho rằng, chưa bao giờ vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế được nâng tầm như thời điểm này.
Kết thúc đàm phán, nhiều DN đã nắm bắt được nội dung, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh mới. Đây cũng là xung lực thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đang có một thế hệ nhà đầu tư lớn hơn, hiện đại hơn, mang những chuỗi sản xuất hiện đại hơn sang Việt Nam.
Doanh nghiệp lớn chạy đua
Bà Trần Anh Đào, Phó giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSe) thông tin, nếu trong suốt 15 năm qua, HoSe chỉ có 2.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, thì riêng trong năm 2015 đã có đến 400 tài khoản mới được nhà đầu tư nước ngoài mở tại đây. Con số tăng mạnh nhất tại thời điểm TPP chuẩn bị ký kết. Đến năm 2016, quy mô vốn hóa trên HoSe đã đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Các công ty lớn đều có mặt trên sàn chứng khoán này, và đây là cơ hội lớn để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Huy, Giám đốc điều hành Thai Oil Group cũng chia sẻ, DN Thái Lan đánh giá rất cao Việt Nam trở thành thành viên TPP. Đây cũng là một trong những điểm lý giải vì sao DN Thái liên tục đổ bộ Việt Nam thời gian gần đây.
“Cách đây 2 năm, Thái Lan rất có cảm hứng với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Tuy nhiên, từ 2015, khi Việt Nam là thành viên của TPP, DN Thái lại thay đổi. Họ khẳng định TPP là cơ hội lớn của họ nếu kết hợp với những thuận lợi có được thêmtừ AEC.
Nếu các DN lớn xây dựng chiến lược kinh doanh mới ngay khi TPP được ký kết thì DN nhỏ và vừa vẫn chưa hiểu mình sẽ phải làm ăn như thế nào khi gia nhập sân chơi chiếm 40% kinh tế toàn cầu. Ảnh: K. Toàn |
Là DN dược lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán, từ 2 năm nay, Dược Hậu Giang đã chuẩn lực để không “hụt chân” khi gia nhập thị trường với nhiều quốc gia vốn có thế mạnh về ngành này.
Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Dược Hậu Giang khẳng định, trước yêu cầu hội nhập, việc khẳng định lại chất lượng sản phẩm, chất lược phục vụ được đặt lên hàng đầu. Mục tiêu chính của trong 5 năm tới của DN là chất lượng. Chất lượng của sản phẩm, chất lượng của dịch vụ đối với khách hàng, dịch vụ đối với người tiêu dùng, chất lượng của từng con người trong công việc, chất lượng của nội bộ với nhau, chất lượng của sự minh bạch đối với nhà đầu tư.
“Dùng 2 từ chất lượng cho tất cả các lĩnh vực mới phù hợp trong hoàn cảnh này. Bởi đã đến lúc người ta nhìn một DN là nhìn ở chất lượng, chứ không phải là những thứ bề nổi. Hồi xưa chính tôi cứ nói mình phải liều, phải cố gắng hết sức. Nhưng nếu cố gắng làm việc, tạo ra sản phẩm tốt mà chất lượng cuộc sống của người lao động không thay đổi thì cũng không phải DN tốt. Đã qua thời người lao động cần ăn no, mặc ấm, giờ phải ăn ngon mặc đẹp”, bà Nga nói.
Cũng theo CEO Dược Hậu Giang, khi gia nhập TPP, bà nghĩ ngay đến chiến lược phải đứng trên vai người khổng lồ. Ngoài việc mang hàng của mình ra cạnh tranh, với những sản phẩm chưa đủ khả năng sản xuất DN sẽ chủ động làm nhà phân phối. Khi đó, DN có cơ hội mang sản phẩm đi kèm vào những vùng tiêu thụ mà người tiêu dùng khó tính sử dụng.
Công ty nhỏ không biết
Tuy nhiên, đa phần chuyện đi trước đón sóng mới chỉ có ở các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI, phần lớn công ty nhỏ và vừa vẫn loay hoay, thậm chí không quan tâm đến thị trường này.
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội nhựa chia sẻ, ngành nhựa hiện có 3.000 doanh nghiệp. Phần lớn DN trong ngành quan tâm nhiều đến AEC chứ không phải TPP. Thống kê của ông Việt Anh, nếu 10 thành viên ngồi lại với nhau thì đến 6 DN không biết, không quan tâm đến TPP; 4 người còn lại biết nhưng rất lơ mơ, không hiểu đúng.
Ông Johan Nyvene, Giám đốc điều hành khối tài chính doanh nghiệp Công ty chứng khoán HSC, cũng cho rằng mình không "vơ đũa cả nắm", nhưng qua quá trình làm việc, tiếp xúc, chia sẻ với DN, ông nhận thấy một bộ phận lớn DN Việt không muốn đầu tư cho những gì dài hạn, không thấy giá trị trước mắt. Họ chỉ muốn cái gì ngắn hạn, thu lợi ngay. DN Việt Nam không muốn sử dụng dịch vụ tư vấn. Họ chỉ muốn vay vốn ngân hàng với lãi suất rẻ nhất có thể rồi mua đi bán lại kiếm lời, thậm chí họ tìm cách quỵt nợ ngân hàng. Đây là điều khiến hiện nay ngân hàng rất khắt khe khi cho vay với DN nhỏ.
Theo ông Trần Quốc Khánh, hội nhập đã không còn mới, VN đã có hành trang 20 năm hội nhập. Nhưng với TPP, điều quan trọng nhất, Việt Nam là nước duy nhất kết nối được với các thị trường lớn trên thế giới bằng quan hệ thương mại tự do, giúp củng cố vị thế của nước ta trên thị trường quốc tế, và là cơ hội của DN Việt Nam.
Chính điều này mà không còn cách nào khác, DN phải vững tâm thế bước vào hội nhập, bước vào thị trường với tâm thế vững chãi, chấp nhận cạnh tranh. Nhưng DN lưu ý đừng cạnh tranh về giá. Việc giảm giá chạy đua, cắt vào lợi nhuận của mình là không bền. Hãy cạnh tranh khác, bằng chất lượng, chữ tín, xây dựng cách quản trị hiện đại, marketing hiệu quả, bỏ kiểu quản trị gia đình. DN cũng nên đi ra ngoài nhiều hơn để thấy thị trường vận động, để học hỏi.
"Với TPP, tôi rất lo thuốc Việt Nam phải cạnh tranh với thuốc các nước tiên tiến. DN ngoại ngoài thương hiệu, họ có bề dày kinh nghiệm, tài chính lớn mạnh và có cả lòng tin của người Việt Nam. Song họ cũng có điều bất lợi mà DN trong nước có thể vượt qua, đó là văn hóa của người Việt Nam. Không ai hiểu tập quán tiêu dùng của người Việt Nam bằng chính DN nội.
Với những sản phẩm mình làm được, Mỹ làm được thì mình cố gắng làm khác đi, để không bị so sánh. Và cái quan trọng là hệ thống bán hàng. Hội nhập thì hệ thống bán hàng quan trọng nhất, mình nên nghĩ đến những vùng tiêu thụ xa xôi đang cần sản phẩm", bà Phạm Thị Việt Nga.