Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp vất vả thay tướng giữa dòng

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã, đang và sẽ tiếp tục “thay tướng giữa dòng”, nhằm tái cấu trúc và tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Doanh nghiệp vất vả thay tướng giữa dòng

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã, đang và sẽ tiếp tục “thay tướng giữa dòng”, nhằm tái cấu trúc và tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong khi ông Trương Gia Bình sẽ tiếp tục làm “thuyền trưởng” lèo lái FPT, theo kết quả đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đồng năm 2013 của FPT tổ chức mới đây, thì Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) lại vừa thay tướng.

Theo đó, bắt đầu từ tháng 4/2013, ông Trần Ngô Phúc Vũ chính thức trở thành giám đốc điều hành (CEO) của Nam A Bank, thay cho người tiền nhiệm Trần Anh Tuấn lui về đảm nhiệm vai trò thành viên HĐQT.

Trước đó, vào cuối tháng 2/2013, thị trường đã đón nhận thông tin ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank) có tổng giám đốc mới. Bà Dương Thị Mai Hoa nhường ghế tổng giám đốc cho ông Lê Quang Trung, vốn là Phó tổng giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối của ngân hàng này.

Sau khi rời VIB Bank, bà Dương Thị Mai Hoa sang làm Tổng giám đốc Khối ngân hàng doanh nghiệp của ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank).

Nhiều thông tin gần đây cũng cho thấy, năm nay, sẽ tiếp tục có chuyện “thay tướng giữa dòng”, như đã từng xảy ra khá ồn ào vào năm trước. Không hẳn là “tướng” hoặc “tướng lớn”, nhưng chuyện ông Andy Ho, CEO của VinaCapital, vừa từ nhiệm thành viên HĐQT của PNJ, hay việc ông Phan Quốc Huỳnh, “Phó tướng” của công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS) đã về làm “Trưởng” của công ty Chứng khoán Sacombank (Sacombank-SBS)… cũng đã gây được sự chú ý của dư luận.

Thậm chí, dù trước mắt vẫn tại vị CEO, nhưng ông Trương Gia Bình cũng đã nhắc đến chuyện sẽ giới thiệu người kế nhiệm mình trong vòng 2 tháng tới. Tháng 9 năm ngoái, sau khi ông Trương Đình Anh từ nhiệm, ông Bình đã quay trở lại điều hành trực tiếp FPT. Và sắp tới, một lần nữa, FPT có thể sẽ lại có “tướng” mới.

Theo số liệu thống kê, năm 2012 đã chứng kiến việc thay khoảng 100 “vị tướng” ở nhiều DN cỡ vừa và lớn, như FPT, Bảo hiểm PJICO, AAA... hoặc các ngân hàng, như Sacombank, VPBank, TienPhong Bank, OCB...

Năm 2013 được dự báo, chuyện thay tướng vẫn sẽ diễn ra mạnh mẽ, dù có thể lặng lẽ hơn trên các phương tiện truyền thông.

Thay tướng là một trong những biện pháp được nhiều DN áp dụng, một khi lâm vào cảnh khó khăn, hoặc cần tái cấu trúc để tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy có những cuộc thay tướng là hợp lý, nhưng chuyện thay nhân sự cấp cao không phải là không ảnh hưởng tới sự ổn định trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

Bằng chứng là, khi ông Trương Gia Bình công bố việc sẽ giới thiệu tân Tổng giám đốc trước tháng 6/2013, không ít cổ đông đã bày tỏ sự lo ngại về sự xáo trộn về nhân sự cấp cao của Tập đoàn.

Với Tôn Hoa Sen, việc thay tướng không chỉ là sự lo ngại, mà đánh dấu cả sự thất bại. Hẳn dư luận còn nhớ việc vị tướng mới của tập đoàn này chỉ ngồi “ghế nóng” được 18 ngày. Tương tự, cũng có trường hợp, DN sau khi thay tướng trong mảng kinh doanh, marketing, thì lại gặp phải vấn đề, đó là cả tướng lẫn quân của những mảng này cùng kéo nhau ra đi. Điều này khiến DN đối mặt với rất nhiều thách thức và có thể khiến hoạt động kinh doanh của DN rơi vào bế tắc.

Thực tế, đây chính là lý do vì sao tại nhiều DN thay vì tính đến phương án thay lãnh đạo, lại chọn giải pháp khôn ngoan hơn, đó là củng cố bộ máy, đưa ra các biện pháp, chế tài để nâng cao hiệu quả làm việc của toàn hệ thống.

Chẳng hạn, Tập đoàn K.Đ. đã triển khai một loạt chương trình mang tính thúc đẩy, tạo nhiệt huyết trong đội ngũ nhân viên, đặc biệt là những nhân viên trực tiếp tạo ra sản phẩm, dịch vụ và những nhân viên ở tuyến đầu. Một số DN khác chọn cách công khai, minh bạch thực trạng của mình để kêu gọi sự chung vai, gánh vác của toàn hệ thống, nhằm đưa DN thoát khỏi tình trạng khó khăn.

FPT cũng vậy. Theo ông Bình, FPT dù sẽ giới thiệu “thuyền trưởng” mới trong tương lai gần, nhưng vẫn sẽ tiếp tục chương trình bồi dưỡng để có một đội ngũ cán bộ đáp ứng được nhu cầu toàn cầu hóa của tập đoàn trong thời gian tới.

Điều đó có nghĩa rằng, chuyện thay tướng hay không phụ thuộc khá nhiều vào tầm nhìn, độ nhạy bén của HĐQT, hoặc CEO và cũng phụ thuộc vào thực trạng hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Bất cứ quyết định nào trong thời điểm này, đặc biệt liên quan đến việc thay tướng, cũng đòi hỏi một sự tính toán cẩn trọng, để không ảnh hưởng tới hoạt động của DN.

Theo Đầu Tư 

Theo Đầu Tư 

Bạn có thể quan tâm