Trong các yếu tố cấu thành giá bán nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí vận tải thường chiếm tỷ lệ không nhỏ. Riêng trong lĩnh vực vận tải hàng hoá, chi phí xăng dầu chiếm 40-60% tỷ lệ cấu thành giá cước. Vậy nhưng, đa phần doanh nghiệp vận tải hiện vẫn “không biết” xăng dầu đã giảm giá liên tục kể từ ngày 28/7 đến nay. Ngành vận tải hàng hóa còn lấy lý do phải chở đúng tải trọng, nên dù giá xăng dầu giảm, họ vẫn chưa có lãi như thời chở gấp đôi, gấp ba tải trọng tối đa.
Thực trạng xăng dầu liên tục giảm giá 8 lần trong gần 3 tháng qua, nhưng giá hàng hóa, dịch vụ khác hiện vẫn “án binh bất động". |
Một thực tế đáng nói là, trong tháng 10, dù giao thông - vận tải là nhóm có mức giảm giá 1,02%, dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,45% so với tháng 9/2014, nhưng rổ hàng hóa này giảm giá chủ yếu do giá xăng dầu giảm, còn giá cước vận tải vẫn đứng yên. Không bấu víu được lý do nào hợp lý để giải thích cho việc không hạ cước vận tải, lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, trong đó có các hãng taxi, thì đưa lý do chưa giảm giá cước là do… ngại điều chỉnh vì mất thời gian và mất thêm chi phí.
Xăng dầu giảm giá, song cước vận tải không giảm, vô hình trung, tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (trừ doanh nghiệp kinh doanh vận tải) đang bị móc túi. Nói vậy là bởi trong 10 tháng đầu năm nay, ngoài 2.536 triệu lượt hành khách bị móc túi, còn hàng chục triệu lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã phải trả giá cước vận tải hàng hóa cao hơn thực tế với số tiền không nhỏ.
Câu hỏi đặt ra là, ngoại trừ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá vé tàu hỏa gần 7%, vì sao các doanh nghiệp vận tải vẫn “bình chân như vại” khi giá xăng dầu - yếu tố quan trọng hình thành nên cước vận tải - giảm liên tục với tổng mức giảm trên dưới 13%? Từ thực tế này, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ việc các doanh nghiệp vận tải thỏa thuận ngầm không giảm giá cước. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước về giá phải vào cuộc điều tra làm rõ. Nếu quả thật có sự câu kết ngầm, thông đồng về giá cước vận tải để trục lợi thì phải xử lý thích đáng.
Cước vận tải hành khách, hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá, nhưng Luật Giá cũng quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá, cơ quan nhà nước có quyền kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ khi giá có biến động bất thường. Ngoài ra, Nhà nước có trách nhiệm điều tiết giá để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Như vậy, về mặt pháp lý, cơ quan quản lý nhà nước đã có cơ sở để tiến hành thanh tra, kiểm tra yếu tố hình thành cước vận tải; thanh tra, kiểm tra hiện tượng câu kết, cố tình “neo” cước vận tải… không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp vận tải “móc túi” toàn dân.