Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Doanh nghiệp tư nhân và ‘lực kéo’ cho nền kinh tế 10 năm tới

Thủ tướng dùng từ "kỳ tích" để biểu dương nỗ lực của một doanh nghiệp tư nhân với cuộc chạy đua hơn 600 ngày tại dự án 4,2 tỷ USD. Nhiều nơi khác, kinh tế tư nhân cũng ghi dấu ấn.

kinh te tu nhan anh 1kinh te tu nhan anh 2

Thủ tướng dùng từ "kỳ tích" để biểu dương nỗ lực của một doanh nghiệp tư nhân với cuộc chạy đua hơn 600 ngày tại dự án 4,2 tỷ USD. Nhiều nơi khác, kinh tế tư nhân cũng ghi dấu ấn.

Là một người làm thống kê hơn 30 năm, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đã quá quen thuộc với những con số về tăng trưởng, lạm phát, xuất nhập khẩu… Tuy vậy, sau hơn 30 năm đổi mới, đến năm 2018, Việt Nam vẫn chưa có một thống kê đầy đủ về bức tranh doanh nghiệp.

Bởi vậy mà khi lần đầu Việt Nam công bố Sách Trắng vào tháng 7/2019, ông Lâm mang trong mình cảm giác bồi hồi, khó tả. Ông cho biết chưa bao giờ Việt Nam có một cuộc thống kê đầy đủ về bức tranh doanh nghiệp như thế. Thống kê được tổng hợp và gọi tắt là Sách Trắng Việt Nam.

Sách Trắng Việt Nam lần đầu được công bố cũng cho thấy một bức tranh doanh nghiệp với đầy đủ các gam màu. Trong đó, ông Lâm đặc biệt ấn tượng với gam màu sáng từ khối kinh tế tư nhân.

Bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dùng từ “ngoài sức tưởng tượng” khi nhận định sự lớn mạnh của khu vực doanh nghiệp tư nhân tính từ khi bắt đầu đổi mới đến nay.

Bà nhấn mạnh từ chỗ nền kinh tế chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, đến nay, doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp khoảng 42% vào GDP (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) và tạo ra ngày càng nhiều việc làm. Năm 2019, số lao động trên 15 tuổi đang làm việc cho khu vực tư nhân chiếm 83,3%, khoảng 45,2 triệu người.

Bà Phương nhận định kinh tế tư nhân vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, trở thành “lực kéo” chính cho cả nền kinh tế trong thời gian sắp tới. Điều này lại càng mang tính thực tiễn khi các văn kiện đang được xây dựng để trình Đại hội XIII sẽ xác định động lực chủ đạo cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm tới.

kinh te tu nhan anh 3

Là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Quảng Ninh những năm 2000, ông Nguyễn Duy Hưng, Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, nhớ lại khi xây được cầu nối từ đất liền ra Vân Đồn, người dân vùng này coi như một “kỳ tích”. Khi có cầu, chẳng ai nghĩ Vân Đồn sẽ còn có cả sân bay quốc tế.

Lãnh đạo Quảng Ninh khi ấy cũng nghĩ rằng nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách, không biết đến bao giờ Vân Đồn mới có thể thay đổi bộ mặt, mới có đủ hàng nghìn tỷ để xây dựng một sân bay quốc tế.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt khi Vân Đồn là nơi đầu tiên có sân bay do tư nhân xây dựng. Cảng hàng không này đã đón vị khách đầu tiên vào cuối năm 2018, trở thành một trong 9 sân bay quốc tế hiện đại nhất Việt Nam.

Ông Hưng đánh giá đó là bước tiến lớn khi tận dụng được kinh tế tư nhân tham gia một lĩnh vực khó mà xưa nay ai cũng nghĩ chỉ Nhà nước mới làm được.

kinh te tu nhan anh 4

Không chỉ riêng Quảng Ninh, trên cả nước, rất nhiều dự án lớn và khó, mang dấu ấn các doanh nghiệp tư nhân đã được hình thành nhiều năm qua. Có thể kể đến một số dự án hạ tầng như hầm đường bộ Đèo Cả (26.000 tỷ đồng), hầm Hải Vân 2 (7.200 tỷ đồng), cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (45.000 tỷ đồng), cầu Bạch Đằng (7.200 tỷ đồng)…

Có xuất phát điểm tương đồng như Vân Đồn, vùng đất Cát Hải của Hải Phòng, vốn là vùng nước lợ ven biển, người dân sống chủ yếu với nghề nuôi trồng hải sản. Tuy nhiên, Cát Hải đã thay đổi hoàn toàn khi trở thành một trong những "cứ điểm" sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước sau chưa đầy 2 năm.

Cát Hải là nơi đặt nhà máy sản xuất ôtô thương hiệu Việt đầu tiên - VinFast với vốn đầu tư 4,2 tỷ USD. Đến dự cả lễ khởi công và khánh thành nhà máy trong vòng 650 ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dùng từ "kỳ tích" để biểu dương cho nỗ lực của doanh nghiệp cho sự phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Không chỉ các dự án hạ tầng và ôtô, một ngành "khó xơi" khác là hàng không cũng mang đậm dấu ấn của các doanh nghiệp tư nhân. Kể từ khi bắt đầu cất cánh vào cuối năm 2011, Vietjet Air đã giúp định vị lại ngành này và vươn lên trở thành hãng hàng không lớn thứ hai Đông Nam Á. Vietjet cũng nổi tiếng trên thị trường thế giới với hàng loạt hợp đồng mua máy bay trị giá lên đến cả chục tỷ USD.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất của tư nhân cũng đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, đóng góp lớn vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm. Một số doanh nghiệp khác thì vươn ra tầm quốc tế, có vị trí cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo thống kê, hiện tại đã có 29 doanh nghiệp Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Trong số đó có 9 doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Masan, Vietjet, Techcombank, Thế Giới Di Động, Novaland, Hòa Phát... 

9 doanh nghiệp tư nhân này đang có giá trị vốn hóa khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 44% tổng giá trị của 29 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán. Việt Nam cũng đã có những tỷ phú USD đầu tiên như ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), ông Trần Bá Dương (Thaco), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan)...

Theo Sách Trắng Việt Nam 2019, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% thu ngân sách Nhà nước. Khối tư nhân cũng đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Nghĩa là cứ 100 lao động, thì 85 người làm việc trong khối tư nhân.

Vốn đầu tư của khối tư nhân đã tăng nhanh trong nền kinh tế. Nếu năm 2010, vốn tư nhân chỉ chiếm 36,1% thì đến năm 2018 đã tăng lên 43,27%. Như vậy, chỉ tính riêng năm 2018, vốn đầu tư của khối tư nhân là 803.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gọi giai đoạn 2016-2018 là "thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp trong lịch sử”.

Ông nhấn mạnh chưa bao giờ số lượng doanh nghiệp thành lập mới lại nhiều như thời gian từ đầu nhiệm kỳ đến nay, số lượng và quy mô doanh nghiệp thành lập mới liên tiếp đạt mức kỷ lục.

Trung bình mỗi năm có gần 123.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Số doanh nghiệp đã tăng 49,3% về số lượng và 156% về số vốn so với giai đoạn 3 năm trước đó.

kinh te tu nhan anh 9kinh te tu nhan anh 10

Tại diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức tháng 5/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Khu vực kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế”.

Nhiều chuyên gia nhận định khối kinh tế tư nhân đã có sự phát triển ngày càng mạnh mẽ. Doanh nghiệp tư nhân đang đóng vai trò quan trọng để tạo ra việc làm, thu ngân sách, củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ.

kinh te tu nhan anh 11

Ông Nguyễn Đức Tùng vốn là giảng viên Đại học Quốc tế Mahidol (Bangkok, Thái Lan), tư vấn viên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Bước ngoặt công việc đến với ông vào năm 2017 khi Chính phủ thành lập Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV).

Lần đầu tiên, Thủ tướng đồng ý đã thành lập một ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, mà thành viên đa phần là các doanh nhân nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực. Ban này có nhiệm vụ giúp Chính phủ nghiên cứu một số thể chế, chính sách để phát triển khối kinh tế tư nhân. Ông Tùng từ bỏ vị trí tại ADB về làm việc cho Ban IV và hiện là Giám đốc Văn phòng thường trực Ban IV. Đồng thời, ông cũng là Giám đốc Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF).

Ông Tùng đánh giá để có sự lớn mạnh của khối tư nhân hiện nay, phải nhắc đến nỗ lực từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã thay đổi hoàn toàn tư duy và nhận thức về kinh tế tư nhân. Điều đó thể hiện ở một loạt hành động cụ thể mang đậm dấu ấn cá nhân người lãnh đạo.

kinh te tu nhan anh 12

Chỉ ít ngày sau khi nhậm chức vào năm 2016, Thủ tướng đã trực tiếp đối thoại với doanh nhân tư nhân cả nước tại Dinh Thống nhất (TP.HCM). Nhiều người ví đây là cuộc họp “Diên hồng” mà Chính phủ tổ chức để lắng nghe ý kiến doanh nhân tư nhân cho con đường phát triển.

Một năm sau đó, hội nghị “Diên hồng” được tổ chức lần hai và nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới doanh nhân. Thủ tướng đã ngồi nghe kiến nghị của doanh nhân và ngay buổi chiều là cuộc họp kín với các bộ ngành để tháo gỡ các vấn đề kiến nghị của doanh nghiệp.

Song song với đó, Ban IV được thành lập năm 2017 để giúp Chính phủ nghiên cứu những thể chế, chính sách khơi thông khối tư nhân phát triển. Ban này là đầu mối chính giúp Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã tới dự và trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp tư nhân.

Theo bà Phan Ngọc Mai Phương, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Đảng và Nhà nước đã thay đổi tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân rất rõ sau vài thập kỷ đổi mới.

kinh te tu nhan anh 13kinh te tu nhan anh 14

Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết số 12 tại Hội nghị Trung ương 5 cũng xác định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ.

“Đảng và Chính phủ đã xác định phát triển kinh tế tư nhân là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Đây là một thay đổi rất lớn trong nhận thức”, bà Mai Phương đánh giá.

Ông Nguyễn Đức Tùng ví sự thay đổi nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân giống như việc “phát quang một con đường mòn”. Ông nhấn mạnh khi khu vực kinh tế tư nhân được quan tâm, sức bật sẽ ngày càng lớn, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, xã hội.

“Nếu không thay đổi tư duy thì khối tư nhân mãi giống như một con đường mòn khó đi. Nhưng khi được quan tâm và cởi trói, con đường mòn như được phát quang bụi rậm 2 bên, từ đó có thể di chuyển dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều”, ông ví von.

kinh te tu nhan anh 15

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng nếu ví cả nền kinh tế như một cỗ máy, thì kinh tế tư nhân đóng vai trò “động cơ” chủ lực để kéo cả cỗ máy tiến lên phía trước. Nói như vậy để thấy vai trò ngày càng quan trọng của kinh tế tư nhân, đặc biệt trong chiến lược phát triển 10 năm tới của Việt Nam.

kinh te tu nhan anh 16kinh te tu nhan anh 17

Ông Lâm phân tích Đảng đã xác định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nghĩa là Nhà nước chỉ nắm giữ những ngành then chốt, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, những ngành mà tư nhân không thể làm được, không muốn làm. Bằng chứng là quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được đốc thúc đẩy nhanh. Nhà nước sẽ thoái vốn ở rất nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề.

Trong khi đó, Việt Nam cũng không thể mãi phụ thuộc vào nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Như vậy, kinh tế tư nhân trong nước chính là chìa khóa cho động lực phát triển, giúp nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Giữa những thuận lợi đó, ông Lâm nhấn mạnh khối tư nhân trong nước phải vươn lên nắm lấy cơ hội. Tuy nhiên, bà Phan Ngọc Mai Phương cho rằng khối tư nhân phải khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế của mình để có thể lớn mạnh hơn nữa, vươn tầm thế giới, có thể tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Bà Phương cho biết doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay đa phần có quy mô nhỏ và vừa, năng suất lao động còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu liên doanh liên kết, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh… Đó là những thách thức không dễ gì khắc phục ngày một ngày hai.

kinh te tu nhan anh 18

“Vẫn còn nhiều doanh nghiệp có tư tưởng lách luật, tận dụng kẽ hở của luật pháp để làm giàu. Họ không nghĩ cần kinh doanh, làm giàu hợp pháp. Nếu vậy, sự phát triển sẽ không bền vững, không thể trở thành những doanh nghiệp lớn mạnh vươn tầm thế giới”, bà nói.

Đồng tình, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết số vốn đăng ký trung bình của doanh nghiệp thành lập khá thấp, chứng tỏ quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ. Ông cũng cho biết phần lớn doanh nghiệp đăng ký là liên quan đến ngành dịch vụ, buôn bán. Tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất chưa nhiều.

“Nền kinh tế cần nhiều doanh nghiệp sản xuất, tạo ra giá trị vật chất hơn. Như vậy mới căn cơ và bền vững”, ông Lâm nhận định.

Khi phát biểu trước đông đảo doanh nhân tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn kinh tế tư nhân trong nước phải có khát vọng để vươn tầm quốc tế. Song song với đó, ông cũng yêu cầu các cơ quan Chính phủ tháo gỡ hơn nữa về thể chế tạo điều kiện cho khối tư nhân phát triển.

Thủ tướng cũng nhắn nhủ các nhà doanh nghiệp không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà cần xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý.

“Doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Cùng với đó là tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh”, Thủ tướng nhắn nhủ.

Với vai trò là Giám đốc Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Nguyễn Đức Tùng đặc biệt ấn tượng với 10 “từ khóa” mà người đứng đầu Chính phủ nhắn nhủ với cộng đồng doanh nhân tư nhân trong phiên đối thoại. Những từ khóa là: Bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ, trao cơ hội.

“Cơ hội đã thực sự được trao đến tay khối tư nhân”, ông Tùng nói.

Hiếu Công

Đồ họa: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm