Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc Vương Đồng Trụ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Chia sẻ tại Hội nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn đầu tư, triển khai các dự án kết nối giao thông chiến lược với Việt Nam.
Tăng đầu tư nhiều dự án cầu đường
Ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương cho biết tại Việt Nam, tập đoàn này đã nghiên cứu, tham gia các dự án xây dựng cầu Tứ Liên, tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc… Ông Hòa cũng đề xuất các mô hình hợp tác với mong muốn tham gia các dự án tại Việt Nam.
Ông Mã Vân Song, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Xa Trung Quốc đánh giá thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao 2 nước là cơ sở quan trọng và tạo cơ hội hiếm có để hợp tác.
Ông kiến nghị Việt Nam tham khảo phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam là trục chính và các đường nhánh, xem xét quy hoạch hợp tác chính phủ - doanh nghiệp, có thể hợp tác theo hình thức liên doanh, liên kết sản xuất thiết bị đường sắt và lựa chọn để xây dựng cung ứng các sản phẩm tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam phát triển hạ tầng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
"Mục tiêu là phát triển đường sắt bền vững, nâng cao năng lực vận hành, bảo trì. Công ty cũng mong muốn tham gia vào hệ thống năng lượng sạch ở Việt Nam", ông nói.
Cũng tại hội nghị, ông Vương Đồng Trụ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) cho biết sẽ tăng cường thúc đẩy hợp tác với phía Việt Nam trên các khía cạnh tham gia xây dựng hạ tầng giao thông, hợp tác theo hướng giao thông xanh, tài chính xanh...
Ông cho rằng 2 bên có lợi thế, cơ hội hợp tác tốt, Việt Nam có môi trường kinh doanh chất lượng cao, pháp luật lành mạnh, do đó, CCCC mong muốn đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của Việt Nam và tình hữu nghị 2 nước.
Sớm triển khai 3 dự án đường sắt kết nối Việt - Trung
Tại hội nghị, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết nhu cầu vốn phát triển giao thông của Việt Nam rất lớn và đa dạng trên cả 5 lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là thách thức đối với Chính phủ và các Bộ, ngành, nhưng là cơ hội của doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam.
Ông Thắng khẳng định sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các dự án, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc liên doanh với đối tác là doanh nghiệp Việt Nam để hợp tác đầu tư, xây dựng, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ trong các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt và đường bộ.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh cho biết những năm qua Trung Quốc đã phát triển hệ thống giao thông thông suốt, an toàn, bền vững, hiệu quả cao với hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển hàng đầu thế giới.
Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng, ông Trương Quốc Thanh hoan nghênh các cơ quan, doanh nghiệp 2 nước cùng nhau thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là hợp tác phát triển giao thông, kết nối giao thông.
Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh hoan nghênh doanh nghiệp 2 nước cùng nhau thúc đẩy hợp tác phát triển giao thông. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Về một số định hướng hợp tác kết nối chiến lược giao thông thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị sớm triển khai 3 dự án kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng), trước mắt triển khai nhanh tuyến Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng.
"Về đường sắt đô thị, phát huy thành công của tuyến Cát Linh - Hà Đông, tiếp tục phối hợp triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tham gia theo hình thức PPP", Thủ tướng nói.
Về đường hàng không, lãnh đạo Chính phủ cho rằng cần thúc đẩy mở rộng các đường bay kết nối giữa 2 nước, tăng tần suất các chuyến bay có nhu cầu cao, có chính sách khuyến khích du lịch Việt Nam và Trung Quốc.
Về đường bộ, đẩy mạnh triển khai các dự án đường bộ kết nối giữa 2 nước, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc kết nối và các cầu đường bộ biên giới.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.