Theo South China Morning Post, vào tháng 7, thu nhập của các công ty công nghiệp Trung Quốc lao dốc trong tháng thứ 5 liên tiếp. Điều đó một lần nữa chứng minh nền kinh tế thứ hai thế giới đã mất động lực tăng trưởng. Chính quyền Trung Quốc cần tiếp tục duy trì những chính sách hỗ trợ thêm một thời gian nữa.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), giá nguyên liệu thô tăng cao, các hạn chế trong chuỗi cung ứng do thiên tai và dịch bệnh đã ảnh hưởng đến thu nhập trong lĩnh vực sản xuất.
NBS cho biết lợi nhuận của các công ty công nghiệp trong tháng 7 tăng 16,4% lên 703,67 tỷ NDT (108,5 tỷ USD), mức tăng chậm nhất từ trước đến nay. Hồi tháng 6, tốc độ là 20%.
Thu nhập của các công ty công nghiệp của Trung Quốc đã lao dốc trong tháng thứ 5 liên tiếp. Ảnh: Reuters. |
Các doanh nghiệp lao đao
Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi ấn tượng từ cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, đà phục hồi đang mất dần nhiệt lượng. Các doanh nghiệp phải vật lộn với chi phí tăng cao và tắc nghẽn nguồn cung ứng. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn thận trọng trong việc chi tiêu.
Hôm 16/8, các cơ quan quản lý của Trung Quốc cũng công bố dữ liệu về sản xuất công nghiệp, đầu tư và doanh số bán lẻ tháng 7. Những con số chỉ ra dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế.
Sản xuất công nghiệp tăng 6,4% so với một năm trước đó. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất trong vòng 11 tháng qua. Sản xuất ôtô bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu.
Doanh số bán lẻ trong tháng 7 chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất kể từ đầu năm. Đầu tư tài sản cố định cũng không cao như dự báo của các nhà kinh tế.
Hồi giữa tháng 7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các nhà băng, giải phóng khoảng 1.000 tỷ NDT (tương đương 154 tỷ USD) thanh khoản dài hạn.
Dựa trên các yếu tố kinh tế cơ bản, những dấu hiệu suy giảm đáng chú ý đã xuất hiện
Ông Nie Wen, nhà kinh tế tại Hwabao Trust
"Dựa trên các yếu tố kinh tế cơ bản, những dấu hiệu suy giảm đáng chú ý đã xuất hiện", ông Nie Wen, nhà kinh tế tại Hwabao Trust, cảnh báo.
"Tôi hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ điều chỉnh những chính sách kinh tế vĩ mô, giữ ở trạng thái trung lập nhưng có xu hướng nới lỏng để chặn trước, đối phó với các trở ngại", ông nói thêm.
"Nếu đà tăng trưởng tiếp tục trượt dốc, chính phủ có thể đưa ra các biện pháp định lượng", ông nhận định.
Theo ông Zhu Hong - chuyên gia thống kê tại NBS, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong tháng 7 do các ca nhiễm Covid-19 mới, lũ lụt, giá hàng hóa tăng cao tạo áp lực lên lợi nhuận của những doanh nghiệp nhỏ trung và hạ nguồn.
"Nhìn chung, lợi nhuận của các công ty công nghiệp duy trì ở mức tăng trưởng ổn định trong tháng 7. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng sự thiếu đồng đều, thiếu chắc chắn trong quá trình phục hồi thu nhập của doanh nghiệp vẫn còn tồn tại", ông nhấn mạnh.
Trong 7 tháng đầu năm, lợi nhuận của các công ty công nghiệp tăng 57,3% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng tốc độ đã chậm lại so với mức tăng 66,9% hồi nửa đầu năm 2021.
Áp lực ngày càng lớn
Tăng trưởng sản lượng nhà máy tại Trung Quốc cũng lao dốc mạnh trong tháng 7. Giới quan sát nhận định đất nước sẽ chịu áp lực ngày càng lớn do các quy định giãn cách xã hội, việc siết chặt kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản và những ngành gây ô nhiễm cao.
Giá hàng hóa cũng đã tăng mạnh trong những tháng qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của các nhà máy trung và hạ nguồn.
Tuần này, giá than cốc và than luyện cốc của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục. Hôm 26/8, giá quặng sắt cũng ghi nhận ngày tăng thứ tư liên tiếp.
Những ổ dịch mới, do biến chủng Delta nguy hiểm và lây lan nhanh hơn gây ra, và lượng mưa kỷ lục tại tỉnh Hà Nam đã gây ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc.
Một bến tàu ở cảng Ninh Ba - Chu Sơn, cảng container đông đúc thứ 3 thế giới, cũng phải đóng cửa hai tuần do phát hiện một nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Cảng xử lý khoảng 78.000 container mỗi ngày.
Những ổ dịch mới đã gây ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trong báo cáo được công bố hôm 11/8, các nhà kinh tế của HSBC nhận định đợt bùng phát mới tại Trung Quốc diễn ra khi một số động lực tăng trưởng kinh tế đã mất đà, tiêu dùng nội địa cũng chật vật để phục hồi hoàn toàn.
"Nhiều tỉnh và thành phố đã thắt chặt hạn chế về giãn cách xã hội và ban hành lệnh cấm di chuyển liên tỉnh, thành phố", nhóm chuyên gia của HSBC viết. "Những biện pháp này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, nhất là khi tiêu dùng nội địa vẫn chưa phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch", các chuyên gia nhận định.
JPMorgan Chase & Co. hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III/2021 từ 7,3% xuống còn 6,7%. Dự báo cả năm cũng giảm từ 9,1% còn 8,9%.
Goldman Sachs Group Inc. cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Trung Quốc từ 8,6% xuống còn 8,3%, trong khi Nomura Holdings hạ xuống 8,2%.