Bộ Tài chính chiều nay đã có thông báo về tình hình trích lập và sử dụng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu trong quý III. Theo đó, mức trích quỹ trong quý III khoảng 1.043,7 tỷ đồng, trong khi lượng sử dụng hết khoảng 1.040,6 tỷ đồng, khiến số dư quỹ đến cuối quý III ước tăng 3 tỷ đồng so với quý trước, còn 58 tỷ đồng.
Trong số 12 đơn vị sử dụng quỹ bình ổn giá, một nửa số doanh nghiệp hiện có mức quỹ bình ổn âm là Tổng công ty Dầu Việt Nam, công ty Thương mại và Dầu khí Đồng Tháp, công ty cổ phần Hóa dầu Quân Đội, công ty cổ phần Lọc hóa dầu Nam Việt, công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Kỹ thuật và Đầu tư. Mức âm cao nhất thuộc về công ty Dầu Việt Nam với hơn 209 triệu đồng, giảm so với thời điểm cuối tháng 6 khoảng 9,5 triệu đồng. Riêng công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam có mức âm quỹ khoảng 20 triệu đồng. Đây đều là những đơn vị có quỹ bình ổn âm từ quý II và kéo dài tình trạng này đến nay.
Các đơn vị có quỹ bình ổn đang dương là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (hơn 205 triệu đồng), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (180,8 triệu đồng), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (49 triệu đồng), công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (49 triệu đồng) và công ty TNHH vận tải Bộ Hải Hà (11 triệu đồng) và công ty Thương mại Xăng Dầu Đường biển (18 triệu đồng).
Theo quy định, mức trích quỹ bình ổn hiện cố định ở 300 đồng/lit(kg) trên lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của thương nhân đầu mối. Trong trường hợp cần thiết Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập quỹ bình ổn giá cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo để các thương nhân đầu mối thực hiện.
Việc trích quỹ không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, và chỉ được sử dụng để bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của liên bộ Tài chính - Công thương. Thông thường, quỹ chỉ được sử dụng khi giá thế giới tăng khiến giá cơ sở trong nước vượt giá hiện hành và Chính phủ thực hiện điều tiết bằng quỹ.