Trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương diễn ra vào chiều ngày 30/9, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó cục trưởng quản lý thị trường trong nước cho biết, Bộ đang theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới cũng như giá bình quân 30 ngày. Tuy giá xăng thế giới cuối thành 9 có điều chỉnh giảm so với đầu tháng, nhưng không giảm liên tục nên cần phải theo dõi thêm. “Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, nếu đủ điều kiểm giảm giá xăng sẽ cho gảim ngay”, ông Chiến khẳng định.
Về dự thảo nghị định quản lý xăng dầu mới, đại diện Bộ Công thương cho biết, ngày 18/9, ngay sau khi có văn bản thẩm định từ phía Bộ Tư pháp, Bộ Công thương đã trình dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị Định 84 lên Chính Phủ. Nghị định mới gồm 5 chương 40 điều, dự kiến sẽ có một số quy định mới bổ sung và điều chỉnh, nhằm khắc phục những bất cập của nghị định 84 trước đây.
Theo đó, một số điểm mới trong dự thảo được ông Chiến tiết lộ là thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu, biên độ điều chỉnh sẽ có xu hướng giảm (từ 7% xuống còn 5%), lập quy trình quản lý chất lượng xăng dầu theo hệ thống, đảm bảo thống nhất từ đầu mối đến các doanh nghiệp cung ứng. Dự thảo mới cũng sẽ có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các bộ liên quan trong việc minh bạch, công khai điều hành kinh doanh xăng dầu và tạo những tiền đề nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
"Dự thảo mới sẽ quy định về quyền tự quyết của doanh nghiệp, nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp muốn tăng thì tăng, giảm thì giảm mà sẽ có sự giám sát của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là dự thảo nên sẽ còn có những điều chỉnh, thảo luận trong các phiên họp sắp tới", đại diện Cục thị trường trong nước cho hay.
Ngoài ra, ông Chiến cũng khẳng định dự thảo mới hiện chưa quy định về thời gian doanh nghiệp bắt buộc phải giảm giá xăng dầu sau khi giá bình quân thế giới giảm. "Đúng là giá cơ sở đang được tính là bình quân giá thế giới trong 30 ngày. Tuy nhiên, việc có hay không điều chỉnh giá xăng dầu còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, như thuế nhập khẩu, mức trích quỹ bình ổn và sự phát triển kinh tế trong nước chứ không chỉ là mức giá bình quân này".
Riêng về kiến nghị cấm xuất khẩu sắn để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, đại diện Vụ Khoa học công nghệ của Bộ Công thương cho biết, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,5 tấn sắn. "Nếu cấm xuất khẩu sẽ ảnh hưởng lớn đến đầu ra của nông dân, trong khi số lượng sắn này trong nước dùng không hết. Do đó, trước mắt, Bộ sẽ không cấm xuất khẩu mà sẽ xem xét một lộ trình áp thuế xuất khẩu, nhằm đảm bảo nguồn cung và cầu hợp lý trong nước".