Hai ngày qua, hàng chục doanh nghiệp thủy sản quy mô lớn tại Bạc Liêu và Sóc Trăng gấp rút lên phương án nâng công suất vì thời hạn hoàn tất đơn hàng cho các đối tác đã gần kề, trong đó việc bổ sung thêm nhân công bù vào số hao hụt do giãn cách phải sản xuất "3 tại chỗ" được đặt lên hàng đầu.
Việc đầu tiên các doanh nghiệp này cần tính đến là khâu đi lại của công nhân khi các tỉnh vùng nam sông Hậu thiết lập các vùng xanh và chuẩn bị hết thời gian giãn cách xã hội lần 3 theo Chỉ thị 16.
Lo mất khách hàng
Đại diện Công ty TNHH Kim Anh nói rằng khi tỉnh Sóc Trăng thiết lập được 45 xã, phường, thị trấn vùng xanh và 28 vùng vàng vào ngày 16/8, lãnh đạo doanh nghiệp này lập tức tính đến việc cho gần 300 công nhân “3 tại chỗ” đã trụ tại nhà máy suốt 1 tháng qua về nếu nhà ở 2 vùng này.
Tuy nhiên, đến ngày 20/8, vẫn còn 20 công nhân tiếp tục phải ở lại vì đường về nhà của họ phải đi qua vùng cam, đỏ (nguy cơ cao và rất cao).
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, Công ty TNHH Kim Anh có khoảng 1.000 công nhân, kể cả lực lượng làm thời vụ. Khi thực hiện “3 tại chỗ”, công nhân giảm xuống còn khoảng trên 30% nên doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất, ưu tiên đơn hàng gấp để giữ khách hàng.
Sóc Trăng và Bạc Liêu có diện tích tôm công nghiệp lớn ở vùng nam sông Hậu. Ảnh: Phan Thanh Cường. |
Theo lãnh đạo Công ty Kim Anh, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng vừa hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng lại phương án tổ chức sản xuất phù hợp theo các hình thức như “3 tại chỗ”, “3 tại chỗ kết hợp với đưa đón công nhân, công nhân đi làm bằng phương tiện cá nhân” và “đưa đón công nhân và công nhân đi làm bằng phương tiện cá nhân”. Trong đó, việc đưa đón công nhân được áp dụng tại vùng xanh và vùng vàng liên huyện đã mở ra hướng có lợi cho doanh nghiệp.
Đặc thù của ngành thủy sản trong mùa dịch Covid-19 này là tuy ít công nhân nhưng doanh nghiệp phải vận hành máy móc để bảo quản tôm đông lạnh. Việc này khiến cho chi phí sản xuất tăng cao vì gánh thêm tiền điện.
"Nếu hoạt động 40-50% công suất là doanh nghiệp lỗ vốn nhưng phải chịu. Đối tác phạt nếu giao hàng chậm thì có thể không xảy ra nhưng mình không cung ứng đủ hàng thì người ta tìm đối tác khác”, chủ một công ty thủy sản lo lắng.
Zing đặt vấn đề về khả năng đối tác hủy hợp đồng hoặc phạt cho doanh nghiệp Việt Nam giao hàng tôm đông lạnh chậm, ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết đã gửi thư cho đối tác để giải thích, nói rõ tình hình dịch Covid-19. Doanh nghiệp mong đối tác thông cảm vì trước đây, các nước phát triển bị dịch Covid-19 đã từng hủy hợp đồng, lùi thời hạn nhận hàng của Việt Nam.
“Hiện nay đến khi mình gặp dịch bệnh thì họ cũng hiểu nên việc đền hợp đồng có thể không xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải nỗ lực sản xuất để đáp ứng những đơn hàng gấp, giữ được khách hàng tốt, không để họ bỏ đi sang thị trường khác", ông Phục nói.
Mua máy xét nghiệm RT-PCR cho công nhân
Theo ông Võ Văn Phục, Thủy sản sạch Việt Nam thực hiện “3 tại chỗ” từ khi tỉnh Sóc Trăng chưa có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Do đó, đơn vị có kinh nghiệm quản lý chặt các mối nguy từ bên ngoài vào doanh nghiệp. Vì vậy, khi thực hiện chủ trương sản xuất “3 tại chỗ” theo yêu cầu của cơ quan chức năng, Thủy sản sạch Việt Nam giữ chân được khoảng 1.500/4.000 lao động.
“Với lượng công nhân này, chúng tôi sản xuất không nhiều nhưng cầm cự được. Công nhân ‘3 tại chỗ’ ở lâu quá nên công ty định đón công nhân trong vùng xanh. Tuy nhiên, chúng tôi lo rằng tuy xác định vùng xanh nhưng người dân chưa được xét nghiệm tầm soát ở một mức độ đáng tin, nên chưa biết vùng đó có đảm bảo không còn F0”, ông Phục nói.
Các doanh nghiệp dự đoán cuối năm 2021 giá tôm nguyên liệu tăng mạnh. Ảnh: Xuân Trường. |
Mặc dù lo lắng, doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng này đánh giá cao việc địa phương áp dụng phân vùng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về lĩnh vực lao động, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng nông, thủy sản.
Để chung tay với chính quyền địa phương trong việc phòng, chống dịch Covid-19, Thủy sản sạch Việt Nam trang bị kit test nhanh cho công nhân và một máy xét nghiệm RT-PCR để 3 ngày tầm soát cho công nhân một lần. Hệ thống tầm soát chủ động này giúp doanh nghiệp phòng, chống dịch Covid-19 và kịp bóc tách F0 nếu không may công nhân nhiễm nCoV.
“Chúng tôi còn hướng đến khả năng hỗ trợ xét nghiệm nhanh giúp người thân trong gia đình công nhân. Đưa, rước công nhân vùng xanh lúc này là chấp nhận rủi ro, một phần để vừa đảm bảo mục tiêu phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, chứ ‘3 tại chỗ’ hoài cũng khó”, ông Phục chia sẻ.
Cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, lãnh đạo Thủy sản sạch Việt Nam đề xuất cơ quan chức năng thần tốc xét nghiệm để bóc hết F0 ra khỏi cộng đồng, kể cả vùng xanh. Việc tiếp theo là tiêm vaccine Covid-19, chuẩn bị thật tốt các phương án điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Việc còn lại là cộng đồng doanh nghiệp sẽ cố gắng cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh.
Lo thiếu nguyên liệu, không kịp giao hàng
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho rằng ngành chế biến tôm xuất khẩu hoạt động cao điểm nhất vào quý 3 mỗi năm các tháng 7, 8, 9. Từ đầu năm, doanh nghiệp này xây dựng kế hoạch xuất khẩu 18-20 triệu USD mỗi tháng nhưng ảnh hưởng Covid-19, tháng 7 chỉ có 16 triệu USD, tháng 8 khả năng chỉ đạt 10-12 triệu USD.
“Tháng 9 chưa biết tình hình thế nào. Nếu dịch bệnh ổn thì xuất khẩu cũng 60-70%. Cuối năm nay các công ty thủy sản có mối nguy khác là thiếu nguyên liệu vì rủi ro dịch bệnh nên nông dân nuôi tôm ít hoặc ngưng thả giống. Vì vậy, tôm thịt có khả năng trong những tháng cuối năm giảm mạnh, không đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy thủy sản hoạt động”, ông Phục nhận định.
Để kịp giao hàng cho các hợp đồng ưu tiên xuất khẩu trước, một số nhà máy thủy sản bắt đầu rã đông tôm nguyên liệu dự trữ. Việc dự trữ tôm lúc thủy sản giảm giá đã giúp nông dân giải phóng được hàng hóa, vừa giúp nhà máy chủ động nguyên liệu dù đã có sẵn các những cánh đồng nuôi tôm trải bạt.
“Khi lực lượng lao động vào nhà máy trở lại thì giá tôm chắc chắn tăng. Việc này tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Dịch bệnh kiểm soát ổn thì giá tôm tăng lên cao do nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới rất lớn. Chỉ lo ngại lúc đó không đủ hàng để giao cho đối tác hoặc giao chậm vì khó tìm được tàu vận chuyển”, chủ một doanh nghiệp chia sẻ.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Thủy sản Tân Phong Phú (Bạc Liêu) là ông Tô Huy Phong, ngoài việc hoạt động cầm chừng, doanh nghiệp đang đối mặt với giá cước gửi hàng tăng trên 400%. Theo ông Phong, trước đây mỗi container hàng, tàu vận chuyển thu 2.000 USD thì hiện nay tăng lên 11.000 USD.
Dậy chuyển sản xuất tôm đông lạnh tại Công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu Trang Khanh. Ảnh: Nhật Tân. |
Còn Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu Trang Khanh (Bạc Liêu) Trần Tuấn Khanh thì nói rằng những hợp đồng với nước ngoài phải đẩy nhanh sản xuất để trả vì đã hẹn lùi thời gian vài tháng. Nếu tiếp tục bội tín sẽ bị phạt và mất luôn đối tác làm ăn.
“Nếu như lô hàng đó 10.000 USD mà chúng tôi hẹn 2-3 tháng không giao thì bị họ phạt liền. Không chỉ phạt mà đối tác còn thông tin lên mạng cho doanh nghiệp khỏi xuất qua thị trường đó chứ không có thông cảm như trước đây”, ông Trang Khanh khẳng định.
Vì vậy, chờ khi dịch bệnh ổn định, ông Khanhsẽ đẩy mạnh việc mua tôm để sản xuất, giao hàng trả nợ hợp đồng dù giá tôm dự kiến tăng cao.
“Tôm cuối năm nay tăng mạnh là chắc chắn vì không còn nhiều người nuôi do ảnh hưởng dịch Covid-19”, ông Trang Khanh nói.