Ngày 18/8, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng họp cùng đại diện các doanh nghiệp để bàn phương án tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 247 doanh nghiệp thành lập mới. Con số này giảm gần 10% và giảm vốn đăng ký khoảng 50% so với cùng kỳ. Hơn 7 tháng qua, có gần 110 doanh nghiệp tại tỉnh này tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể vì ảnh hưởng dịch Covid-19, ảnh hưởng đến hàng chục nghìn lao động.
Không bắt buộc "3 tại chỗ"
Trao đổi vởi Zing, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thanh Trong cho biết trước khi dịch Covid-19 xảy ra, khu công nghiệp An Nghiệp có 42 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm cho trên 22.000 lao động. Nhiều công ty đã không thực hiện được “3 tại chỗ” nên hoạt động cầm chừng hoặc ngưng sản xuất.
Doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" ở Hậu Giang tổ chức xét nghiệm nCoV cho công nhân 2 lần một tuần. Ảnh: Nhật Tân. |
“Lúc cao điểm có đến 30 doanh nghiệp trong khu công nghiệp An Nghiệp ngưng hoạt động. Vài ngày trở lại đây, Sóc Trăng thiết lập được một số vùng xanh nên doanh nghiệp có điều kiện dùng ôtô đưa rước công nhân, chuẩn bị hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp cố gắng cầm cự trong hơn một tháng qua, công suất hoạt động cũng đã tăng từ 40 lên 60%”, ông Trong nói.
Theo ông Trong, phương án "3 tại chỗ" vẫn ưu tiên trong lúc vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, phương án này không còn bắt buộc mà chỉ khuyến khích doanh nghiệp duy trì.
"Mình khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên chọn phương án '3 tại chỗ'. Nếu họ tiếp tục duy trì thì sau này Chính phủ có gói hỗ trợ nào cho những doanh nghiệp tổ chức '3 tại chỗ' thì tỉnh sẽ cho hưởng gói hỗ trợ đó", lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng khẳng định.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch Covid-19, ngày 18/8, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng lại phương án tổ chức sản xuất phù hợp theo các hình thức như “3 tại chỗ”, “3 tại chỗ kết hợp với đưa đón công nhân, công nhân đi làm bằng phương tiện cá nhân” và “đưa đón công nhân và công nhân đi làm bằng phương tiện cá nhân”. Trong đó, việc đưa đón công nhân được áp dụng tại vùng xanh và vùng vàng liên huyện.
Tương tự Sóc Trăng, tại An Giang, Phó chủ tịch Trần Anh Thư cho biết tỉnh này sẽ tập trung xét nghiệm, sàng lọc để tạo ra các vùng xanh. Người lao động tại đây sẽ được đi làm theo mô hình "một cung đường, hai điểm đến" giảm tải áp lực cho doanh nghiệp.
Riêng các khu vực "vùng vàng" phải thực hiện "ba tại chỗ" thì được ưu tiên lao động để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Tăng 20% lương
Một trong những điểm sáng ở miền Tây áp dụng thành công mô hình “3 tại chỗ” là Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đặt tại huyện Châu Thành, Hậu Giang. Mô hình này được công ty sản xuất giấy triển khai từ 19/7 tại khu ký túc xá có đầy đủ tiện nghi.
Trao đổi với Zing, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam Chung Wai Fu cho biết doanh nghiệp đã tạo nhiều điều kiện để người lao động an tâm sản xuất, giúp doanh nghiệp duy trì, đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong thời gian dịch Covid-19.
Mỗi tuần, công ty xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho mỗi công nhân 2 lần. Ngoài việc được phát phiếu mua hàng miễn phí tại siêu thị mini trong khu ký túc xá, nhân viên sử dụng xe gắn máy có thể đến trạm xăng trong Công ty Lee & Man để đổ xăng và ăn uống miễn phí 3 lần mỗi ngày.
Nhờ có khu nhà ở khang trang, Công ty Lee & Man Việt Nam đã duy trì tốt hoạt động "3 tại chỗ". Ảnh: Nhật Tân. |
Theo ông Chung Wai Fu, nhờ doanh nghiệp đầu tư khu nhà ở cho chuyên gia và cán bộ, công nhân viên có sức chứa đến 1.500 người, nên doanh nghiệp không bị động khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ”. Khu nhà có vốn đầu tư 380 tỷ đồng có 419 căn hộ đầy đủ tiện nghi. Xung quanh có sân bóng đá, bóng bàn, cầu lông, phòng tập gym… cho nhân viên.
“Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, công ty có khoảng 1.100 nhân viên vào sống tại ký tục xá để thực hiện mô hình ‘3 tại chỗ’. Chỉ có hơn 40 nhân viên làm việc online tại nhà. Trong thời gian này, công ty tăng thêm 20% lương cố định cho toàn thể cán bộ và người lao động sống tại ký túc xá để thực hiện ‘3 tại chỗ’”, Tổng giám đốc Lee & Man chia sẻ.
Cần Thơ chỉ còn 5,5% doanh nghiệp hoạt động
Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, trong tổng số gần 10.000 doanh nghiệp tại tỉnh Cần Thơ với khoảng 150.000 lao động, đến nay có 9.800 đơn vị ngưng hoạt động, do ảnh hưởng Covid-19.
Trong đó, TP Cần Thơ có 1.090 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thì tính đến chiều 17/8, có 1.030 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (94,5%), số còn lại chỉ chiếm 5,5% (60 doanh nghiệp).
Tổng số lao động của các doanh nghiệp tại TP Cần Thơ gần 70.000 người nhưng đã nghỉ 65.036 người (93,05%). Số còn lại sản xuất “3 tại chỗ” trong các doanh nghiệp là 4.857 người, tương đương 6,95%.
Có trên 94% doanh nghiệp ở Cần Thơ tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19. Ảnh: Nhật Tân. |
Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ có báo cáo tổng hợp ý kiến doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.
"Đa số doanh nghiệp cho biết chỉ hoạt động được 5-10% công suất trong khi chi phí rất cao (quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, thực hiện '3 tại chỗ', nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển…). Ngoài ra, công nhân làm việc bị giảm năng suất do tinh thần không ổn định, căng thẳng, áp lực, đảm nhận công việc ở vị trí khác (do thiếu hụt lao động)", báo cáo của VCCI Cần Thơ nêu.
VCCI Cần Thơ cũng báo cáo về động thái doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm 2021 nhằm ghi nhận tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp. Trong 101 doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực được khảo sát cho thấy số quay trở lại hoạt động đang giảm dần. Trong khi đó thực tế có sự gia tăng số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Với sự quay trở lại của dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm 2021, miền Tây chỉ có 1.523 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 4,57% so với cùng kỳ), 1.796 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 11,41%), 4.030 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 67,71%) và 955 doanh nghiệp đã giải thể (tăng 27,33%).
Tác động của dịch Covid-19 lần này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Cụ thể, tổng doanh thu của quý I/2021 giảm 40,4%, lượng đơn đặt hàng mới giảm 41,3% so với quý 1/2021.
Trên 50% doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch doanh thu ở mức 50-75% kế hoạch.