Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp thép đua nhau báo lỗ

Triển vọng kinh doanh ảm đạm đang thể hiện vào kết quả nhiều công ty thép, nhiều đơn vị nhỏ trong ngành thua lỗ và công ty lớn cũng đang chứng kiến nhiều khó khăn.

Mùa báo cáo tài chính quý III đang bắt đầu diễn ra, một số công ty có truyền thống công bố sớm đã lộ diện những kết quả ban đầu. Nhóm thép như thường lệ cũng nhanh chóng có kết quả nhưng theo chiều hướng tiêu cực.

Công ty Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) mở đầu với kết quả lỗ đến 25 tỷ đồng trong quý vừa qua (cùng kỳ lãi 10 tỷ đồng). Quý lỗ gần nhất của công ty là quý IV/2018 và đây cũng là mức lỗ đậm nhất của doanh nghiệp kể từ giữa năm 2013 đến nay.

Lần lượt lỗ nặng

Kết quả này là do sản lượng tiêu thụ thấp hơn 21.895 tấn (-11%) so với cùng kỳ năm ngoái dẫn đến doanh thu sụt giảm 15% về 2.600 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp lao dốc từ 6% xuống dưới 2%, tức còn hơn 44 tỷ đồng lãi gộp.

Thực tế, con số lỗ còn có thể cao hơn rất nhiều nhờ công ty không còn phải trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá cho dự án mở rộng, cũng như bất ngờ có khoản lợi nhuận khác (tiền bồi thường, tiền phạt...) gần 15 tỷ đồng.

LỢI NHUẬN MỘT SỐ CÔNG TY THÉP

NhãnTiscoThép Thủ ĐứcVicasaMelinCBI
Quý III/2022 Tỷ đồng -25-22-2211
Quý III/2021
10-121887

Tính lũy kế từ đầu năm, Tisco ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 22 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và giảm 84% so với cùng kỳ. Kết quả này chỉ mới thực hiện được 20% kế hoạch cả năm.

Cấu trúc tài chính của Tisco cũng không quá lành mạnh khi chỉ còn nắm 26 tỷ đồng tiền mặt. Trong khi đó giá trị hàng tồn kho tiếp tục tăng mạnh lên hơn 2.100 tỷ đồng, gây lo ngại về khả năng tiêu thụ trong bối cảnh thị trường chung không thuận lợi.

Doanh nghiệp còn bị gánh nặng nợ ngắn hạn ở mức hơn 6.000 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn chỉ hơn 2.800 tỷ dẫn đến vốn lưu động thiếu hụt nặng nề. Tỷ lệ đòn bẩy rất cao khi tổng nợ vay chiếm gần 42% tổng nguồn vốn và gấp 2,25 lần vốn chủ sở hữu.

Hai doanh nghiệp thép thành viên thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cũng không khá khẩm hơn với mức lỗ hàng chục tỷ đồng trong quý III.

Thép Vicasa Vnsteel báo cáo doanh thu thuần giảm 17% về 477 tỷ đồng. Công ty bất ngờ lỗ ròng 22 tỷ đồng (cùng kỳ vẫn lãi 2 tỷ) và là quý lỗ nặng nhất kể từ năm 2009. Điều này dẫn đến lợi nhuận lũy kế 9 tháng quay đầu về âm 12 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết ngành thép chịu ảnh hưởng từ biến động địa chính trị và lạm phát toàn cầu, cũng như tác động của việc siết tín dụng vào bất động sản làm giảm nhu cầu thép. Kéo theo sản lượng tiêu thụ ít, giá bán giảm nhanh, hàng tồn kho giá cao và chi phí tài chính tăng nhanh đã dẫn tới kết quả ảm đạm trên.

Còn Thép Thủ Đức Vnsteel vẫn có doanh thu tăng nhẹ 2% lên 412 tỷ đồng trong quý III. Tuy nhiên, giá thép lao dốc và chi phí tài chính tăng mạnh khiến công ty bị lỗ 22 tỷ đồng, mức thiệt hại lớn nhất kể từ khi cổ phần hóa.

Tính lũy kế từ đầu năm, công ty thép tại phía nam báo cáo doanh số giảm 8% về khoảng 1.500 tỷ đồng và qua đó bị lỗ ròng 16 tỷ đồng, cách rất xa mục tiêu có lãi hơn 24 tỷ đặt ra hồi đầu năm.

Hay Công ty Gang thép Cao Bằng (CBI) thông báo sản lượng tiêu thụ phôi thép quý III giảm 25% (tương đương giảm 9.264 tấn) so với cùng kỳ. Cộng thêm giá bán giảm 11% khiến doanh số lao dốc 33% về còn 400 tỷ đồng. Chi phí cao cũng đẩy lợi nhuận sau thuế giảm sốc 99% còn vỏn vẹn 750 triệu đồng.

Tính chung 3 quý, hãng phôi thép tại Cao Bằng có doanh số sụt gần 20% về mức hơn 1.700 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng còn 44 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ và mới thực hiện chưa đến phân nửa kế hoạch năm.

Công ty lớn cũng gặp khó

Công ty đầu ngành như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng không tránh khỏi chu kỳ đi xuống. Báo cáo bán hàng giai đoạn tháng 7-9 chỉ đạt 1,71 triệu tấn thành phẩm, thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hòa Phát lý giải nhu cầu thị trường chung thấp trong tháng 9, kết hợp với mưa bão diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn.

San xuat thep,  bao cao,  quy III anh 1

Công ty thép đầu ngành được dự báo sụt giảm mạnh về bán hàng và lợi nhuận. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo một ước tính sơ bộ của SSI Research, lợi nhuận của Hòa Phát trong kỳ này có thể đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, giảm 80% so với mức đỉnh của quý III/2021 do giá bán thép giảm và giá than cốc đầu vào tăng cao, cùng một khoản lỗ chênh lệch tỷ giá.

Hay mới đây, công ty Thép Pomina (chiếm hơn 4% thị phần) thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF) từ ngày 23/9 và đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên.

Công ty khẳng định đây là quyết định chủ động để tập trung vào thế mạnh là lò điện sẽ mang lại hiệu quả tối ưu hơn, làm tăng khả năng cạnh tranh nội bộ và kiểm soát chi phí. Việc mở lại hoạt động lò cao sẽ linh động và tùy thuộc vào triển vọng của thị trường thép.

Thực tế, ngành thép đang rơi vào giai đoạn rất khó khăn của chu kỳ đi xuống, những bất ổn địa chính trị trên thế giới đi kèm với tình hình suy thoái toàn cầu khiến bức tranh kinh doanh chung xám màu.

Số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam cho thấy sản lượng sản xuất tháng 9 vẫn tăng gần 2% nhưng sản lượng bán hàng lại sụt giảm gần 10% so với cùng kỳ. Điều đó càng làm tăng chênh lệch cung cầu và cạnh tranh khốc liệt hơn.

Tổng lượng bán hàng trong 3 quý đầu năm ghi nhận hơn 23,25 tấn thành phẩm sản xuất, giảm gần 5,1% so với cùng kỳ. Trong khi sản lượng bán hàng đạt gần 21,3 triệu tấn, giảm hơn 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia của S&P Global dự báo giá thép châu Á khó bứt phá trong quý IV/2022 do nhu cầu thấp và chi phí năng lượng tăng cao. Đặc biệt, nhu cầu thép từ các lĩnh vực bất động sản và sản xuất của Trung Quốc, thị trường trọng điểm trong khu vực, vẫn yếu cho đến cuối năm bất chấp có một số hỗ trợ.

Lộ diện những khoản lợi nhuận đầu tiên quý III

Phần nhiều công ty niêm yết vẫn đạt kết quả khá tích cực trong quý vừa qua nhờ mức nền so sánh thấp, tuy nhiên vẫn có một số ngành đã có dấu hiệu tụt dốc.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm