Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp phản ứng thông tin bún phở độc hại

Người tiêu dùng hoang mang, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vất vả đối phó, TP.HCM quyết liệt tổng kiểm tra và sẽ công bố danh tính lò bún bẩn trong tuần tới.

Doanh nghiệp phản ứng thông tin bún phở độc hại

Người tiêu dùng hoang mang, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vất vả đối phó, TP.HCM quyết liệt tổng kiểm tra và sẽ công bố danh tính lò bún bẩn trong tuần tới.

Tại buổi họp để làm rõ thông tin nhiều mẫu bún, bánh phở, bánh cuốn bị nhiễm chất làm trắng (Tinopal) sáng nay, cơ quan kiểm nghiệm, công bố thông tin là Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng, thuộc Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã không có mặt. Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhà phân phối đã phản ứng khá gay gắt với những kết luận bún phở nhiễm chất tinopal.

Người tiêu dùng hoang mang trước thông tin bún, phở, món ăn quen thuộc hàng ngày chứa chất độc hại.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Sài Gòn Co.op, đơn vị bị công bố bán bún có chất tinopal, phản ứng gay gắt, khẳng định sẽ làm đến cùng để bảo vệ uy tín, thương hiệu. Co.op mart cũng khẳng định các mẫu trung tâm này lấy không đủ điều kiện để kết luận và công bố thông tin, vì không có chứng cứ, đại diện doanh nghiệp này không ai ký biên bản.

Theo đại diện Co.op mart, mặt hàng bún kinh doanh ở hệ thống này do nhiều cơ sở sản xuất và nhà phân phối Kiều Trang cung ứng, đồng thời được kiểm soát chặt chẽ ở khâu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong 6 tháng đầu năm, siêu thị đã kiểm nghiệm đến 3.666 mẫu sản phẩm các loại, trong đó có bún phở lấy mẫu kiểm tra ngày 17/6, trùng với thời điểm Trung tâm nghiên cứu bảo vệ người tiêu dùng thực hiện, song kết quả thử nghiệm sản phẩm của một số nhà cung cấp, gồm cơ sở Cát Tường, Thu Hương, Bàu Cát… do Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm, Sở Khoa học Công nghệ thành phố thực hiện, nhưng không phát hiện có chứa chất làm trắng Tinopal.

Đại diện hệ thống BigC thì cho biết, quy trình chọn nhà cung cấp bún cho BigC rất nghiêm ngặt. Cơ sở sản xuất bún phải có đủ các chứng nhận gồm cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả kiểm nghiệm vi sinh theo quy định và kết quả kiểm nghiệm hàn the âm tính.

Rất nhiều người cẩn thận dùng đèn soi tiền chiếu vào bún để phát hiện chất huỳnh quang trước khi sử dụng, song theo các nhà chuyên môn, phương pháp này không chính xác.

Tại TP.HCM, siêu thị Big C lấy mặt hàng bún, bánh ướt các loại từ nhà cung cấp Trung Kiên, Tam Nông, là những nhà sản xuất đảm bảo yêu cầu trên. Ngoài ra, siêu thị cũng thường xuyên tổ chức các loại xét nghiệm trên định kỳ và ngẫu nhiên để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Mặt hàng bún Big C vừa kiểm nghiệm đầu tháng 7 vừa qua và kết quả với chất Tinopal là âm tính. Bà Phạm Thị Kim Hiếu - chủ cơ sở sản xuất Bàu Cát (Q.Tân Bình), nhà cung cấp mặt hàng bún tươi cho siêu thị Co.op Mart, bức xúc cho biết sản lượng hàng bán ra giảm 30% so với vài ngày trước. “Cơ sở chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận của Cục An toàn thực phẩm, sản phẩm cũng thường xuyên được đem đi kiểm nghiệm định kỳ, chưa từng phát hiện nhiễm phụ gia", bà cho biết thêm.  

Theo ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công thương, thông tin bún, phở, bánh canh chứa chất tinopal đã gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất bún tươi, các doanh nghiệp phân phối, đặc biệt là việc buôn bán tại chợ truyền thống giảm mạnh.

"Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có thông tin cảnh báo đều đáng trân trọng, nhưng thông tin đã trở thành kết luận vi phạm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng người dân thì phải chính xác, đúng quy định của pháp luật. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, sức mua đã rất yếu, những công bố thiếu trách nhiệm như vậy càng khiến cho doanh nghiệp khó khăn”, ông Nhung nói.

Theo Sở Công thương TP.HCM, mãi lực bún, phở bán ra tại các chợ truyền thống đang giảm rất mạnh.

Cũng theo ông Nhung, các hội nghề nghiệp như hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền kiểm tra, xác định về an toàn thực phẩm, nhưng không có trách nhiệm công bố thông tin. “Họ chỉ được lấy mẫu kiểm nghiệm theo đúng quy trình và thông báo kết quả, kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước công bố thông tin cơ sở vi phạm, không được đơn phương công bố thông tin như đã thực hiện. Nếu họ cung cấp và yêu cầu chính xác thì chúng tôi công bố, xử lý ngay chứ không ngần ngại, không giấu giếm, vì việc này ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có cả bản thân tôi”, ông Nhung nói.

Bà Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cũng thừa nhận “họ kiểm tra lúc nào chúng tôi không biết”. Hội có quyền kiểm định sản phẩm theo quy định của pháp luật nếu thấy nghi ngờ, xong sau khi có kết quả thì gửi thông báo và kiến nghị cơ quan nhà nước xem xét. Chừng nào cơ quan nhà nước bỏ qua thì hội mới thay mặt người tiêu dùng công bố, khởi kiện những sai phạm đã phát hiện theo luật.

Bà Thu cho rằng, việc trung tâm này đơn phương lấy mẫu kiểm nghiệm, đơn phương công bố thông tin mà không thông qua cơ quan quản lý nhà nước là trái với quy định của pháp luật.

Còn theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, theo quy định của Bộ Y tế, nếu lấy mẫu để xử lý thì người lấy mẫu phải có chứng chỉ lấy mẫu. Dụng cụ đựng mẫu phải đảm bảo vô trùng; với những mẫu có điều kiện đặc biệt thì phải có chế độ bảo quản đặc biệt, để đến nơi xét nghiệm thì bản chất mẫu không thay đổi so với lúc lấy tại cơ sở.

Hơn nữa, lấy mẫu tại cơ sở nào, đơn vị nào thì phải có biên bản lấy mẫu, có chữ ký của người đứng đầu hoặc đại diện hợp pháp của đơn vị đó ký vào biên bản, đồng thời ký luôn vào niêm phong mẫu… mới có giá trị. Nếu sơ hở các khâu này mà công bố thông tin thì thông tin đó coi như không có giá trị, vì chứng cứ lấy mẫu không có.

Theo Sở Công thương TP.HCM, thành phố có 407 cơ sở sản xuất bún, mì, bánh phở, bánh tráng… Từ trước đến nay, đối với mặt hàng này, khi quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý quan tâm đến hàn the và formol, không kiểm tra chất làm trắng huỳnh quang. Hiện Sở Công thương đang chỉ đạo các quận, huyện thanh kiểm tra, kể cả các cơ sở nhỏ lẻ. Trong ngày thứ 2 tới sẽ phối hợp với Sở Y  tế cho tất cả các nhà sản xuất ký cam kết sản xuất sạch, đảm bảo đúng quy định, khuyến khích các cơ sở đóng gói sản phẩm có ghi địa chỉ, nhãn mác, hạn dùng... khi đưa ra thị trường. Nếu cơ sở nào vi phạm sẽ công bố danh tính chứ không cảnh báo chung chung làm người tiêu dùng hoang mang.

H.Linh

Theo Infonet

H.Linh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm