Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Doanh nghiệp nóng ruột chờ mở cửa, TP.HCM vẫn cân nhắc

TP.HCM vẫn đang cân nhắc, tính toán các điều kiện để cho hàng quán mở bán tại chỗ. Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng chỉ cần đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine và thực hiện 5K.

tphcm cho hang quan ban tai cho anh 1

Ngày 22/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ công bố cấp độ dịch vào 25/10 và định hướng mở dần một số dịch vụ như ăn uống tại chỗ.

Ngày 25/10, tại họp báo, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - thông tin việc mở lại quán ăn uống phục vụ tại chỗ vẫn đang trong quá trình trao đổi và còn cần làm rõ lại nhiều vấn đề.

Hiện, UBND TP.HCM và các sở, ngành đang xem xét, cân nhắc cách làm, tiêu chí đánh giá để mở lại hoạt động này. Trong khi đó, doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống đang sốt ruột từng ngày mong chờ được mở bán tại chỗ để phục hồi kinh tế sau gần 5 tháng "ngủ đông".

tphcm cho hang quan ban tai cho anh 2

Đa số doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống đều chờ ngày TP.HCM cho phép bán tại chỗ. Ảnh: Y Kiện.

Vẫn nhiều điều kiện gây khó

Ông Vũ Lâm Chí Đức - Chủ tịch liên minh doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - cho rằng người dân TP.HCM trải qua đợt dịch này cũng đã có ý thức giữ an toàn hơn.

Về đề xuất cho phép ăn uống tại chỗ nhưng không bán rượu, bia của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, ông Đức băn khoăn tại sao loại hình cà phê, quán nước, loại hình này khách cũng ngồi và giao tiếp nhưng được mở còn rượu, bia lại không.

Thậm chí, khách uống cà phê cũng có nhóm đông người, ngồi đến 3-4 tiếng. "Không nên loại trừ chuyện nhà hàng có bán bia, rượu vì đó là đặc thù của ngành này", ông nói.

"Chưa kể, hiện nay sau gần 1 tháng mở cửa, tại TP.HCM tỷ lệ nhiễm Covid-19 và tử vong đã giảm, chính quyền nên mạnh dạn nới lỏng hơn để phục hồi kinh tế cho doanh nghiệp. Đây là cơ hội để người kinh doanh lấy lại doanh thu đã mất sau gần 5 tháng đóng cửa", ông nói.

Về điều kiện để hàng quán mở bán tại chỗ, ông Đức cho rằng chỉ nên hạn chế thời gian hoạt động đến khoảng 21-22h và yêu cầu đảm bảo cả người bán lẫn khách hàng đều tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, và mũi thứ 2 đủ 14 ngày.

tphcm cho hang quan ban tai cho anh 3

Trước thông tin TP.HCM đề xuất cho phép ăn uống tại chỗ, nhiều chủ quán tất bật dọn dẹp, lau chùi bàn ghế sẵn sàng mở cửa bán trở lại. Ảnh: Văn Nguyện.

"Thực tế, một số người tiêm đủ 2 mũi vẫn nhiễm Covid-19 nhưng triệu chứng như cảm cúm bình thường. Hiện nay, việc chống dịch phải dựa trên yếu tố khoa học, dịch tễ chứ không thể theo cảm tính lo sợ bùng dịch được", ông đề xuất.

Tương tự, một doanh nghiệp kinh doanh đồ uống tại TP.HCM cũng cho biết về quy định không được bật máy lạnh, các cửa hàng có thể cố gắng đáp ứng được. "Nhưng trong trung tâm thương mại thì làm sao có thể làm theo quy định đó?", đại diện doanh nghiệp này thắc mắc.

Chị Phương Thảo (TP Thủ Đức) cho biết rất mong chờ ngày hàng quán mở cửa trở lại. "Tôi có thói quen làm việc ở quán cà phê nhưng nếu không cho bật máy lạnh thì cũng sẽ cân nhắc vì thời tiết nóng nực ngồi trong không gian đông người cũng không thể thoải mái được", chị nói.

Chích ngừa và đảm bảo giãn cách

Ở góc độ chuyên gia dịch tễ, bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho rằng việc quy định hàng quán không được bán bia, rượu chưa hợp lý.

"Thực tế, việc tập trung ăn uống tại nhà đã được TP cho phép từ lâu và hoạt động này không khác so với việc ăn uống tại quán, chỉ có khác là phòng này qua phòng khác và có nhân viên phục vụ", ông nói.

Do đó, theo bác sĩ Khanh, nếu kiểm soát được nhân viên phục vụ, 2 phòng đủ chuẩn cũng giống như tập trung ăn uống tại nhà. "Điều kiện quan trọng nhất là tiêm vaccine đủ 2 mũi cho các đối tượng nguy cơ", ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia dịch tễ này cho rằng giữa nhóm ăn uống này và nhóm ăn uống khác cũng cần đảm bảo giãn cách. "Lúc này không nghĩ đến khó khăn của người kinh doanh sao gọi là vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Nếu không mạnh dạn mở cửa thì sẽ lãng phí nỗ lực chích ngừa suốt thời gian qua", bác sĩ Khanh nhìn nhận.

tphcm cho hang quan ban tai cho anh 4

Nhiều doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cho biết ý thức phòng bệnh của người dân đã thay đổi rất nhiều. Ảnh: Y Kiện.

Ngoài ra, chính quyền địa phương có thể đề nghị các hộ kinh doanh ký cam kết hoặc lập các đoàn hậu kiểm thường xuyên để rà soát việc tuân thủ quy định đảm bảo phòng dịch.

Tương tự, ở góc độ doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, ông Lê Hoài Nam, Phó tổng giám đốc vận hành Công ty QRS Việt Nam - đơn vị sở hữu 130 nhà hàng kinh doanh các chuỗi thương hiệu Dairy Queen, The Pizza Company, AKA House, Holy Crab, The Coffee Club - cũng cho rằng chỉ nên có quy định giãn cách giữa các bàn sẽ đảm bảo hạn chế mức lây nhiễm giữa người ngồi ở bàn này và bàn khác.

Điều kiện quan trọng nhất là tiêm vaccine đủ 2 mũi cho các đối tượng nguy cơ và giữa các nhóm ăn uống cũng cần đảm bảo giãn cách.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

"Nếu được mở bán tại chỗ, các nhà hàng cũng sẽ thực hiện bố trí giãn cách như thời điểm năm 2020 đó là giữa các bàn sẽ bỏ trống 1 bàn để các nhóm khách đã tiêm vaccine, đi cùng nhau được ngồi gần và ngồi cách xa các nhóm khách khác", ông nói.

Ở góc độ hộ kinh doanh, chị Nguyễn Thị V. - chủ một cửa hàng bánh xèo tại quận 7 - cho biết gần đây chị đã cho một số khách ngồi ăn tại quán vì nghe được thông tin cho mở bán lại tại chỗ.

"Quán chỉ khoảng hơn 15 m2 nên tôi cố gắng sắp xếp các bàn cách xa nhau. Người đến ăn cũng ý thức giữ khoảng cách và đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine, chủ quán và nhân viên cũng đeo khẩu trang", chị nói.

Theo chị, hiện nay các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều rất khó khăn khi phải dừng hoạt động gần 5 tháng qua. "Mọi người đều có ý thức phòng dịch hơn, do đó đảm bảo chích ngừa, hạn chế giao tiếp và đảm bảo giãn cách là điều kiện hợp lý nhất", chị đề xuất.

Các nước trên thế giới có điều kiện gì khi ăn uống tại chỗ?

Theo NHK World-Japan, hiện nay chính quyền Thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã nới lỏng các biện pháp đối với các cơ sở ăn uống ở thủ đô sau khi số ca nhiễm mới và nhập viện giảm. Ngày 19/10, nước này chỉ ghi nhận thêm 372 ca nhiễm mới, trong đó thủ đô Tokyo - nơi chiếm tới gần 22% trong tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc chỉ có 36 ca.

Từ 25/10 tại Tokyo, các cửa hàng ăn uống được công nhận đảm bảo an toàn phòng, chống dịch không còn phải hạn chế thời gian mở cửa hoặc ngừng phục vụ bia, rượu trước 20h.

Tất cả cửa hàng ăn uống sẽ được yêu cầu giới hạn số người ngồi cùng 1 bàn không quá 4 người hoặc các nhóm khách có số lượng lớn hơn thì phải xuất trình chứng nhận đã tiêm vaccine.

Tương tự, tại Campuchia hiện số ca mắc giảm xuống dưới 200 ca/ngày, đất nước này cho phép các quán ăn có thể bán rượu bia vào những ngày bình thường, nhưng vào ngày lễ sẽ bị giới hạn.

tphcm cho hang quan ban tai cho anh 5

Các cửa hàng ăn uống, quán bar ở Tokyo, Nhật Bản được hoạt động trở lại. Ảnh: Bloomberg.

Hay ở Hàn Quốc, ngày 24/10, nước này ghi nhận 1.423 ca mắc mới. Các nhà hàng vẫn được mở cửa đón khách, song theo quy định, quán ăn chỉ phục vụ tối đa 4 khách/bàn, nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Tại Singapore, từ ngày 13/10 quốc đảo này cho phép những người đã tiêm vaccine đầy đủ mới được ăn uống tại chỗ ở các nhà hàng, các khu ăn uống tập trung… nhưng tối đa là 2 người một nhóm. Hiện, số ca mắc hàng ngày của Singapore lên mức cao kỷ lục là 3.994 ca vào ngày 19/10.

Ông Lawrence Wong - Đồng chủ tịch nhóm chuyên trách Covid-19 của Singapore - cho rằng vẫn quá “rủi ro” nếu cho phép 5 người cùng một gia đình ăn uống cùng nhau ở nơi công cộng, theo Asia Times.

Doanh nghiệp muốn TP.HCM táo bạo mở cửa

Đa số doanh nghiệp, quận huyện đều ủng hộ đề xuất cho phép hàng quán được mở bán tại chỗ, trong khi Sở Công Thương cho rằng phải thật thận trọng khi nới lỏng, không thể mở ồ ạt.

Doanh nghiệp e ngại quy định 'không quá 2 người một bàn'

TP.HCM dự kiến cho phép hàng quán tại địa phương an toàn được phục vụ tại chỗ vào tuần sau, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn lo ngại nếu các quy định mở lại quá khắt khe.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm