Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết ngày 15/10, UBND TP ban hành quyết định 3589 về bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại. Quyết định này ban hành bộ tiêu chí thay thế quyết định 3328.
"Do Nghị quyết 128 và quyết định 4800 của Bộ Y tế có những tiêu chí đánh giá về dịch bệnh và công tác an toàn phòng chống dịch, thành phố ban hành bộ tiêu chí mới để phù hợp với các quy định này. Các doanh nghiệp, tổ chức căn cứ theo bộ tiêu chí 3589 để xem xét, xây dựng tiêu chí trong công tác phòng chống dịch", ông nói.
Về đề xuất người dân có thể kinh doanh ăn uống tại chỗ, ông Tú cho biết hiện Sở đang trình xin ý kiến UBND TP và UBND TP đang đề nghị các cơ quan, đặc biệt là ngành y tế để đánh giá tình hình dịch bệnh và công tác tổ chức như thế nào khi cho phép mở bán tại chỗ.
UBND TP đang đề nghị các cơ quan, đặc biệt là ngành y tế để đánh giá tình hình dịch bệnh và công tác tổ chức khi cho phép mở bán tại chỗ. Ảnh: Phương Lâm. |
Ngoài ra, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết tổng lượng hàng hóa đưa về TP ngày 20-21/10 là 5.900 tấn, lượng hàng cung ứng về điểm tập kết trung chuyển 3 chợ đầu mối tăng lên mỗi ngày. "Trước 1/10, trên dưới 1.000 tấn, hiện nay lên gần 1.800 tấn mỗi ngày", ông nói.
Về tiến độ mở lại chợ truyền thống, ông Tú cho biết tính đến ngày 21/10, đã có 96/234 chợ truyền thống mở cửa trở lại, dự kiến đến ngày 26/10 có thêm 16 chợ mở lại. Sở Công Thương cho biết trong 96 chợ đã mở hoạt động, có 49 chợ hạng 3, 34 chợ hạng 2 và 13 chợ hạng nhất.
"Có 4 quận huyện chưa mở chợ nào vì cần đánh giá và đảm bảo an toàn phòng chống dịch gồm quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và huyện Nhà Bè", ông Tú cho biết.
"Trong điều kiện chưa mở lại các chợ truyền thống, xung quanh các chợ không được để buôn bán tự phát làm ảnh hưởng an toàn phòng chống dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm", ông nói.