Theo số liệu từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến hết ngày 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 26 tỷ USD.Trong đó, xuất khẩu đạt 13,16 tỷ USD, nhập khẩu đạt xấp xỉ 13 tỷ USD.
Bốn nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may.
Tính chung từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 510 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 254 tỷ USD, nhập khẩu đạt 256,45 tỷ USD. Cán cân thương mại vẫn đang thâm hụt 2,45 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, cán cân thương mại hàng tháng đã chuyển dần sang nhập siêu từ thời điểm đầu quý II. "Đến nay, mức nhập siêu đã giảm dần, cán cân thương mại tháng 8 chỉ nhập siêu 100 triệu USD. Với tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu như hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm có thể vượt 600 tỷ USD", Bộ Công Thương dự báo.
Ngành dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2020 và gần bằng kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo Bộ Công Thương, cán cân thương mại sẽ diễn biến phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch. Bộ đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu. Giải pháp căn cơ để giảm thâm hụt cán cân thương mại, tiến tới xuất siêu là nhanh chóng phục hồi sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
"Để làm được điều này, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung công tác kiểm soát dịch, kết hợp chú trọng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông hàng hóa", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Về cán cân thương mại, Bộ Công Thương dự báo nếu không có biến động lớn về dịch bệnh, 3 tháng cuối năm là thời điểm doanh nghiệp các địa phương phía nam lấy lại đà tăng trưởng. Kết thúc cả năm 2021, cán cân thương mại sẽ ở mức cân bằng, nếu tình hình thuận lợi hơn, năm 2021, cả nước còn có thể xuất siêu.