Thương mại điện tử là một trong số phương pháp đã được những doanh nghiệp “sống sót” qua đại dịch áp dụng. Ảnh: Việt Đức. |
Đây là kết quả của cuộc khảo sát vai trò hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) với các doanh nghiệp nhỏ trong đại dịch được thực hiện trên hơn 1.000 nhà cung cấp B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) của Alibaba.com.
Theo khảo sát, bất chấp hoạt động kinh doanh truyền thống chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19, vẫn có khoảng 25% doanh nghiệp nhỏ (trong nhóm được khảo sát) cho biết hoạt động kinh doanh của họ ghi nhận tăng trưởng hoặc không thay đổi, thay vì giảm sút. Ngược lại, hơn một nửa (55%) số doanh nghiệp cho biết chịu tác động suy giảm doanh thu và 20% doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoàn toàn.
Báo cáo khảo sát cũng chỉ ra một số phương pháp đã được những doanh nghiệp "sống sót" qua đại dịch áp dụng, bao gồm TMĐT, số hóa, mở rộng kênh bán hàng, kiểm soát tài chính, đầu tư vào R&D (Research and Development) và nhận viện trợ từ chính quyền địa phương.
Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, các nền tảng TMĐT B2B toàn cầu đã đóng vai trò là nguồn tài nguyên cho nhiều doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh từ truyền thống sang trực tuyến để duy trì hoạt động. Các nền tảng này không chỉ là một thị trường TMĐT, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nền thương mại được cải thiện đáng kể về khả năng tiếp cận tới khách hàng doanh nghiệp trên thế giới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ tham gia cũng được tiếp cận với nguồn dữ liệu lớn từ hoạt động của các sàn TMĐT, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xác định khách hàng mục tiêu và phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Dẫn số liệu, Alibaba.com cho biết đã có khoảng 55% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng thị trường TMĐT vẫn có giá trị lớn đối với doanh nghiệp sau đại dịch và 32% khách hàng cho biết đây là thị trường có giá trị nhất đối với hoạt động của họ.
Đưa ý kiến trong báo cáo khảo sát, bà Nguyễn Thị Dung - Giám đốc bán hàng Hộ kinh doanh Phạm Bá Tiến - cho biết tham gia sàn TMĐT đã hỗ trợ doanh nghiệp này lần đầu xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế vào năm 2016 và từ đó, doanh thu công ty đã tăng lên gấp gần 4 lần.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của ZingNews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.