Các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam. Ảnh: Nikkei. |
Theo Nikkei, trước đây, Peter Jung khó có thể hình dung về việc sẽ mở mặt bằng kinh doanh tại TP.HCM. Nhưng vào năm ngoái, anh đã mở Fill It, một phòng khám cao cấp chuyên về vi sắc tố da đầu (scalp micropigmentation), một liệu pháp điều trị rụng tóc phục vụ cho cộng đồng người Hàn Quốc tại đây.
Việc cơ sở kinh doanh Hàn Quốc có chi phí dịch vụ cao hơn cả tháng lương bình quân của người Việt Nam lại tồn tại trong 1 trung tâm thương mại chứng minh rằng sức mua của cộng đồng người Hàn Quốc đã đủ lớn để tạo ra một "hệ sinh thái" tự duy trì trong nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.
Tại 2 khu phố Hàn Quốc (K-Towns) ở TP.HCM, cư dân có thể làm hầu hết mọi thứ bằng tiếng Hàn, từ việc đi nha sĩ, chơi golf, mua cổ phiếu đến tư vấn bất động sản.
Ngoài 2 khu K-Towns trên, những khu vực với nhiều dịch vụ cho người Hàn Quốc còn xuất hiện ở Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai, nơi tập trung nhiều công ty Hàn Quốc.
Theo dữ liệu từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, hiện có khoảng 178.000 người Hàn sinh sống và làm việc ở Việt Nam, cao hơn 60.000 người so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Statista, các công ty Hàn Quốc đã rót 670 triệu USD vào Việt Nam trong quý đầu năm nay, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư nước ngoài hàng đầu sau Mỹ và một số nơi được xem là “thiên đường” thuế.
Số liệu của cơ quan quản lý cho thấy Hàn Quốc đang là thị trường đầu tư vốn nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, với 88,3 tỷ USD lũy kế từ năm 1988 đến cuối tháng 9 năm nay.
“Mọi người đến làm việc ở các công ty lớn, sau đó họ cảm thấy yêu cuộc sống ở Việt Nam và quyết định ở lại”, Jihwan Park, đối tác tại Công ty luật Shin & Kim cho biết.
Không chỉ các doanh nghiệp lớn, các công ty quy mô nhỏ của Hàn Quốc đều đang trở thành một phần của thị trường Việt Nam.
Tập đoàn CJ hiện điều hành chuỗi rạp chiếu phim CGV, sản xuất phim, bán lẻ thực phẩm và quản lý các trang trại nuôi tôm tại Việt Nam.
Từ năm 2009, Samsung đã mở nhà máy đầu tiên tại Việt Nam. Hiện gần một nửa sản lượng điện thoại di động của hãng này được sản xuất tại các nhà máy Việt Nam. Sự tín nhiệm của "chaebol" hàng đầu Hàn Quốc với Việt Nam đóng vai trò chất xúc tác mạnh mẽ để các công ty Hàn Quốc khác đầu tư.
Theo Phòng Thương mại Hàn Quốc, hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp do người Hàn Quốc điều hành hoạt động ở Việt Nam. Con số này đã tăng gấp đôi trong khoảng 8 năm. Đồng thời, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt 86,5 tỷ USD vào năm 2022 và chính phủ 2 nước hy vọng con số này sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.
Không phải ai cũng có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những doanh nhân, tỷ phú, những nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, vẫn có cách để chúng ta tiếp cận, tìm hiểu về câu chuyện kinh doanh, cuộc đời, kinh nghiệm của các doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng thông qua sách.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách doanh nhân - nơi chia sẻ những cuốn sách, câu chuyện về cuộc đời và kinh nghiệm của các tỷ phú, nhà quản lý nổi tiếng thế giới. Tủ sách không chỉ bao gồm các cuốn sách, câu chuyện từ tác giả độc lập mà còn bao gồm những cuốn sách do chính các tỷ phú viết về cuộc đời mình. Tủ sách doanh nhân mong muốn gửi tới độc giả các câu chuyện, góc nhìn về những cá nhân thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời mong muốn lan tỏa tri thức, phát triển văn hóa đọc cho người Việt.