Nhiều doanh nghiệp xây dựng đã phải dừng hoạt động vì áp lực tài chính. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Ngành xây dựng đang trong trạng thái bi đát nhất từ trước đến nay”, đó là nhận định của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, về tình hình của toàn ngành trong quý I.
Vị này cho biết trong một cuộc họp giữa các nhà thầu tại miền Trung, nhiều chủ công ty xây dựng không đủ dũng khí đến tham dự khi có tới 40 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực này đều rơi vào cảnh không có việc làm.
Nguy cơ phá sản luôn hiện hữu
Tại những khu vực khác, tình hình cũng không khả quan hơn. Ông Hiệp cho biết tại thị trường miền Bắc, một loạt doanh nghiệp cũng không tham gia xây dựng công trình mới, trừ những nhà thầu đủ năng lực làm đầu tư công. Phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể nắm lấy cơ hội này.
“Những công ty có khả năng làm đầu tư công thường tập trung vào mảng hạ tầng kỹ thuật là chính. Vì vậy, chỉ một số ít doanh nghiệp có đủ trang thiết bị, năng lực và kinh nghiệm mới được lựa chọn theo cơ chế chỉ định thầu”, ông Hiệp chia sẻ.
Tập đoàn Hòa Bình lỗ tới 445 tỷ đồng trong quý I. Ảnh: HBC. |
Nhiều doanh nghiệp nằm trong top 10 ngành xây dựng đang ở trong trạng thái báo động về tài chính
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam
Ở phía Nam, 21 doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng đã gửi công văn đến Thủ tướng nhằm “kêu cứu” về những khó khăn, bế tắc mà ngành này đang phải đối diện.
Trong đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, cho biết đây là lần đầu tiên trong suốt 35 năm, doanh nghiệp phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
“Nhiều doanh nghiệp nằm trong top 10 ngành xây dựng đang ở trong trạng thái báo động về tài chính. Nhiều đơn vị không có tiền trả nhà thầu phụ, nhân công, vật tư”, ông Nguyễn Quốc Hiệp bình luận.
Tiết lộ với Zing, một nhân sự trong ngành xây dựng cho biết công việc giờ đây rất khan hiếm. Tình trạng khó khăn đã bủa vây doanh nghiệp từ năm ngoái đến nay và chưa có bất cứ dấu hiệu khởi sắc nào trong ngắn hạn. Tình trạng phá sản luôn chực chờ tại nhiều công ty vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, người lao động thường xuyên bị chậm lương tới 3 tháng, các khoản tiền thưởng gần như bị cắt bỏ. Nhiều nhân sự cốt cán đã chủ động xin nghỉ việc vì tình hình ảm đạm kéo dài.
“Hầu như chủ doanh nghiệp chỉ mong có thể hòa vốn ở thời điểm này. Một số công ty nhỏ còn tạm dừng hoạt động để tránh việc ngày càng thua lỗ”, người này chia sẻ.
Trong quý I, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chứng kiến mức lỗ sau thuế gần 445 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này còn ghi nhận khoản lỗ cao kỷ lục, lên tới hơn 1.200 tỷ đồng trong quý IV/2022.
Một doanh nghiệp khác cũng chịu lỗ là Công ty Hưng Thịnh Incons. Doanh nghiệp này có lợi nhuận sau thuế âm tới 17,6 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, công ty này vẫn lãi 43,2 tỷ đồng.
Đồng cảnh ngộ, Công ty Vinaconex có lợi nhuận sau thuế trong quý I khoảng 19 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cần cơ chế pháp lý bảo vệ nhà thầu
Theo chia sẻ của một người làm trong ngành, nhiều trường hợp nhà đầu tư cố tình kéo dài tiến độ thanh toán căn hộ. Những cá nhân này nghĩ rằng thị trường bất động sản hiện có tính thanh khoản kém. Việc thanh toán sớm trở nên không cần thiết vì khi nhận được nhà cũng rất khó để bán lại sau đó.
Tuy nhiên, điều này đã trực tiếp khiến các chủ đầu tư gặp khó khăn về mặt tài chính và không có tiền để thanh toán cho nhà thầu. Nhiều doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ đã phải phá sản vì một kịch bản chung như vậy.
Thị trường bất động sản trầm lắng đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà thầu xây dựng. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo ông Hiệp, pháp luật hiện hữu chưa có cơ chế bảo vệ nhà thầu. Nếu tình trạng cứ thế kéo dài thêm 5 năm nữa, các doanh nghiệp sẽ không dám bước chân vào ngành xây dựng.
“Tất cả các hợp đồng xây dựng hiện đều không có chi tiết bảo vệ quyền lợi cho nhà thầu, kể cả căn cứ theo Luật Xây dựng hay Luật Đấu thầu. Nếu không có cơ chế hành lang pháp lý đặc biệt, các doanh nghiệp xây dựng sẽ tiêu vong”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết các doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng trước để thi công dự án. Trong khi áp lực từ khoản lãi suất 11-13% liên tục đè nặng qua từng tháng, các nhà thầu vẫn không nhận được tiền thanh toán đúng hạn từ chủ đầu tư do thị trường bất động sản chững lại, dự án không bán được hàng.
Ông Hiệp cho biết vấn đề này đã được kiến nghị lên Quốc hội và Thủ tướng trong nhiều năm nay. Một số cơ quan cho rằng những mâu thuẫn trên có thể giải quyết bằng luật dân sự. Tuy nhiên, đây không phải là cách tháo gỡ hiệu quả.
“Công ty xây dựng DELTA trước đây có làm một dự án ở Thanh Xuân, Hà Nội. Tuy nhiên, khi dự án được hoàn thành, chủ đầu tư đã không ký nghiệm thu. Khoản nợ đã kéo dài 7-8 năm nay và không thể giải quyết bằng luật dân sự”, ông Hiệp cho biết.
Theo vị này, những khó khăn trong thị trường bất động sản cũng như nhiều vướng mắc về pháp lý là hai trong số những lý do khiến ngành xây dựng trong quý I tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu của Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam còn cho biết các doanh nghiệp xây dựng trong 3 tháng đầu năm chỉ thực hiện được khoảng 8% kế hoạch của năm 2023.
Ngoài ra, báo cáo quý I của Tổng cục Thống kê cho thấy ngành xây dựng bị ảnh hưởng bởi những khó khăn như giá nguyên vật liệu tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong đó, hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động của doanh nghiệp xây dựng là “giá nguyên vật liệu tăng cao” và “không có hợp đồng xây dựng mới”.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022. Theo đó, số lượng dự án được cấp phép mới trong 3 tháng đầu năm chỉ là 17 dự án. Con số này trong quý IV/2022 và quý I/2022 lần lượt là 22 và 39 dự án.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.