Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam xuất siêu hơn 6 tỷ USD trong 4 tháng

Cán cân thương mại hàng hóa trong 4 tháng đầu năm nay ước tính xuất siêu khoảng 6,35 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD.

Theo dữ liệu mới nhất được Tổng cục Thống kê công bố, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước chỉ đạt 53,57 tỷ USD. Nếu tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 210 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê lý giải sự sụt kim ngạch xuất nhập khẩu này chủ yếu do kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm, dẫn tới đơn hàng giảm. Điều này ảnh hưởng đến cả sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4 ước tính thặng dư 1,51 tỷ USD. Qua đó, nâng mức xuất siêu trong 4 tháng đầu năm nay lên khoảng 6,35 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 2,35 tỷ USD.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,4 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,3 tỷ USD.

Đối với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, trong tháng 4 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước

Bốn tháng đầu năm có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Theo đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục nắm chủ lực với 88,5% trong tổng cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 4 tháng qua.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,22 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Có 19 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD trong 4 tháng, chiếm tỷ trọng 75,8% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó, có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,1%.

Trong 4 tháng qua, Việt Nam xuất siêu sang EU 9,3 tỷ USD, xuất siêu sang Nhật Bản 367 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 589 triệu USD).

Ở chiều ngược lại, nước ta nhập siêu từ Trung Quốc 16,8 tỷ USD, giảm 18,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 8,9 tỷ USD, giảm 36,9% và nhập siêu từ ASEAN 2,3 tỷ USD, giảm 53%.

Theo Bộ Công Thương, trong số các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.

"Trong thời gian tới, Trung Quốc vẫn là thị trường còn nhiều điểm sáng, nhiều dư địa, dự báo với nhiều kỳ vọng cho các đơn hàng xuất khẩu trong những quý tiếp theo", cơ quan này nhấn mạnh.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Liên Phạm

Bạn có thể quan tâm