Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp Mỹ vật vã, tốn nhiều tiền chống hàng giả Trung Quốc

Khoảng 87% lượng hàng giả bị thu giữ tại các hải cảng ở Mỹ đến từ Trung Quốc đại lục hoặc Hong Kong.

Theo CNBC, giáo viên violin Ruth Brons - 60 tuổi, ở New Jersey - đã phải tìm đủ mọi cách bảo vệ doanh nghiệp nhỏ bé Things 4 Strings của bà trước cơn lũ hàng giả "Made in China" từ vài năm qua. Bà bắt đầu công việc kinh doanh từ 10 năm trước, khi phát minh một phụ kiện giúp sinh viên cầm vĩ chính xác ngay từ khi mới tập.

Phụ kiện được đăng ký thương hiệu Bow Hold Buddies và được cấp bằng sáng chế ở Mỹ, Canada, Mexico, châu Âu và Australia. Hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển, bà Brons nhận thấy cần xâm nhập thị trường Trung Quốc, nơi nhu cầu âm nhạc phương Tây đang bùng nổ.

Những năm qua, số lượng người giàu có tại Trung Quốc ngày một gia tăng. Tầng lớp này thích con cái học chơi nhạc cụ cổ điển phương Tây để "khẳng định đẳng cấp".

Năm 2013, khi bà Brons thuê đại diện Trung Quốc để phân phối sản phẩm, bà phát hiện phụ kiện của mình được tiêu thụ khá nhiều tại thị trường này, nhưng đó không phải là sản phẩm chính hãng của bà.

Trung Quoc an cap ban quyen so huu tri tue anh 1
Phụ kiện Bow Hold Buddies bị nhái tràn lan tại Trung Quốc. Ảnh: Simply for Strings

Hàng giả tràn lan, ồ ạt

Bà Brons và đại diện Jerrie Zhao phát hiện sản phẩm nhái Bow Hold Buddies được rao bán ồ ạt trên trang thương mại điện tử Taobao. Họ lần theo dấu vết của chúng tới hai nhà máy ở Ninh Ba và Hành Thủy. Các sản phẩm nhái được bán với giá chỉ bằng một phần nhỏ Bow Hold Buddies chính hãng.

Tệ hơn nữa, bằng sáng chế trị giá 100.000 USD của bà Brons cũng được làm giả một cách trắng trợn. Những kẻ sản xuất hàng giả dịch tất cả 32 bằng sáng chế của bà sang tiếng Hoa và đăng ký tại Trung Quốc.

Xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ là hành vi cực kỳ phổ biến tại Trung Quốc và trở thành điểm nóng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo Văn phòng Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, khoảng 87% lượng hàng giả bị thu giữ tại các hải cảng ở Mỹ hồi năm 2018 đến từ Trung Quốc đại lục hoặc Hong Kong.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khẳng định nạn hàng giả "Made in China" không chỉ đe dọa nền kinh tế Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng tới toàn thế giới. Ước tính 80% hàng giả bị thu giữ trên toàn thế giới có nguồn gốc Trung Quốc.

Theo CNBC, không chỉ các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, hàng loạt doanh nghiệp nhỏ nước này, ví dụ như công ty của bà Brons, đang vật vã trong cuộc chiến bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu tại Trung Quốc.

Trung Quoc an cap ban quyen so huu tri tue anh 2
Theo thống kê của OECD, khoảng 80% hàng giả bị thu giữ trên toàn thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Ảnh: CNBC

Bà Brons kiện ra tòa tại Trung Quốc hai lần để bảo vệ sản phẩm của mình và quá trình này kéo dài vài năm. Bà tốn hàng chục nghìn USD để vô hiệu hóa các bằng sáng chế giả và buộc Taobao gỡ các sản phẩm giả, nhái ra khỏi trang web của hãng. Nhưng đâu lại vào đó, các sản phẩm nhái vẫn tiếp tục mọc lên như nấm.

"Gỡ một sản phẩm nhái là có hàng khác mọc lên. Thật quá mệt mỏi", bà Brons than thở. Bà cho biết doanh thu hàng năm của Things 4 Strings chỉ dao động ở mức 320.000 USD do bị hàng nhái đè nén ở thị trường Trung Quốc. Bà càng tốn tiền kiện tụng thì càng đánh mất nguồn lực đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh. 

Có luật nhưng không thực thi

CNBC dẫn lời ông Fred Rocafort - cựu quan chức ngoại giao Mỹ tại châu Á, hiện là luật sư hãng Harris Bricken - cho biết trên thực tế Trung Quốc có đầy đủ các điều luật chống hàng giả và hàng nhái. "Khung pháp lý nội địa của Trung Quốc khá vững", ông nhấn mạnh. 

Và Trung Quốc cũng đã ký vào vài thỏa thuận quốc tế về bản quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng vấn đề là các cơ quan quản lý cấp địa phương của Trung Quốc dường như không có động lực thực thi các luật này. "Tất cả đều tỏ ra không hào hứng", ông Rocafort nói. 

Luật pháp không được thực thi cộng với việc Trung Quốc là "công xưởng của thế giới" khiến bản quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp phương Tây bị xâm phạm trắng trợn, cơn lũ hàng giả và hàng nhái "Made in China" càn quét khắp thế giới. 

Chuyên gia Rocafort cho rằng các doanh nghiệp Mỹ có thể bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc bằng cách cố gắng xoay xở trong hệ thống pháp lý của nước này. Việc điều đầu tiên cần làm là cần đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc. 

Bà Brons mắc sai lầm khi không đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc ngay khi mới kinh doanh. Bà rất hối hận, nhưng cho biết ở thời điểm đó, việc đăng ký bản quyền tại Trung Quốc là quá tốn kém. "Tôi không đủ tiền để làm việc đó. Tôi chỉ là một giáo viên dạy violin", bà thừa nhận.

Trung Quoc an cap ban quyen so huu tri tue anh 3
Trung Quốc là "vua hàng giả, hàng nhái" của thế giới. Ảnh: Getty Images

Nhưng cái giá phải trả là quá lớn. Bà Brons cho biết đã chi tới 100.000 USD trong cuộc chiến pháp lý chống hàng giả, hàng nhái ở Trung Quốc. Đây là con số quá lớn đối với một doanh nghiệp nhỏ như Things 4 Strings. 

Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành một số cải cách về luật bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên chính phủ Mỹ khẳng định chừng đó là quá ít ỏi. Tổng thống Donald Trump mô tả nền kinh tế Mỹ thiệt hại 500 tỷ USD mỗi năm vì nạn ăn cắp bản quyền ở Trung Quốc. 

Chuyên gia Rocafort nói để chống hàng giả ở Trung Quốc, doanh nghiệp phương Tây phải sẵn sàng hợp tác với chính quyền các cấp ở nước này. Và bản thân doanh nghiệp phải tự điều tra. Doanh nhân Larry Griffith - chủ một công ty nhỏ ở Michigan - kể ông phải chi 250.000 USD để đăng ký bảo vệ bản quyền ở Trung Quốc.

Ông phải thuê một hãng luật ở Bắc Kinh để điều tra và phát hiện 4 nhà máy sản xuất hàng nhái sản phẩm công ty ông. Cảnh sát Trung Quốc mở chiến dịch truy quét và thu giữ lượng hàng giả trị giá hàng trăm nghìn USD.

"Bọn làm hàng giả Trung Quốc giống như những kẻ đầu gấu. Nếu chúng ta đứng lên chống lại chúng, chúng sẽ phải thoái lui", ông Griffith nhấn mạnh. 

Bom nợ Trung Quốc 40.000 tỷ USD và các bóng ma đe dọa kinh tế thế giới

Nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái và bom nợ Trung Quốc ngày càng phình to là hai trong số những "bóng ma" có khả năng đe dọa nền kinh tế toàn cầu.






Hương Giang

Bạn có thể quan tâm