Các cuộc đám phán diễn ra trong ngày 19/9 và 20/9 nhằm đặt nền tảng cho cuộc đàm phán cấp cao vào đầu tháng 10. Theo CNBC, đây sẽ là cuộc đàm phán quyết định liệu hai nước đang cùng hướng tới một giải pháp, hay tiếp tục ra đòn thuế dữ dội hơn đối với hàng hóa của đối phương.
Phái đoàn gồm 30 quan chức Trung Quốc do Thứ trưởng Bộ Tài chính Liêu Mân dẫn đầu, đến làm việc vào sáng 19/9 tại văn phòng Đại diện Thương Mại Mỹ gần Nhà Trắng. Phó Đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu phái đoàn Mỹ.
Theo nguồn tin của Reuters, các cuộc thảo luận có khả năng tập trung chủ yếu vào vấn đề nông nghiệp, bao gồm việc Washington yêu cầu Bắc Kinh tăng mua đậu nành và các mặt hàng nông sản khác của Mỹ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Liêu Mân dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc. Ảnh: Caixin Global. |
Nông nghiệp và tiền tệ
Vấn đề nông nghiệp sẽ được thảo thuận trong cả hai phiên đàm phán, trong khi chỉ một phiên thảo luận về các thay đổi cốt lõi nhằm tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc và chấm dứt chuyển giao công nghệ bắt buộc của Mỹ cho các công ty Trung Quốc.
Nguồn tin cũng tiết lộ rằng một trong những phiên thảo luận sẽ tập trung vào yêu cầu của Tổng thống Donald Trump, nhằm cắt giảm các lô hàng thuốc giảm đau nhóm opioid từ Trung Quốc sang Mỹ.
Tổng thống Mỹ mong muốn tạo cơ hội xuất khẩu cho nông dân Mỹ, một trong những thành phần chính trị quan trọng đối với ông, đồng thời là nạn nhân chủ yếu của đòn thuế Trung Quốc áp lên đậu nành và các sản phẩm nông sản Mỹ.
Theo CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định tiền tệ cũng sẽ là vấn đề trọng tâm của các vòng đàm phán mới. Vào tháng trước, ông Mnuchin đã tuyên bố Trung Quốc "thao túng tiền tệ" sau khi đồng NDT hạ giá vượt mức 7 NDT đổi 1 USD.
Ông Trump cũng buộc tội Trung Quốc không tuân thủ cam kết mua nông sản Mỹ như lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản). Phía Trung Quốc phủ nhận đã cam kết như trên.
Tiền tệ trở thành chiến trường mới của Mỹ - Trung vào tháng trước. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng ra đòn thuế 10% đối với hầu hết hàng nhập khẩu Trung Quốc còn lại. Mỹ sau đó trì hoãn tăng thuế vào ngày 1/10 đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đến giữa tháng, trong khi Bắc Kinh hoãn thuế đối với thuốc trị ung thư, thành phần thức ăn chăn nuôi và dầu bôi trơn nhập khẩu từ Mỹ.
Bắc Kinh hiện tìm cách nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với gã khổng lồ viễn thông Huawei Technologies, công ty bị ông Trump liệt vào "danh sách đen".
Sẽ chỉ là thỏa thuận tạm thời
Cuộc chiến thương mại kéo dài 14 tháng đã làm náo loạn thị trường tài chính khi các nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư lo ngại nguy cơ nền kinh tế toàn cầu suy thoái.
Bóng ma suy thoái khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới nới lỏng chính sách trong những tháng gần đây. Hôm 18/9, Cục Dự dữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong năm.
Các chuyên gia thương mại, doanh nhân và quan chức chính phủ ở cả hai nước cho rằng ngay cả khi cuộc đàm phán tháng 9 và tháng 10 đưa ra một thỏa thuận tạm thời.
Trên thực tế, giới quan sát cho rằng thương chiến Mỹ - Trung đã trở thành một cuộc chiến chính trị - tư tưởng sâu sắc hơn nhiều so với cuộc chiến thuế, và có thể mất nhiều năm để giải quyết.
Xung đột Mỹ - Trung không chỉ dừng lại ở cuộc chiến thuế kéo dài. Ảnh: Getty Images. |
Nhà phân tích Jon Lieber tại PwC nhận định rằng "thỏa thuận hẹp" có thể đạt được vào tháng 10 không thể giải quyết hết những khác biệt cơ bản giữa hai nước. "Để làm thị trường ổn định, hai bên có thể nối dài chuỗi đàm phán trong một thời gian dài hơn", ông nói thêm.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Mỹ Kevin Brady tỏ ra lạc quan về các cuộc đàm phán.
"Tôi không phải người hâm mộ của cuộc chiến thuế, nhưng ông Trump đã đúng khi thách thức các hành động thương mại của Trung Quốc. Không làm gì là an toàn nhất, nhưng cần phải thay đổi toàn bộ mối quan hệ thương mại với Trung Quốc", ông nhận định.