Truyền thông Trung Quốc đưa tin nhân dịp Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh (PKX) khai trương, Hãng hàng không China Southern sẽ triển khai sử dụng Airbus A380 - máy bay thương mại lớn nhất thế giới.
CNN nhận định sân bay có tổng đầu tư 11,5 tỷ USD có thể mở ra một thời kỳ du lịch hàng không mới đến và đi từ thủ đô Trung Quốc. Trong một thời gian dài, tiềm năng hàng không của Bắc Kinh bị hạn chế nghiêm trọng do thiếu cảng hàng không quy mô toàn cầu thứ hai.
Sân bay Daxing nhìn từ trên cao. Ảnh: Getty Images. |
Hiện tại, Sân bay quốc tế Bắc Kinh (PEK) đã hoạt động hết công suất, khiến các hãng hàng không gần như không thể bổ sung các chuyến bay vào thời điểm “đẹp” trong ngày.
Năm 2018, hơn 100 triệu hành khách di chuyển qua 3 nhà ga của PEK. Đây là sân bay thứ hai trên thế giới đạt cột mốc đó, sau Hartsfield-Jackson Atlanta ở Mỹ. Giới chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2022.
Sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh (PKX) được kỳ vọng mở ra kỷ nguyên mới cho ngành du lịch hàng không Bắc Kinh. Ảnh: Arup. |
Sân bay Đại Hưng được thiết kế bởi kiến trúc sư quá cố Zaha Hadid. Ở giai đoạn hoạt động đầu tiên, cảng hàng không này có 4 đường băng và một nhà ga có kích thước tương đương 97 sân bóng.
Bên cạnh đó là dịch vụ thông tin và chăm sóc khách hàng bằng công nghệ robot.
Sân bay Đại Hưng được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Zaha Hadid. Ảnh: Pascall+Waston. |
Mục tiêu ban đầu của sân bay khá “khiêm tốn”: tiếp nhận 72 triệu hành khách và 2 triệu tấn hàng hóa vào năm 2025. Kế hoạch tổng thể đầy tham vọng bao gồm việc xây dựng tổng cộng 7 đường băng, đạt công suất ít nhất 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa/năm.
Hoạt động xây dựng bắt đầu từ năm 2014. Có những thời điểm hơn 40.000 công nhân tập trung làm việc tại công trường dự án. Giới chuyên gia hàng không nhận định thiết kế của nhà ga Đại Hưng mang đậm phong cách cá nhân của nhà thiết kế Hadid. Điểm đặc biệt nhất là công trình tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên nhờ hơn 8.000 cửa sổ trên mái
Sân bay Đại Hưng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Ảnh: China Daily. |
Được truyền thông Trung Quốc đặt biệt danh "Sao biển" vì hình dạng 5 nhánh nối với sảnh trung tâm, Sân bay Đại Hưng được thiết kế để giảm thời gian đi bộ của hành khách.
Ban quản lý sân bay cam kết hành khách sẽ chỉ phải di chuyển tối đa 600 m, tương đương 8 phút đi bộ, từ khu vực kiểm tra an ninh tới cổng ra máy bay xa nhất.
Một vấn đề của Sân bay Đại Hưng là vị trí. Cổng hàng không này nằm ở phía nam Bắc Kinh, khu vực thường xuyên bị tắc nghẽn giao thông. Nó cách Thiên An Môn ở trung tâm thành phố khoảng 50 km. Khoảng cách tới các khu hành chính ở phía đông và bắc Bắc Kinh thậm chí còn xa hơn.
Sân bay Đại Hưng ở vị trí không quá thuận lợi, do đó chính quyền Bắc Kinh xây dựng hệ thống giao thông kết nối với trung tâm thành phố. Ảnh: China Daily. |
Chính quyền Bắc Kinh khẳng định Đại Hưng được thiết kế để không chỉ là một sân bay, mà còn là một trung tâm giao thông tích hợp với hệ thống tàu điện cao tốc kết nối trung tâm thành phố với sân bay và dịch vụ liên thành phố. Tàu tốc hành của sân bay có tốc độ 160 km/m, hứa hẹn sẽ đưa hành khách đến thành phố trong vòng chưa đầy 20 phút.
CNN bình luận với các hành khách thường xuyên di chuyển, sẽ cần thời gian để xác định Đại Hưng có phải là cảng hàng không phù hợp để đến và đi từ Bắc Kinh hay không.