Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp mong TP.HCM gỡ điểm nghẽn hành chính

Các doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính kéo dài với nhiều quy trình, cơ quan gây mất thời gian, chi phí, làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp với chính quyền.

Tại Hội nghị "Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp TP.HCM năm 2022" ngày 31/8, ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nhân TP.HCM nêu ra nhiều thách thức bên ngoài và trở lực từ bên trong mà TP cần vượt qua để phát triển về đúng kỳ vọng.

Trong đó, ông đánh giá TP đã nỗ lực trong điều kiện khó khăn nhất để có kết quả cải cách hành chính tốt nhưng vẫn chưa làm doanh nghiệp hài lòng. Lý do là còn nhiều điểm nghẽn quan trọng chưa được giải quyết.

Từ cơ chế "một cửa" về lại "nhiều cửa"

Trao đổi thẳng thắn hơn về vấn đề này, bà Uyên Hồ, Giám đốc đối ngoại Intel Việt Nam, đồng thời là chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP.HCM, cho rằng những điều chỉnh về quy định pháp luật thời gian gần đây theo hướng từ "một cửa" về lại "nhiều cửa" đang gây rất nhiều bức xúc cho doanh nghiệp.

Bà cho biết có tình trạng doanh nghiệp tiến hành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể, dù là điều chỉnh cục bộ, nhưng vẫn phải mất 2 năm mới hoàn thành, trong khi trước đây chỉ 3-6 tháng.

cai cach hanh chinh anh 1

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ bức xúc tại Hội nghị Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp TP.HCM năm 2022. Ảnh: Thành ủy TP.HCM.

Thậm chí, một số doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng thêm hạng mục dịch vụ nhỏ hay công trình phụ trợ cho người lao động và hoạt động sản xuất như nhà để xe, nhà vệ sinh, nhà chuyển tiếp chất thải công nghiệp... cũng gặp khó vì Ban quản lý Khu công nghệ cao cũng phải xin ý kiến Thanh tra Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc và chính quyền địa phương.

Lúc này, các bước thẩm định phi kỹ thuật, mang nặng tính hành chính và chính trị làm thời hạn giải quyết thủ tục kéo dài, đồng thời khiến doanh nghiệp bị đội vốn chi phí dự án do yếu tố lãi suất, lạm phát, từ đây làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp.

Do đó, bà đề nghị UBND TP.HCM và các cơ quan có thẩm quyền cho phép Khu công nghệ cao tiếp tục giữ vai trò cơ quan "một cửa" để có thể tiếp nhận phản hồi và hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hơn. Trước mắt, với cơ chế hiện tại, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các cơ quan, sở, ngành phải có sự thống nhất, phối hợp để giải quyết nhanh nhất các thủ tục hành chính.

Phản hồi ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM thừa nhận còn nhiều hạn chế trong việc phối hợp giữa các cơ quan, sở, ngành để giải quyết thủ tục hành chính.

Nguyên nhân khách quan là trước đây những thủ tục này đều thuộc thẩm quyền của ban quản lý, nhưng giờ do các cơ quan khác xử lý, thẩm quyền nằm ở nhiều nơi, quan điểm xử lý khác nhau gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Đơn cử như các vấn đề về quy hoạch 1/500 của Khu công nghệ cao trước đây thuộc thẩm quyền của ban quản lý, nhưng sau này là địa phương, tức UBND quận 9 rồi chuyển thành UBND TP Thủ Đức.

"Chúng tôi sẽ bàn bạc với các bên để triển khai cơ chế một cửa liên thông, trong đó ban quản lý sẽ là đầu mối tiếp nhận các vấn đề để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp", ông Thi cho biết.

Cần siết kỷ luật, kỷ cương hành chính

Cũng tại hội nghị lần này, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM - cho biết nhiều sở ban ngành của TP vẫn bộc lộ cách làm việc theo kiểu cũ. Các doanh nghiệp phản ánh có tình trạng một số cán bộ công chức chưa đáp ứng được nhu cầu và kì vọng của doanh nghiệp.

Nhiều sở ban ngành của TP vẫn bộc lộ cách làm việc theo kiểu cũ, một số cán bộ công chức chưa đáp ứng nhu cầu và kì vọng của doanh nghiệp.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch FFA

"Chúng tôi rất mong TP.HCM siết chặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính.

TP cùng các sở ban ngành cần có một bộ phận tiếp nhận ngay ý kiến của các hiệp hội khi phát sinh vấn đề, đồng thời tăng cường các buổi tiếp xúc với doanh nghiệp theo từng ngành nghề, qua đó trực tiếp lắng nghe và rà soát quy trình, thủ tục bất cập, gây phiền hà cho doanh nghiệp, từ đó mới tạo được bứt phá", bà Lý Kim Chi nhấn mạnh.

Từ phía doanh nghiệp quốc tế, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cũng đề cao sự cần thiết phải tạo lập một môi trường đầu tư minh bạch, trong đó thủ tục hành chính được đơn giản hóa và rút gọn, trên nền tảng chính quyền điện tử, vừa thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, vừa tạo cơ hội thỏa đáng để các doanh nghiệp nội địa phát triển bền vững

Còn ông JeanJacques Boufflet, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng TP.HCM cần xây dựng một khung pháp lý bền vững và có thể dự đoán được. Khung pháp lý này cần bao gồm chính sách liên quan đến sử dụng đất, chiến lược khu công nghiệp và khu chế xuất, cũng như những ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó, việc số hóa tất cả quy trình, thủ tục, chữ kí, hồ sơ cũng được ông khuyến nghị sớm triển khai.

Tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận việc cải cách thủ tục hành chính dù nỗ lực nhưng đến nay vẫn chưa hiệu quả, đồng bộ, kịp thời và đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, TP vẫn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện.

Trước hết, TP sẽ minh bạch các hồ sơ thủ tục theo quy định, đồng thời minh bạch trách nhiệm của các đầu mối sở ngành, cũng như thống nhất đồng bộ và đảm bảo thời gian xử lý các thủ tục hành chính. Đặc biệt, những nội dung thuộc phạm vi xử lý của UBND TP sẽ được công bố thời gian hoàn thiện và giám sát để thực hiện đúng cam kết.

Mặt khác, TP cũng sẽ công bố các giải pháp công nghệ để tiếp nhận và giải quyết phản ánh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng thời gian tới.

TP.HCM chỉ có 17 doanh nghiệp được vay lãi suất 2% trong tháng 8

Mới có 17 doanh nghiệp tại TP.HCM được hỗ trợ lãi suất với số tiền gần 500 triệu đồng. Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng việc hỗ trợ như vậy là rất chậm và chưa đạt yêu cầu.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm