Ngày 26/11, Bộ Xây dựng và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan” tại Hà Nội.
Phát biểu, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết trong 10 tháng năm 2021, Bộ đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính…
Tuy nhiên, dư địa cải cách vẫn còn rất lớn. Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục đề xuất những giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Bộ Xây dựng. |
Mất 166 ngày để hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng một công trình
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI), cho biết qua khảo sát, một doanh nghiệp cần khoảng 3 lượt tới các cơ quan Nhà nước để hoàn tất việc xin cấp phép xây dựng. Thời gian trung bình giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp là khoảng gần 24 ngày.
Đối với thủ tục đầu tư xây dựng một công trình, các doanh nghiệp phải thực hiện 10 bước, trung bình mất khoảng 166 ngày để hoàn thành. Tại Singapore, doanh nghiệp cũng thực hiện 9 bước nhưng chỉ mất 35,5 ngày để làm xong thủ tục.
Ông Tuấn kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng cần xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết, minh họa dễ hiểu về quy trình thực hiện các thủ tục liên ngành trong lĩnh vực xây dựng; lập các trang thông tin hỏi đáp về thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng để cập nhật thường xuyên các văn bản pháp lý, các tình huống hay gặp phải và giải pháp xử lý.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bộ Xây dựng. |
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban cải cách môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), thì đề xuất trong lĩnh vực liên quan đến xây dựng nên có một cơ quan đầu mối để có sự phối hợp tạo ra sự thống nhất để doanh nghiệp không phải đi nhiều cửa nữa, thực hiện thủ tục thuận lợi hơn.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đề nghị Bộ Xây dựng làm việc với UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương để hướng dẫn, xây dựng quy trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại có sử dụng đất.
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật là giải pháp quyết định nhất để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế, phục hồi thị trường bất động sản
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Cụ thể, bước 1, thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư, hoặc lựa chọn nhà đầu tư. Bước 2, thực hiện thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Bước 3, thực hiện thủ tục giao thuê đất hoặc cho thuê đất và/hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Bước 4 là thực hiện song song và nối tiếp các thủ tục hành chính. Bước 5 là thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư.
Nhà ở xã hội vắng bóng trên thị trường
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Tập đoàn Nam Long, cho biết hiện nay dòng sản phẩm hạng C hay nhà giá rẻ, nhà ở xã hội đang không còn thị trường. Doanh nghiệp đề xuất cần có những đột phá về chính sách và cải cách thủ tục hành chính liên quan đến nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Cụ thể, cần xây dựng chính sách riêng, đặc thù cho nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ hướng đến xã hội hóa. Để làm được điều đó, cần phải định nghĩa chương trình nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ căn cứ trên diện tích sàn căn hộ, giá bán căn hộ để có chính sách ưu đãi phù hợp.
Thứ hai, xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch, thiết kế công trình theo hướng tăng mật độ xây dựng, tăng hệ số sử dụng đất, tăng dân số 1,2-1,5 lần so với tiêu chuẩn hiện hành.
Một dự án nhà ở cho công nhân tại Hà Nội. Ảnh: Báo Xây dựng. |
Thứ ba, giảm thuế VAT cho người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Thứ tư, triển khai các gói hỗ trợ tài chính cho người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
“Theo kinh nghiệm của Singapore và Hà Lan, bản chất không phải Nhà nước tài trợ tài chính mà chỉ xây dựng chính sách để các quỹ đầu tư, các quỹ tài chính được hợp tác với người mua nhà và doanh nghiệp sử dụng người lao động để tạo ra gói hỗ trợ người mua nhà”, ông Quang nói.
Đại diện Tập đoàn Nam Long cho rằng hiện nay, cũng cần cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Việc triển khai khâu thủ tục đầu tư dự án mất 2-3 năm.
Để đẩy nhanh tiến độ, ông Quang đề xuất đưa chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng chính vào giá thành nhà ở xã hội. Thứ hai, điều chỉnh định mức chi phí đầu tư với nhà ở xã hội phù hợp với thực tế.
Thứ ba, thay việc miễn tiền sử dụng đất bằng việc không thực hiện tiền sử dụng đất với nhà ở xã hội. Vì khi dùng từ “miễn tiền sử dụng đất” thì chúng ta phải làm cả một quy trình để định giá đất, sau đó mới xin miễn giảm của tất cả các sở, ban, ngành, mất rất nhiều thời gian.
Ông Quang cũng tán thành việc thành lập Ban chỉ đạo liên Bộ ở trong chương trình nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, trong đó Bộ Xây dựng làm nòng cốt.