Kể từ ngày 11/10, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng thêm 4,8%, từ 2.006,79 đồng/kWh lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Đây là lần điều chỉnh giá điện thứ 3 kể từ năm 2023 đến nay, với tổng mức tăng hơn 12%.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Bình Tây - cho biết không chỉ giá điện tăng, các chi phí khác như chi phí xăng dầu và tiền lương đều đang leo thang. Trong khi đó, giá thành sản phẩm lại không thể điều chỉnh tương ứng.
"Khi các chi phí cùng tăng, chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên rất nhiều, trong khi người tiêu dùng thì thắt chặt chi tiêu, tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp", bà Giàu nói.
Chạy theo khó khăn suốt 2 năm
Tương tự, ông Phạm Thế Long - Tổng giám đốc Công ty TNHH SX TM Thuận Thiên (Thuận Thiên Seafood) - nhìn nhận sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đã cạn kiệt quỹ dự phòng, và giờ đây, với giá điện tiếp tục tăng, công ty càng thêm áp lực.
Theo ông Long, đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng đông lạnh xuất khẩu như Thuận Thiên Seafood, việc giá điện tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, đặc biệt là khi điện chiếm tỷ trọng cao trong các chi phí sản xuất, chỉ đứng sau chi phí lương công nhân.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thể tăng giá sản phẩm với đối tác xuất khẩu. "Các hợp đồng xuất khẩu thường yêu cầu thông báo trước 3 tháng nếu có thay đổi về giá, và việc tăng giá sẽ phải chia sẻ giữa hai bên", ông nói.
Ông Long nhìn nhận doanh nghiệp mình may mắn hơn các doanh nghiệp khác bởi ông vẫn làm việc với các đối tác theo mô hình truyền thống nên vẫn chia sẻ được với nhau. "Nếu ký hợp đồng dài hạn theo năm mà không điều chỉnh kịp thời thì đúng là vỡ mật",ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Long, doanh nghiệp sản xuất đang chịu áp lực từ nhiều phía, giá điện, tiền lương, đến các chi phí sản xuất khác. "Nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng san sẻ với EVN trong thời điểm khó khăn này, vì ngành điện đã bù lỗ rất nhiều", ông nói.
Dù vậy, ông Long cho rằng nếu giá điện tiếp tục tăng mà không có giải pháp hợp lý, nhiều doanh nghiệp sẽ khó trụ vững.
Trong khi đó, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết đối với lĩnh vực may mặc, mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá điện không quá lớn, khi chi phí điện chỉ chiếm 1% tổng chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, ông cũng lo ngại việc giá điện tăng có thể kéo theo sự gia tăng của các chi phí đầu vào khác, ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi sản xuất.
"Giá điện tăng không đáng kể với chúng tôi, nhưng nếu kéo theo giá vải, nhân công tăng, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn", ông Quang Anh nói.
Dẫu vậy, ông Quang Anh vẫn cho rằng giá điện tại Việt Nam khá rẻ so với mặt bằng khu vực và thế giới. Ông cũng nhấn mạnh việc tăng giá điện đi kèm duy trì và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành điện là cần thiết để tránh tình trạng cắt điện hay trục trặc trong tương lai.
"Trước mắt, chúng ta có thể mua được giá rẻ, nhưng 5-10 năm nữa, hệ thống không làm tốt thường xuyên, dẫn đến cắt điện, trục trặc điện thì mới khổ", ông bổ sung.
Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho rằng việc tăng giá điện đi kèm với duy trì và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành điện là cần thiết. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Đại diện Dony phân tích trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này phải chi trả ít nhất 20 triệu đồng tiền lương, có khi lên đến 40 triệu đồng. Nếu gặp sự cố cúp điện đột ngột, doanh nghiệp sẽ thiệt hại số tiền tương ứng với lương của nhân viên trong ngày.
Tuy nhiên, với mức tăng 5% tiền điện, doanh nghiệp của ông sẽ tốn thêm khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng, tương đương 12 triệu đồng mỗi năm - số tiền này không đáng kể nếu so với thiệt hại do một ngày mất điện.
"Chi phí do cúp điện bất ngờ còn ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với việc tăng giá điện, chưa kể còn các chi phí cơ hội bị bỏ lỡ, đơn hàng bị phạt, hay việc phải tăng ca để bù đắp", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Quang Anh cũng nhắc lại câu chuyện giá xăng khi cách đây vài năm, mỗi lần xăng tăng giá, mọi người đều than phiền. Tuy nhiên, đến thời điểm khan hiếm xăng, phải xếp hàng để mua, thì sau đó giá xăng tăng lên cũng không còn ai phản ứng mạnh mẽ như trước.
"Điều này cho thấy, sự ổn định nguồn cung là yếu tố quan trọng hơn đối với doanh nghiệp. Tôi vui vẻ với việc tăng giá điện lần nay, miễn là hệ thống vẫn hoạt động ổn định", ông nói.
Mức tăng 4,8% là hài hòa
Về phía điện lực, Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam cho biết cơ sở tăng giá điện là theo Quyết định 05 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Khi tính toán thực tế ghi nhận mức tăng cao hơn, nhưng mức tăng 4,8% là đã cân đối hài hòa các yếu tố an sinh xã hội, giảm tác động đến đời sống nhân dân và nền kinh tế.
EVN giải thích việc điều chỉnh giá điện còn dựa trên định hướng phát triển năng lượng quốc gia yêu cầu áp dụng giá thị trường và thực tiễn chi phí sản xuất điện tăng do biến động giá nhiên liệu, tỷ giá, cùng điều kiện thủy văn bất lợi trong năm 2023.
Theo EVN, tỷ trọng nguồn điện năm 2023 diễn biến theo chiều hướng bất lợi khi sản lượng thủy điện giá rẻ giảm từ 38% xuống 30,5%, trong khi nhiệt điện than và dầu với giá thành cao hơn lại tăng từ 35,5% lên 43,8%.
Ngoài ra, tỷ giá ngoại tệ tăng và giá than pha trộn duy trì ở mức cao cũng góp phần đẩy giá thành điện sản xuất lên. EVN đã phải mua bổ sung điện từ các nguồn đắt hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Đơn vị này cho rằng đối với nhóm khách hàng sản xuất (cả nước có khoảng 1,921 triệu khách hàng), mỗi khách hàng sẽ trả thêm trung bình 499.000 đồng/tháng sau đợt điều chỉnh giá này.
Theo EVN, giá điện tăng 4,8% là đã cân đối hài hòa các yếu tố an sinh xã hội, giảm tác động đến đời sống nhân dân và nền kinh tế. Ảnh: EVN. |
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bà Trần Thị Hà My - Trưởng phòng Phân tích Vĩ mô, Trung tâm phân tích Chứng khoán Rồng Việt - cho biết về lý thuyết việc tăng giá điện bán lẻ sẽ tác động đến giá thành sản xuất và chi phí hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, tùy vào ngành nghề, lĩnh vực hoạt động mà tác động sẽ khác nhau.
Phân tích cụ thể hơn, ông Trần Đình Minh, chuyên gia phân tích, giảng viên Học viện New World Education, nhìn nhận việc tăng giá bán lẻ điện khiến các ngành sản xuất như xi măng, thép, hóa chất và giấy chịu ảnh hưởng tiêu cực do chi phí điện chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm.
Theo ông, chi phí điện chiếm khoảng 14-15% giá vốn hàng bán trong ngành xi măng và khoảng 10% trong ngành thép.
Tuy vậy, bà Hà My cho rằng ngoài việc quan tâm đến giá mua điện, doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là khối FDI cũng quan tâm nhiều về sự ổn định của nguồn cung điện.
"Nếu việc tăng giá điện giúp giải quyết được một phần vấn đề đảm bảo nguồn cung thì tác động về lâu dài sẽ là tích cực", bà nói.
Theo bà My, về lâu dài, áp lực tăng giá điện sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tối ưu quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ tiết kiệm điện năng và tìm kiếm các giải pháp năng lượng tự sản, tự tiêu.
"Chẳng hạn đối với doanh nghiệp dệt may, một ước tính của Bộ Công Thương, IFC, USAID cho thấy việc sử dụng năng lượng tái tạo có thể giúp ngành tiết kiệm được 1 tỷ USD chi phí điện năng. Đồng thời về mặt chính sách, việc sớm ban hành nghị định điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ là cần thiết để các hộ gia đình và các chủ doanh nghiệp tự chủ và tiết giảm được chi phí điện ngày càng cao", bà nói.
Thông qua việc tăng giá điện lần này, ông Minh kỳ vọng các doanh nghiệp và người dân có thể tăng cường tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tìm những giải pháp tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.