Ngày 27/9, UBND TP Đà Nẵng thông báo về việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo nội dung văn bản này thì đầu tháng 10, người dân được ra đường mua sắm, doanh nghiệp được đón công nhân trở lại làm việc trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Mở cửa là xu hướng tất yếu
Đón nhận thông tin trên, ông Lê Văn Minh (giám đốc một công ty sản xuất, chế biến thủy hải sản ở Đà Nẵng) như cởi bỏ được một phần tâm lý đè nặng bấy lâu nay.
Đà Nẵng sẽ thực hiện biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Ông kể, do đại dịch Covid-19 bùng phát nên nhiều tháng qua doanh nghiệp bị ngưng trệ sản xuất, chế biến thủy sản. Công ty bị chậm hàng trăm đơn hàng xuất khẩu với đối tác nước ngoài.
"Xu hướng chung ở các nước trên thế giới là mở cửa để khôi phục, phát triển kinh tế. Đó là tất yếu, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau".
Ông Lê Văn Minh
Vị giám đốc này nói trong số hàng trăm đối tác thì có nhiều đơn vị không thông cảm nên bị đền hợp đồng.
"Đền hợp đồng là một chuyện, vấn đề lớn là nếu mình cứ đóng cửa thì họ sẽ đi tìm đối tác khác, không ký kết làm ăn với mình nữa. Bây giờ, xu hướng chung ở các nước trên thế giới là mở cửa để khôi phục, phát triển kinh tế. Đó là tất yếu, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau", ông Minh nói.
Ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch chi hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, cho rằng các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, giảm đáng kể lợi nhuận, khách hàng đi tìm đối tác khác... Vị này kiến nghị lãnh đạo Đà Nẵng sớm đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho toàn dân, sớm mở cửa lại các hoạt động kinh tế.
Nên bãi bỏ giấy đi đường
Nhận định mở cửa thích ứng an toàn với đại dịch là xú hướng tất yếu, ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng giám đốc Heineken Đà Nẵng cho rằng chính quyền nên cảnh báo vùng nguy hiểm, có dịch chứ không nên "đóng băng" như thời gian qua.
Bởi theo ông, thích ứng an toàn đối với doanh nghiệp là phải được sản xuất, lưu thông hàng hóa với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch.
Các doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ giấy đi đường để thuận lợi trong lưu thông. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Ông Ikeda Naoatsu cho rằng hiện rất nhiều doanh nghiệp đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu từ các tỉnh, thành phía Bắc và phía Nam nhưng hàng hóa hiện rất khó lưu thông vì không thiết yếu.
Theo ông, nếu không sớm có sự thông thương, kết nối, sẽ rất khó cho doanh nghiệp.
"Chính quyền nên bãi bỏ giấy đi đường càng sớm càng tốt để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Thay vào đó, nên yêu cầu người dân có giấy chứng nhận tiêm vaccine là đủ", ông Ikeda Naoatsu nói.
Đà Nẵng sẽ kiểm soát bằng mã QR
Thông báo mới nhất của TP Đà Nẵng cho biết địa phương này đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế để có những điều chỉnh theo hướng thích ứng linh hoạt và an toàn với dịch bệnh.
"Chính quyền nên bãi bỏ giấy đi đường càng sớm càng tốt để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Thay vào đó, nên yêu cầu người dân có giấy chứng nhận tiêm vaccine là đủ".
Ông Ikeda Naoatsu
Lãnh đạo Đà Nẵng dự kiến đầu tháng 10 sẽ cho phép các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khi mở ra hoạt động phải có phương án thích ứng an toàn phòng, chống dịch trong từng lĩnh vực hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch đã ban hành.
Các doanh nghiệp, đơn vị bắt buộc phải kiểm soát QR của những người đến làm việc, học tập và sử dụng các dịch vụ, thương mại. Những đơn vị chưa có phương án và chưa có thiết bị kiểm soát mã QR thì chưa được mở cửa hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch.
Các doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền Đà Nẵng sẽ ban hành các quy định thông thoáng hơn để họ khôi phục, phát triển kinh tế. Ảnh minh họa: Đoàn Nguyên. |
Cụ thể, địa phương sẽ kiểm soát chặt người ra vào TP, bắt buộc người dân phải sử dụng mã QR Code khi di chuyển. Thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng ứng dụng để từng người dân, doanh nghiệp tham gia khai báo điện tử về tất cả nội dung liên quan đến phòng chống dịch trên ứng dụng và hệ thống sẽ cấp mã QR Code tự động.
Theo người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng, mục tiêu của việc này là nhằm kiểm soát, đánh giá được người vào TP là người có nguy cơ hay không; đồng thời để truy vết nếu sau này xuất hiện các trường hợp dương tính.
"Nếu trường hợp nào khai báo gian dối, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch chung của TP thì sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Quảng nhấn mạnh.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.