"Doanh nghiệp luôn bị thua thiệt", ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM nói và cho biết doanh nghiệp hội viên đang rất bức xúc khi lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2022 tăng trưởng trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn.
Doanh nghiệp "tố" lãi suất cao, bị ngân hàng gây khó dễ
Tại hội nghị đối thoại, ông Tống nêu ra nhiều trường hợp khó khăn điển hình của các doanh nghiệp trong Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM.
"Có những doanh nghiệp khóc vì lãi suất ngân hàng. Có trường hợp ngân hàng gửi thông tin đàm phán lãi suất cho vay với biên độ 2,5% so với lãi suất huy động, nhưng trong hợp đồng để ký không nêu lãi suất cụ thể, ngân hàng nói đã có trong bảng chào giá nên hợp đồng không nói lại. Nhưng thực tế đến nay, biên độ đã lên đến 4-5%", ông Tống chia sẻ.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM chia sẻ tại hội nghị sáng nay. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong một trường hợp khác, có doanh nghiệp đã được cấp hạn mức cho vay nhưng đến thời điểm giải ngân, ngân hàng nói không có tiền. Máy móc đã nhập về đến cảng, L/C (thư tín dụng - cam kết thanh toán) đã mở nhưng đợi đến khi được giải ngân, doanh nghiệp phải tốn thêm hàng trăm triệu đồng cho chi phí lưu cảng.
Hay với doanh nghiệp của chính ông, khi muốn rút tài sản bảo đảm ở ngân hàng này để đưa sang vay ngân hàng khác lãi suất tốt hơn, ông nhận thấy ngân hàng gây khó dễ dù không còn dư nợ vay.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp có sáng chế được bảo hộ 20 năm cho rằng lẽ ra trong lĩnh vực được ưu tiên vay vốn nhưng suốt 6 năm qua không thể vay vốn ngân hàng.
"Doanh nghiệp của chúng tôi đáp ứng cả 3 chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, khoa học công nghệ mà còn khó khăn như vậy thì các doanh nghiệp khác khổ như thế nào", người này nói.
Lãnh đạo Nệm Vạn Thành cũng giãi bày một công ty sản xuất chỉ thu được lãi 10-15%/năm, chưa kể chi phí đầu tư trang thiết bị, thì mức lãi suất vay hơn 15%/năm, thậm chí đến gần 20%/năm như thời gian qua là không thể.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Cần Giờ yêu cầu NHNN Chi nhánh TP.HCM và các ngân hàng thương mại có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay lãi suất thấp. Còn hiện tại, doanh nghiệp làm ra bao nhiêu đều bị lãi vay "ăn hết".
Ngân hàng nói lãi suất sẽ giảm thời gian tới
Trước những phản ánh này, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM chia sẻ lãi suất tăng cao là tình trạng chung sau nhiều lần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành trong năm 2022. Hiện NHNN đang triển khai đồng loạt 5 nhóm giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Thực tế, ông cho rằng lãi suất cho vay đang giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Ông khẳng định trong thời gian tới, lãi suất sẽ xuống dần theo diễn biến thị trường trong nước và quốc tế.
Với các hành vi tự động tăng lãi suất một cách không minh bạch, gây khó dễ khi doanh nghiệp muốn rút tài sản bảo đảm khi hết dư nợ vay, hay từ chối cho vay mà không có lý do chính đáng... Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM khẳng định cơ quan quản lý luôn phản đối và sẽ làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội để làm rõ hành vi của các ngân hàng, có biện pháp xử lý.
Lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM và các ngân hàng thương mại trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chia sẻ thêm tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho rằng doanh nghiệp và ngân hàng lẽ ra phải bình đẳng với nhau, nhưng ông có cảm tưởng ngân hàng đang thua thiệt. "Doanh nghiệp thoải mái mắng ngân hàng nhưng chưa có lúc nào ngân hàng mắng doanh nghiệp cả".
Để đảm bảo tính bình đẳng, theo ông, cốt lõi là phải minh bạch thông tin, đặc biệt thông tin trong hợp đồng. Ông đề nghị các doanh nghiệp phản ánh với NHNN khi phát hiện sự không minh bạch của các ngân hàng.
Liên quan đến vấn đề lãi suất, ông chia sẻ lãi suất cao là rủi ro lớn với ngân hàng. Bởi chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng cao dẫn đến khả năng nợ xấu, mà đây là nỗi ám ảnh lớn nhất của ngành ngân hàng.
"Cứ tin tôi đi, trong vòng vài tuần tới lãi suất sẽ giảm cực nhanh", lãnh đạo OCB nhấn mạnh.
Gần 3 triệu tỷ đồng cho vay qua kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Nhìn nhận về cuộc đối thoại, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng hai bên ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa có cách chia sẻ thẳng thắn cũng như phương án giải quyết rõ ràng cho các vấn đề vướng mắc.
Do đó, ông đề nghị NHNN Chi nhánh TP.HCM tổ chức nhiều cuộc đối thoại hơn, không phải để chỉ trích mà cần có nhiều ý kiến gay gắt để hiểu nhau hơn, từ đó có thể hợp tác trên tinh thần cầu thị, đôi bên cùng có lợi.
Cùng với đó, NHNN TP nên có các kênh kết nối khác để các doanh nghiệp thường xuyên phản ánh các vướng mắc, kiến nghị đến cơ quan quản lý tiền tệ và lãnh đạo TP.
Phát biểu chỉ đạo, ông cho biết vốn và lãi suất là hai vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp mà ông có dịp tiếp xúc từ cuối năm ngoái đến nay. Ông kiến nghị NHNN và các ngân hàng thương mại quan tâm đến việc cơ cấu lại nợ cũng như các vấn đề về lãi suất, tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, tùy chính sách và điều kiện của từng ngân hàng.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo hội nghị sáng 28/2. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tại hội nghị sáng nay, 16 ngân hàng thương mại cũng đã ký kết với 64 doanh nghiệp, tổng gói tín dụng vào khoảng 11.000 tỷ đồng. Lũy kế sau 10 năm triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, đã có 157.000 khách hàng tham gia với số dư nợ gần 3 triệu tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố với doanh số đạt 469.000 tỷ đồng.
Trong số này, các ngân hàng tại TP.HCM đã giảm lãi suất cho vay các chương trình của ngân hàng 300.000 tỷ đồng, tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp 100.000 tỷ đồng và hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ hơn 9.000 tỷ đồng (lũy kế thực hiện gói hỗ trợ 2% tại TP.HCM đã đạt trên 15.000 tỷ đồng).
Sắp tới, NHNN Chi nhánh TP.HCM sẽ phối hợp UBND huyện Củ Chi và văn phòng Agribank Củ Chi để kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng như phối hợp UBND quận 12, TP Thủ Đức để tháo gỡ kết nối khó khăn với các doanh nghiệp ở những địa bàn này.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.