Trao đổi với Zing.vn chiều 11/6, ông Trần Văn Nguyện, Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cho biết doanh nghiệp đã chi "hỗ trợ" hơn 2 tỷ đồng cho khoảng chục chủ tàu thép Bình Định để bảo dưỡng, sửa chữa tàu.
"Tùy theo mức độ hư hỏng, sự cố, doanh nghiệp và các đơn vị cung cấp máy hỗ trợ cho các chủ tàu thép từ 50 đến 215 triệu đồng. Chúng tôi chi phí số tiền này nhằm chia sẻ bớt khó khăn trong thời gian tàu thép gặp sự cố nằm bờ và lo bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện để sớm ra khơi trở lại", ông Nguyện nói.
Tàu thép hàng chục tỷ mới bàn giao cho ngư dân Bình Định đã gỉ sắt, xuống cấp, liên tục gặp sự cố phải đưa về bờ chờ sửa chữa ở cảng Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn). Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo vị Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Nam Triệu, lãnh đạo tỉnh Bình Định bảo doanh nghiệp đóng tàu "đi đêm" với ngư dân để rút đơn khiếu nại thì "tội" cho đơn vị quá.
Về góc độ tình cảm, doanh nghiệp bàn bạc đưa ra mức hỗ trợ nếu ngư dân đạt thỏa thuận, cảm thấy có lý, có tình, thuận lợi nhất cho chuyện làm ăn của họ thì tự nguyện rút đơn khiếu nại.
"Rút đơn hay không là quyền của ngư dân chứ chúng tôi làm sao ép bà con được. Doanh nghiệp chỉ mong muốn thỏa thuận, hỗ trợ cho ngư dân sửa chữa, khắc phục sự cố hỏng tàu làm sao cho nhanh nhất, thuận lợi nhất để sớm ra khơi mà thôi", ông Nguyện lý giải thêm.
Ông Trần Văn Nguyện, Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo hợp đồng chi tiết ký kết với ngư dân, khi tàu gặp sự cố hỏng hóc thì đưa về Xí nghiệp đóng tàu ở Công ty TNHH MTV Nam Triệu ở Hải Phòng sửa chữa.
Tuy nhiên nếu đưa từ miền Trung về Xí nghiệp ở Hải Phòng thì xa quá, tốn kém chi phí lớn cho ngư dân. Do vậy doanh nghiệp bàn bạc, thỏa thuận với bà con ngư dân sửa chữa tàu ở nơi nào gần, thuận lợi nhất để giảm thiểu chi phí.
Trong khi đó, một số chủ tàu thép đã rút đơn khiếu nại doanh nghiệp này cho hay tuần trước, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu đi ôtô đến tận nhà bày tỏ "tình cảm" xin hỗ trợ tiền khắc phục sự cố tàu. Trước áp lực trả nợ ngân hàng, năm chủ tàu thép ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) đã đồng ý nhận 250 đến 300 triệu đồng.
"Doanh nghiệp hiệp thương với các chủ tàu thép bảo chúng tôi cam kết không khiếu nại, khiếu kiện gì nữa", chủ tàu Lê Hoàng Thanh (ngụ huyện Hoài Nhơn) thổ lộ.
Phần chân vịt tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định mới ra khơi vài chuyến biển đã hoen gỉ, hàu bám dày đặc đang được đưa lên bờ sửa chữa ở cảng Tam Quan Bắc. Ảnh: M.Hoàng. |
Còn chủ tàu thép Trần Đình Sơn (ngụ huyện Phù Mỹ) thì "tố" lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu mời uống cà phê ở TP Quy Nhơn. Sau đó, doanh nghiệp yêu cầu rút tất cả hồ sơ đã gởi các cơ quan chức năng về việc thẩm định tàu với cam kết sớm lắp máy và hỗ trợ 100 triệu đồng.
Cho rằng đơn vị đóng tàu lợi dụng tình cảm, đưa tiền để lừa phỉnh rút đơn khiếu nại nhằm che đậy chuyện làm ăn gian dối của họ, ông Sơn đã trả lại 100 triệu đồng cho doanh nghiệp.
Điều tra nghi án doanh nghiệp "đi đêm" với chủ tàu thép
Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định bày tỏ sự ngạc nhiên về việc bảy chủ tàu vỏ thép xin rút đơn không khiếu nại bởi nhiều tuần trước ngư dân liên tục yêu cầu chính quyền vào cuộc. Vì thế, tỉnh đã giao Công an tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thu thập thông tin, điều tra làm rõ có hay không chuyện doanh nghiệp "đi đêm".
"Dù ngư dân có rút đơn khiếu nại thì Tổ thẩm định vẫn truy tìm nguyên nhân hỏng tàu và trách nhiệm thuộc về ai để kiến nghị cơ quan chức năng xử lý", ông Châu nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, vụ việc tàu thép chục tỷ mới bàn giao đã gặp sự cố nằm bờ có liên quan đến trách nhiệm của Trung tâm đăng kiểm thuộc Tổng cục thủy sản. Căn cứ kết quả giám định độc lập của Bình Định tổng hợp báo cáo, Bộ sẽ rà soát, xử lý, kiểm điểm trách nhiệm cơ quan đăng kiểm và các tập thể, cá nhân liên quan đến vụ việc này.