Chuyên gia bất ngờ, ngư dân sốc về tình trạng của tàu vỏ thép chục tỷ
Thứ tư, 7/6/2017 15:15 (GMT+7)
15:15 7/6/2017
Sau khi nghe phân tích sơ bộ về vật liệu, thiết bị tàu vỏ thép của các chuyên gia giám định độc lập, nhiều ngư dân Bình Định sốc nặng vì doanh nghiệp đóng tàu làm ăn gian dối.
Từ ngày 6 đến 11/6, Tổ công tác liên ngành giám định độc lập tiến hành kiểm tra, tổng rà soát tàu vỏ thép vừa bàn giao đã gặp sự cố của ngư dân ở TP Quy Nhơn, huyện Phù Cát và Hoài Nhơn.
Trong hai ngày qua, các thành viên của đoàn công tác đã kiểm tra, rà soát các tàu vỏ thép mới bàn giao nhưng liên tục gặp sự cố phải đưa về nằm bờ ở khu vực cảng Quy Nhơn.
Tại tàu vỏ thép BĐ 99179-TS của ông Mai Văn Chương (ngụ huyện Phù Cát) đang gặp sự cố neo đậu ở cảng Quy Nhơn, các chuyên gia giám định độc lập bất ngờ khi phát hiện tụ điện thuộc bộ phận tăng pô cung cấp điện bị xóa các thông số, ký hiệu và hãng sản xuất. Ngoài ra bộ phận tăng pô không có hệ thống tản nhiệt nên quá trình thắp sáng dễ gây chập mạch nguồn gây cháy bóng đèn.
Họ còn phát hiện trong hợp đồng tàu vỏ thép của ông Chương được trang bị 80 bóng đèn Hàn Quốc (mỗi bóng 3.000 W) nhưng khi kiểm tra thì phát hiện đơn vị đóng tàu tự ý thay bóng đèn 2.000 W, không có hệ thống tản nhiệt.
Ông Mai Văn Chương, Chủ tàu BĐ 99179-TS, than thở tàu mới bàn giao tháng 8/2016 đến nay nhưng liên tục gặp sự cố gây lỗ 500 triệu đồng. Riêng giàn đèn tàu đã cháy hỏng mất 21/80 bóng. "Nghe các chuyên gia bảo 80 bóng đèn trên tàu của tôi chỉ 2.000 W (hợp đồng là 3.000 W) mà tôi tá hỏa, sốc nặng. Còn tụ điện bị xóa mờ các thông số, ký hiệu, rõ ràng đơn vị đóng tàu làm ăn gian dối, mờ ám mới làm như vậy", ông Chương bức xúc.
Ông Mai Thanh Vũ, Thuyền trưởng tàu vỏ thép BĐ 99179-TS, bức xúc tàu mới bàn giao mà đã gỉ sắt, hư hỏng nhiều hạng mục. Tàu bị lỗi thiết kế nên khi ra khơi gặp gió cấp 5 đã chao đảo, rung lắc mạnh không thể nào thả lưới vây đánh bắt cá được. Trần tàu gỉ sắt gây thủng nhiều nơi, mỗi khi trời mưa nước thấm dột xuống các khoang.
Nghi ngờ đơn vị đóng tàu tự ý thay đổi vật liệu sắt thép Hàn Quốc/Nhật Bản bằng sắt thép Trung Quốc gây gỉ sắt nhanh, các chủ tàu yêu cầu chuyên gia giám định độc lập cắt vật liệu vỏ tàu gửi mẫu đi kiểm tra chất lượng để làm rõ trắng, đen.
Tiến sĩ Trần Văn Vinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, phân tích về nguyên tắc tất cả vật liệu làm hầm bảo quản cá trên tàu phải đảm bảo không gỉ. "Nếu vật liệu đóng hầm bảo quản không phù hợp, máu cá và đá lạnh ra nước ứ lại càng làm gia tăng hiện tượng ăn mòn sắt thép gây ảnh hưởng trực tiếp chất lượng thủy sản. Đằng này hầm bảo quản một số tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định đang gỉ sắt, hệ thống thoát nước chưa được quan tâm", ông Vinh nói.
Toàn bộ hệ thống van ống nước trong hầm máy của tàu vỏ thép BĐ 99018-TS của ông Võ Tuân (ngụ huyện Phù Mỹ) đang nằm bờ ở cảng Quy Nhơn bị gỉ sắt, mục hư hỏng không hoạt động được. Tàu vỏ thép trị giá hơn 15 tỷ đồng được bàn giao từ giữa năm 2016, đến nay ra khơi được 8 chuyến biển và liên tục gặp sự cố. Hầm bảo quản không có hệ thống thoát nước khiến thủy sản thường xuyên bị nước ngập gây hỏng lỗ đến 600 triệu đồng.
Các đường ống thép bên trong khoang máy của tàu vỏ thép ông Tuân bị hở mối hàn gây chảy nước ra ngoài.
Phần cabin tàu vỏ thép BĐ 99018-TS của ông Võ Tuân (ngụ huyện Phù Mỹ) gỉ sắt, xuống cấp nặng sau một năm Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bàn giao. Hiện Bình Định đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải có nghĩa vụ sửa chữa các tàu cá do đơn vị mình thi công bị hư hỏng theo hợp đồng đã thỏa thuận với các chủ tàu.
Tỉnh cũng yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn trả chi phí thiết kế cho chủ tàu; đồng thời đền bù cho ngư dân bị thiệt hại thời gian tàu nằm bờ. Trường hợp các đơn vị đóng tàu không thực hiện nghĩa vụ của mình, cơ quan chức năng Bình Định hướng dẫn thủ tục pháp lý hỗ trợ ngư dân khởi kiện doanh nghiệp đóng tàu ra tòa.
Từ ngày 6 đến 11/6, Tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát tàu vỏ thép vừa bàn giao đã gặp sự cố của ngư dân ở TP Quy Nhơn, huyện Phù Cát và Hoài Nhơn. Dự kiến tổ kiểm tra 18 tàu bị hư hỏng mà ngư dân có đơn phản ánh, kiến nghị.
Trong đó, 13 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu thi công, còn lại do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng. Hiện, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã liên lạc, đề nghị các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng đưa tàu về bến để tiến hành thẩm định.
Ngoài 5 thành viên là tiến sĩ chuyên ngành khai thác hàng hải, kỹ sư cơ khí tàu thuyền, cử nhân luật chuyên ngành luật kinh tế, đại học an ninh chuyên ngành điều tra tội phạm, Bình Định còn mời hai giám định viên chuyên ngành tàu và vỏ tàu thủy của Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol Quy Nhơn làm thành viên.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho rằng việc một số doanh nghiệp tự ý thay đổi vật liệu, thiết bị đóng tàu vỏ thép cho ngư dân là không có tâm, thiếu đạo đức.
Hội kiến Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên cao cho việc củng cố, tăng cường quan hệ Việt Nam - Campuchia.