Chiều 10/6, lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định đã nhận văn bản cam kết khắc phục sự cố tàu thép chục tỷ nằm bờ của Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (TP.HCM) - đơn vị cung cấp máy cho tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân Bình Định .
Kiểm tra tàu thép của ông Đinh Công Khánh (ngụ huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), các chuyên gia hãng máy Mitsubishi khẳng định máy này không phải chính hãng.Ảnh: M.Hoàng. |
Theo văn bản, ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát, cam kết với lãnh đạo tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm thay lại máy tàu thủy mới chính hãng Mitsubishi (Nhật Bản) cho các tàu thép đã lắp đặt máy của đơn vị này bị trục trặc, hư hỏng sau khi bàn giao.
Trước đó, sáng 10/5, tại cuộc họp đối thoại với cơ quan chức năng tỉnh Bình Định và các chủ tàu vỏ thép, lãnh đạo Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát nhiều lần khẳng định máy Mitsubishi là mới 100%. Đại diện đơn vị này còn đổ lỗi do ngư dân Bình Định chưa biết sử dụng nên tàu thép mới bàn giao đã hỏng máy.
Ngày 3/1/2015, đơn vị cung cấp máy này đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH MTV Nam Triệu về việc cung cấp hai loại động cơ máy chính cho tàu thủy hiệu Mitsubishi có model S6R2-MPTA, công suất 940 HP với 4 tàu và máy có model S6R -MPTA, công suất 811HP cho sáu tàu thép của ngư dân Bình Định.
Khi đưa vào sử dụng, số máy nói trên cho thấy những loại máy đã lắp không phù hợp với tàu cá của ngư dân. Đơn vị cung cấp máy cam kết lắp đặt máy mới cho tàu thép gặp sự cố của ngư dân Bình Định từ 1 đến 3 tháng (kể từ ngày có văn bản).
Tàu thép hàng chục tỷ của ngư dân Bình Định mới bàn giao đã liên tục gặp sự cố phải đưa lên bờ sửa chữa. Ảnh: Minh Hoàng. |
Về vấn đề này, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay sau khi kiểm tra các tàu vỏ thép mới bàn giao đã gặp sự cố nằm bờ, các chuyên gia của Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đã báo cáo với tỉnh là máy tàu không phải chính hãng của họ. Bên ngoài là vỏ máy Mitsubishi nhưng bên trong bị thay đổi máy cũ không phù hợp gây ra sự cố cho tàu vỏ thép.
Hiện Bình Định đã kiến nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu bảo vệ quyền lợi cho ngư dân.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cũng xác nhận, sau khi kiểm tra, các chuyên gia của hãng máy Mitsubishi (Nhật Bản) khẳng định trong 5 máy của tàu hỏng thì có 4 máy không phải chính hãng của họ.
"Hai Công ty TNHH MTV đóng tàu Đại Nguyên Dương và Nam Triệu cần làm việc với đơn vị cung cấp dứt khoát thay máy và vỏ tàu mới đúng theo hợp đồng đã ký kết cho ngư dân Bình Định chứ không phải sửa chữa", ông Tám yêu cầu.