Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bình Định đề nghị Bộ Công an điều tra vụ tàu thép chục tỷ nằm bờ

Tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ án hàng loạt tàu vỏ thép mới bàn giao đã liên tục gặp sự cố, hư hỏng phải nằm bờ khiến ngư dân địa phương khốn đốn.

Tạm dừng hai doanh nghiệp đóng mới tàu vỏ thép cho ngư dân Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Đại Nguyên Dương tạm ngưng hợp đồng đóng mới tàu vỏ thép cho ngư dân.

Sáng 9/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị về đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 ở các địa phương ven biển cả nước. 

Mới bàn giao mà gỉ sắt giống tàu đã sử dụng 10 năm

Tại hội nghị, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, cho biết bốn ngày qua, Tổ giám định độc lập đã rà soát, kiểm tra tất cả tàu vỏ thép mới bàn giao đã liên tục hư hỏng trên địa bàn.

"Sau khi thị sát, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám bất ngờ khi chứng kiến nhiều tàu doanh nghiệp đóng mới bàn giao vài tháng đã gỉ sắt, xuống cấp nặng trông giống tàu đã qua sử dụng 5 đến 10 năm", vị Giám đốc Sở nói. 

Hiện Tổ thẩm định đã ghi nhận vỏ tàu bị gỉ sắt, vật liệu thép thi công không đúng theo hợp đồng (hoán đổi thép Hàn/Nhật bằng thép Trung Quốc), sơn không đảm bảo theo quy trình, máy tàu không phải chính hãng Mitsubishi (Nhật Bản) và linh kiện bên trong máy không phù hợp, thiết bị hàng hải chưa đúng thiết kế....

Tau vo thep Binh Dinh nam bo anh 1
 Hàng loạt tàu vỏ thép mới bàn giao đã gỉ sắt, xuống cấp nằm bờ khiến ngư dân Bình Định khốn khổ. Ảnh: Minh Hoàng.

Ông Hổ cho rằng, một số cơ sở đóng tàu tự ý thiết kế nhưng không trao đổi với cơ quan chuyên môn mà chỉ bàn riêng với ngư dân. Tuy nhiên khi bà con trao đổi thì doanh nghiệp đóng tàu không tiếp thu dẫn đến tình trạng lỗi thiết kế nên khi ra khơi tàu liên tục gặp trục trặc.

Doanh nghiệp đóng tàu thiếu trách nhiệm trong việc bảo hành, bảo dưỡng không làm đúng theo hợp đồng với ngư dân. Khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào xưởng đóng tàu kiểm tra giúp ngư dân thì phía doanh nghiệp đóng tàu lại từ chối.

Đề nghị Bộ Công an điều tra 2 doanh nghiệp "làm ăn gian dối"

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay sau khi kiểm tra các tàu vỏ thép mới bàn giao đã gặp sự cố nằm bờ, các chuyên gia của Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đã báo cáo với tỉnh là máy tàu không phải chính hãng của họ.

Tau vo thep Binh Dinh nam bo anh 2
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám. Ảnh: M.Hoàng.

Bên ngoài là vỏ máy Mitsubishi nhưng bên trong bị thay đổi máy cũ không phù hợp gây ra sự cố cho tàu vỏ thép.

"Trước chứng cứ làm ăn gian dối của cơ sở đóng tàu, địa phương đã chỉ đạo Công an tỉnh kiến nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu bảo vệ quyền lợi cho ngư dân", ông Châu nói. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cũng xác nhận, nhiều tàu vỏ thép Bình Định mới bàn giao đã bị hoen gỉ rất trầm trọng. "Chúng tôi gặp các chuyên gia của hãng máy Mitsubishi thì họ khẳng định trong 5 máy của tàu hỏng thì có 4 máy không phải chính hãng của họ", ông Tám cho biết thêm.

Buộc thay vật liệu, máy mới tàu vỏ thép cho ngư dân

Trước tình hình này, Thứ trưởng yêu cầu hai Công ty TNHH MTV đóng tàu Đại Nguyên Dương và Nam Triệu cần dứt khoát thay máy và vỏ tàu mới đúng nguyên trạng theo hợp đồng đã ký kết cho ngư dân Bình Định chứ không phải sửa chữa.

Trước mắt, hai doanh nghiệp này tạm dừng không được ký hợp đồng đóng mới tàu vỏ thép cho ngư dân; những chiếc tàu đang đóng mới thì phải điều chỉnh tránh tái diễn tình trạng tàu mới bàn giao đã gặp sự cố.

Thời gian tới, nếu đoàn công tác của Bộ rà soát xét thấy không đủ năng lực, thiếu điều kiện thì sẽ loại hai doanh nghiệp này ra khỏi danh sách đóng mới tàu cho ngư dân.

Ông Tám nhấn mạnh, trách nhiệm lớn nhất trong vụ việc tàu vỏ thép mới bàn giao đã nằm bờ thuộc về cơ sở đóng tàu. Một số ngư dân có tàu vỏ thép gặp sự cố đã làm đơn kiến nghị tỉnh kiểm tra nhưng không biết do tác động thế nào mà họ rút đơn.

"Tôi đề nghị cơ quan chức năng Bình Định dứt khoát phải thẩm định từng con tàu một và có kết luận rõ ràng. Không phải vì ngư dân rút đơn mà chúng ta không làm. Sau khi có kết quả rà soát, giám định độc lập phải nhanh chóng gửi báo cáo vụ việc tàu đóng mới theo Nghị định  67 hư hỏng để Bộ có hướng xử lý trách nhiệm các bên liên quan", Thứ trưởng lưu ý. 

Sau hai năm thực hiện, đến nay các tỉnh đã phê duyệt 1.948 tàu đủ điều kiện được vay vốn, trong đó đóng mới hơn 1.500 chiếc (tàu vỏ thép và vật liệu mới khác) và nâng cấp 438 chiếc. Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 945 chủ tàu với số tiền cam kết cho vay là 9.274 tỷ đồng, đã giải ngân 8.245 tỷ đồng

Đến nay các tỉnh, thành ven biển cả nước đã và đang đóng mới 671 tàu cá theo Nghị định 67, trong đó có 279 tàu vỏ thép. Riêng Bình Định đã ký 56 hợp đồng tín dụng đóng mới tàu cá theo Nghị định 67, trong đó có 47 tàu vỏ thép (mỗi tàu trị giá từ 14 đến 19 tỷ đồng).

Sau khi bàn giao đưa vào hoạt động, Bình Định phát hiện 18 tàu vỏ thép liên tục gặp sự cố.

Cụ thể, 13 tàu đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu có tình trạng thân, vỏ tàu gỉ sắt, hà bám nhiều, một số tàu bị hỏng máy chính, máy phát điện, hầm bảo quản tiêu đá nhiều... 5 tàu vỏ thép đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương có tình trạng lớp sơn bị bong tróc làm cho vỏ tàu, mặt boong, cabin, phần van ống bị gỉ sắt, hầm bảo quản thoát nước kém, bị thay đổi thiết kế...

Ngư dân tá hỏa vì doanh nghiệp đóng tàu vỏ thép tráo đổi thiết bị Sau khi nghe chuyên gia giám định độc lập phân tích về thực trạng vật liệu, thiết bị tàu vỏ thép, nhiều ngư dân tá hỏa, bức xúc vì doanh nghiệp đóng tàu làm ăn gian dối.

Đề nghị xem xét xử lý hình sự vụ tàu thép chục tỷ nằm bờ

"Không thể đổ thừa do yếu tố môi trường, nước biển mặn làm cho vỏ tàu bị gỉ sét được”, ông Trương Minh Hoàng trao đổi với báo chí sáng 9/6.

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm