Thị sát thực trạng tàu vỏ thép mới bàn giao đã liên tục bị lỗi, hư hỏng phải nằm bờ ở cảng Đề Gi, huyện Phù Cát (Bình Định) ngày 8/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho đây là "sự cố đáng tiếc".
Theo ông Tám, Nghị định 67 là chủ trương lớn của Chính phủ về chính sách khai thác và phát triển thủy sản, trong đó có đóng mới, nâng cấp hiện đại hóa tàu cá nhằm giúp ngư dân vững tâm vươn khơi, bám biển. Tuy nhiên thời gian qua, 17 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định sau khi nhận bàn giao, đưa vào hoạt động đã gặp sự cố, không ra khơi được gây ảnh hưởng lớn cuộc sống.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám (phải) thị sát tình trạng tàu vỏ thép nằm bờ ở cảng Đề Gi (huyện Phù Cát). Ảnh: Minh Hoàng. |
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp đã ban hành hai văn bản chỉ đạo các địa phương tổng rà soát các tàu vỏ thép đóng mới để đánh giá vướng mắc tồn tại và hiệu quả bước đầu.
Bộ cũng đã cử các đoàn công tác về Bình Định và các địa phương để kiểm tra. Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, các đại biểu rất quan tâm đến tàu vỏ thép. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương tổng kiểm tra, báo cáo trước 30/6.
Thứ trưởng Tám nhấn mạnh đến nay cả nước đã đóng mới 279 tàu vỏ thép theo Nghị định 67 tuy nhiên chỉ có 17 tàu của ngư dân Bình Định bị lỗi, gặp sự cố sau khi bàn giao. Đáng lưu ý, hầu hết tàu vỏ thép gặp sự cố tập trung ở hai cơ sở đóng tàu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu. Đây là dấu hỏi lớn đặt ra cần làm rõ.
Hiện Bình Định đã chủ động lập đoàn giám sát kiểm tra, tổng rà soát tàu vỏ thép.
Nhận bàn giao mới vài tháng, tàu vỏ thép trị giá gần 19 tỷ đồng của ông Đinh Công Khánh (ngụ xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) liên tục bị hỏng máy đành nằm bờ. Ảnh: Minh Hoàng. |
"Chúng tôi sẽ căn cứ kết quả giám sát độc lập của đoàn giám sát của Bình Định đồng thời tổ chức hội nghị chuyên đề lắng nghe ý kiến các địa phương. Trên cơ sở này, Bộ sẽ tổng hợp báo cáo vấn đề tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 lên Thủ tướng", Thứ trưởng Tám nói.
Ông Tám chia sẻ do là lần đầu tiên đóng mới tàu vỏ thép nên không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó khăn kể cả đối với cơ quan quản lý, đơn vị đóng tàu và chủ tàu. Dẫu biết 17/279 tàu vỏ thép đóng mới gặp sự cố sau khi bàn giao là thiểu số nhưng chúng ta phải kịp thời chấn chỉnh.
"Nếu không xử lý dứt điểm tình trạng này thì thời gian tới có thể lặp lại sự cố ở các con tàu đóng mới khác. Ngày mai (9/6), Bộ chủ trì tổ chức hội nghị chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 nhằm rút kinh nghiệm. Thông qua kết quả tổng rà soát tàu vỏ thép ở Bình Định có thể rút ra bài học chung cho cả nước", ông Tám nhấn mạnh.
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định mới bàn giao đã liên tục gặp sự cố phải nằm bờ ở cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát). Ảnh: Minh Hoàng. |
Làm việc với các chuyên gia độc lập, Thứ trưởng yêu cầu tổ công tác giám định kỹ từng con tàu, rà soát tất cả các công đoạn: đóng tàu, giám sát, quản lý, đưa vào sử dụng, phân tích truy tìm nguyên nhân lỗi do đâu gây ra sự cố.
Mặt khác, cơ quan chức năng phải xem xét thiệt hại các chủ tàu, không vì sự cố này mà để gánh nặng cho các chủ tàu phải chịu hết. Địa phương phải có giải pháp tạo điều kiện cho chủ tàu và ngư dân yên tâm tiếp tục bám biển.
Ông Tám khẳng định, Nghị định 67 là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, đặc biệt là đóng tàu lớn, tàu vỏ vật liệu mới. Đây là xu thế chung quá trình phát triển kinh tế biển của thế giới. Không vì sự cố này mà để cho ngư dân hiểu sai chủ trương đóng mới tàu vỏ thép Chính phủ.
Đây bài học lớn để Bộ chấn chỉnh, xử lý tiếp tục đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn, vật liệu mới theo hướng hiện đại hóa tàu cá.
Ngày 8/6, đoàn công tác liên ngành Bình Định và hãng máy Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đến kiểm tra, giám định tàu vỏ thép gặp sự cố nằm bờ ở cảng Đề Gi (huyện Phù Cát).
Qua kiểm tra, các chuyên gia nhận định, hầm bảo quản thủy sản bên trong một số tàu vỏ thép nơi đây không có hệ thống thoát nước, bồn chứa ngọt gỉ sắt..., thiết kế tàu bị lỗi...Riêng các chuyên gia hãng Mitsubishi ghi nhận một số máy thủy chính sơ ri máy hoặc hãng sản xuất không khớp với hồ sơ...Đoàn giám định độc lập đã lấy mỗi tàu hai mảnh thép nhỏ gửi mẫu đi kiểm định chất lượng, đo chỉ số cabon trong sắt thép liệu có đúng loại vật liệu sử dụng đóng tàu biển hay không...