Trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội sáng 9/8, ông Trương Minh Hoàng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường) bày tỏ bức xúc về thực trạng tàu thép chục tỷ nằm bờ, tập trung ở Bình Định.
Theo kết quả được công bố, các tàu vỏ thép của Bình Định bị các lỗi chính như vỏ bị rỉ sét trầm trọng, tróc sơn, máy có vấn đề. Trong 5 máy tàu bị hỏng thì có 4 máy không chính hãng, vỏ tàu bằng thép Trung Quốc trong khi hợp đồng nói là thép Hàn Quốc, Nhật Bản.
4 máy trong số 5 máy tàu bị hỏng không chính hãng. Ảnh: Minh Hoàng. |
“Tôi cho rằng nên xem lại trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tham gia quản lý quá trình đầu tư, các doanh nghiệp từ khâu hợp đồng. Phương tiện kiếm sống của người dân đến 20 tỷ có khi là tài sản của cả dòng tộc, tập thể xóm, ấp cả đời mới gom góp được nguồn tiền như vậy”, ông Hoàng nói.
Song, theo ông Hoàng, vì lý do hám lợi, hám tiền mà các doanh nghiệp, các đơn vị, nhà cung cấp làm gian dối. “Họ không thể đổ thừa do yếu tố môi trường, nước biển mặn làm cho vỏ tàu bị gỉ sét được. Tôi hoàn toàn không đồng tình với lý lẽ đó”, ông Hoàng khẳng định.
Từ đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng phải sớm làm rõ trách nhiệm trong vụ việc. Thậm chí, các ngành chức năng phải vào cuộc tính toán, xem xét nếu có liên quan đến vi phạm hình sự thì xử lý nghiêm, đem lại sự công bằng cho người dân, đặc biệt những ngư dân thuộc nhóm yếu thế.
“Tôi nghe bà con chia sẻ đi thì máy móc hư hỏng nhưng chỉ việc thuê mướn để kéo tàu về đã tốn kém cả trăm triệu. Mặt khác, nếu bà con đánh bắt ngoài khơi dài ngày, có sản lượng rồi mà tàu bị hư hỏng dọc đường thì tổn thất còn lớn và nặng nề hơn”, ông Hoàng nói thêm.
Đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường. Ảnh: Quochoi.vn. |
Theo ông Trương Minh Hoàng, đây là chủ trương lớn, Quốc hội đã ra nghị quyết. Chủ trương này vừa là yếu tố cần có sự tham gia của người dân cùng bám biển theo nghĩa rộng hơn, bám biển lâu dài, bám xa chứ không phải bám biển ven bờ.
Ông Hoàng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng phải vào cuộc xem có việc lồng yếu tố phá hoại trong này không. Nghĩa là phá hoại chủ trương bằng cách làm “gãy gánh” chủ trương này dọc đường để người dân nản lòng, phá vỡ chủ trương bám biển.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT và các bộ liên quan nên có đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản để khi các phương tiện đánh bắt xa bờ, người ta biết ngư trường nào có nhiều hải sản để đánh bắt, để không chỉ bám biển mà còn đem lại thu nhập cho ngư dân.