Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Doanh nghiệp F&B ở TP.HCM trả mặt bằng

Trước sức ép về tài chính do dịch Covid-19, nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống tại TP.HCM đang đối mặt với tình trạng trả mặt bằng hàng loạt.

Doanh nghiep F&B tra mat bang anh 1

Trong đại dịch Covid-19, với những quy định chặt chẽ về cách ly xã hội và hạn chế đi lại cũng như tiếp xúc, ngành kinh doanh nhà hàng ăn uống (F&B) là lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ và rõ rệt nhất.

Với doanh thu gần như bằng 0, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ đã buộc phải đóng cửa và rời bỏ cuộc chơi. Trong khi đó, các chuỗi kinh doanh lớn cũng đang nhanh chóng đánh giá lại hiệu quả của từng mặt bằng, thu gọn bộ máy và tối ưu hóa các mặt bằng kinh doanh của mình.

Mới đây, cửa hàng The Coffee House Signature trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3) thông báo đóng cửa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây áp lực nặng nề lên tình hình kinh doanh.

Đóng cửa hàng biểu tượng

Đại diện The Coffee House Signature cho biết đây là động thái nằm trong chiến lược đóng cửa các cửa hàng kinh doanh không hiệu quả, đồng thời chuẩn bị cho mô hình mới thời gian tới mang tên The Coffee House Now.

"Việc đóng cửa cơ sở nằm trong lộ trình phát triển của chuỗi. Đây cũng là một trong những động thái nhằm tối ưu chi phí vận hành trong mùa dịch. Mình cắt giảm những thứ kém hiệu quả, chưa phù hợp để dồn lực cho những chuyển đổi mới", CEO The Coffee House Lê Bá Nam Anh nói với Zing.

Ngày 1/10, Starbucks Vietnam cũng thông báo đóng cửa chi nhánh Starbucks Rex tại địa chỉ 141 Nguyễn Huệ (quận 1). Chia sẻ với Zing, bà Partricia Marques, Tổng giám đốc công ty, cho biết cửa hàng ở khu vực trung tâm nhưng tính hiệu quả không đạt được như kỳ vọng.

"Các vấn đề đã xuất hiện từ một năm sau khai trương, khi đường Lê Lợi bị đóng lại để xây dựng tuyến metro. Quá trình thi công kéo dài nhiều năm hơn dự kiến, không tốt cho chúng tôi. Từ năm ngoái, chúng tôi lại mất thêm khách du lịch do chính sách đóng cửa du lịch khắp thế giới", bà Partricia Marques nói.

Doanh nghiep F&B tra mat bang anh 2

Những mặt bằng với vị trí trung tâm thường có giá thuê rất cao, song doanh thu không đạt như kỳ vọng. Ảnh: Chí Hùng.

Năm ngoái, chuỗi này cũng đóng một cửa hàng ở Đề Thám (quận 1) khi hết hạn hợp đồng do nhận thấy tiềm năng tăng trưởng ở đây không còn cao. Vị tổng giám đốc cho biết dự định sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh đến các khu vực đông dân cư.

Hồi tháng 5, chuỗi Soya Garden cũng đã quyết định đóng cửa hàng biểu tượng và cũng là cuối cùng ở thị trường TP.HCM, chỉ giữ lại 8 chi nhánh tại Hà Nội.

Đại diện Soya Garden khẳng định việc đóng cửa này là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc từ trước nhằm tối ưu chi phí mặt bằng và nhân công. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19, doanh nghiệp chịu nhiều tác động tiêu cực, còn người tiêu dùng dần chuyển sang đặt hàng trực tuyến, thì mặt bằng lớn càng trở thành gánh nặng.

Đóng cửa để tồn tại

Trao đổi với Zing, ông Hoàng Tùng, người sáng lập Cloud Cook và Pizza Home, cho rằng chi phí mặt bằng là một trong những gánh nặng lớn về tài chính đối với các chuỗi F&B trong suốt thời gian hơn 1 năm vừa qua khi dịch Covid bùng phát tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp F&B còn tồn tại được đến thời điểm hiện tại phần lớn đều đã phải chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng giảm thiểu tối đa chi phí mặt bằng, hoặc phải thương thuyết lại chi phí thuê mặt bằng. Mỗi doanh nghiệp sẽ có những giải pháp riêng.

"Với riêng chuỗi Pizza Home, từ năm ngoái chúng tôi đã làm việc với từng chủ nhà, xin đàm phán giảm giá", ông Hoàng Tùng nói.

Khi đóng một điểm bán, doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ tệp khách hàng ở khu vực đó cũng như chi phí đầu tư cơ sở vật chất, mất tiền đặt cọc mặt bằng, chưa kể là những ảnh hưởng liên quan đến thương hiệu, nhân sự

Ông Hoàng Tùng, chủ nhiều thương hiệu F&B tại TP.HCM

"Có những địa điểm thuê không thực sự hiệu quả, nếu không giảm được giá thuê thì càng kinh doanh càng lỗ, nhất là trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Việc đàm phán để giảm giá thuê là rất bình thường và cần thiết của người làm kinh doanh", ông Hoàng Tùng chia sẻ.

Ông cho biết may mắn phần lớn chủ cho thuê đều đồng ý miễn hoặc giảm giá thuê. Cũng có những chủ nhà không đồng ý giảm. Sau khi cân nhắc bài toán kinh doanh thấy duy trì điểm bán đó không còn thực sự hiệu quả nữa, doanh nghiệp quyết định cắt lỗ, chấp nhận trả lại mặt bằng, mất tiền cọc và tiền đầu tư cơ sở vật chất.

Vị này nhấn mạnh việc đóng cửa các cửa hàng là điều bất đắc dĩ. Khi đóng một điểm bán, doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ tệp khách hàng ở khu vực đó cũng như chi phí đầu tư cơ sở vật chất, mất tiền đặt cọc mặt bằng, chưa kể là những ảnh hưởng liên quan đến thương hiệu, nhân sự…

"Kinh doanh ai cũng muốn có quy mô lớn và có hệ thống điểm bán lớn. Cho nên trước quyết định đóng cửa cắt lỗ, tôi cũng phải cân đo đong đếm rất nhiều", ông Tùng chia sẻ thêm.

Những thương hiệu tranh thủ thời cơ

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Zing, một số doanh nghiệp F&B khác lại nhìn thấy cơ hội ở làn sóng trả mặt bằng này. Mới đây, Cheese Coffee công bố mở cửa một chi nhánh mới ở quận 1 (TP.HCM) với phong cách kiến trúc khác biệt. Trước đó, chuỗi này cũng lần lượt khai trương một số cửa hàng trong giai đoạn dịch bệnh.

Tương tự, Guta Cafe cũng đang tất bật sửa sang một số mặt bằng mới kiếm được để khai trương chi nhánh mới. Trong khi đó, chuỗi hải sản Vua Cua Bike lại đẩy nhanh nhượng quyền thương hiệu với tiêu chí về giá thuê mặt bằng thấp.

Chia sẻ với Zing, đại diện chuỗi cửa hàng cà phê, trà sữa, kem Chuk Chuk cho biết việc tìm kiếm mặt bằng lúc này có khó khăn do giãn cách xã hội làm kéo dài quá trình đàm phán với các chủ nhà.

Mặc dù vậy, đại dịch cũng khiến nhiều mặt bằng tốt bị bỏ trống và là cơ hội cho doanh nghiệp lấy lại. "Trước đây khoảng vài nghìn USD tiền thuê cho vị trí đẹp ở trung tâm, thì hiện nay chỉ còn khoảng phân nửa", vị này cho biết.

Doanh nghiep F&B tra mat bang anh 3

Một số doanh nghiệp lại coi Covid-19 là cơ hội để lấy mặt bằng đẹp. Ảnh: Chuk Chuk.

Đến nay, Chuk Chuk đã có 55 điểm bán hàng tại TP.HCM, trong đó dự kiến ra mắt 10 cửa hàng signature trong tháng 10. Đại diện thương hiệu cho biết ưu tiên tìm kiếm các mặt bằng đắc địa ở các trung tâm thương mại lớn và các quận trung tâm nhằm xây dựng thương hiệu. Hiện doanh nghiệp đã đàm phán thành công các mặt bằng ở Ngã 6 Phù Đổng, Hồ Con Rùa... và đang mở rộng sang các quận đông dân cư.

"Chúng tôi đang nỗ lực chinh phục 100 điểm bán trên địa bàn TP.HCM cho đến hết tháng 12 để tạo đà tiếp cận các thành phố và khu vực trọng điểm khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang... vào năm 2022", vị này nhấn mạnh.

Dù vậy, theo các doanh nghiệp, ngành F&B vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác hậu Covid-19 như chi phí nguyên liệu tăng cao, thiếu hụt nhân sự, sức mua của người tiêu dùng sụt giảm và những rủi ro về dịch bệnh khi kinh doanh.

"Dựa trên một số báo cáo và quan sát cá nhân, tôi nghĩ doanh nghiệp F&B sẽ mất ít nhất 3-6 tháng mới có thể phục hồi. Những người còn trụ lại được đến thời điểm này đã rất cố gắng rồi. Ba tháng cuối năm là mùa mua sắm cao điểm nhất trong năm, đó là cơ hội để doanh nghiệp có thể tung ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới để còn thở còn gỡ và hoàn thành kế hoạch năm", ông Hoàng Tùng nhận định.

Các ông lớn bán lẻ đàm phán giá thuê thế nào với chủ nhà?

Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ tại TP.HCM đang thay đổi chiến lược thuê mặt bằng do chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19.

Chủ nhà phố tại TP.HCM ráo riết chào mời khách thuê

Nhằm nhanh chóng tìm được khách thuê mới cho 3 tháng cuối năm, nhiều chủ mặt bằng ở TP.HCM đã miễn phí tiền thuê nhà tháng đầu, giảm tiền cọc, giảm giá thuê.

Hà Bùi - Lan Anh

Bạn có thể quan tâm