Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp dễ vay vốn 6% hơn người dân?

Thông điệp ngân hàng sẽ ưu tiên vốn cho doanh nghiệp trước, sau đó mới đến người dân khi triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng lãi suất 6%/năm đang làm dấy lên nhiều lo ngại.

Doanh nghiệp dễ vay vốn 6% hơn người dân?

Thông điệp ngân hàng sẽ ưu tiên vốn cho doanh nghiệp trước, sau đó mới đến người dân khi triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng lãi suất 6%/năm đang làm dấy lên nhiều lo ngại.

Không úp mở, thông điệp ưu tiên vốn trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ cho doanh nghiệp trước người dân được cả Ngân hàng Nhà nước và một số nhà băng chính thức được phát đi.

Ngân hàng đầu tiên cam kết giải ngân cho 10 doanh nghiệp (nhu cầu hơn 3.000 tỷ đồng) là Agribank cho biết, sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp để tạo nguồn cung cho thị trường. Đáng chú ý, thông báo phát đi của Agribank là sẽ kết thúc giải ngân trong gói 30.000 tỷ đồng đến hết ngày 1/6/2016, đồng nghĩa từ khi triển khai thực hiện đến khi kết thúc là 3 năm.

 

 Người có nhu cầu về nhà ở đang lo ngại, việc ưu ái doanh nghiệp được vay vốn 6%/năm trong gói 30.000 tỷ trước có thể khiến họ "hết cửa" mua nhà. Ảnh minh họa: Hoàng Anh.

Còn ông Trần Xuân Hoàng, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, ngay từ đầu, ngân hàng cũng xác định sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp để tăng nguồn cung, sau đó mới đến người dân đi vay vốn. Quan điểm của BIDV, là chắc chắn muốn người dân đi mua, doanh nghiệp đã phải có nhà để bán. “Số vốn tối đa cho khách hàng là người dân lên tới 21.000 tỷ đồng còn chưa tiêu hết, trong khi nguồn cung lại thiếu, nên các ngân hàng cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nâng mức cho vay doanh nghiệp lên, để làm sao trong suốt quá trình, tỷ lệ 30% cho doanh nghiệp và 70% cho người dân vẫn đảm bảo, nhưng nguồn cung vẫn đủ”, Phó tổng giám đốc BIDV nói.

Theo quy định, người dân được vay tối đa 21.000 tỷ đồng, nhưng đến nay, ngoài Agribank và BIDV đưa thông điệp sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp để tăng cung, thì tại phần lớn các chi nhánh ngân hàng, giải ngân cho khách hàng cá nhân vẫn chưa thực hiện được. Chính lãnh đạo BIDV cũng thừa nhận, sẽ phải cố gắng để giải ngân một vài món trong tháng 6 này, nhằm kích thích sự hào hứng tâm lý của khách hàng cũng như thị trường. Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh, để kiểm soát tốt nhất vốn đi đúng địa chỉ và không tạo nợ xấu, ngân hàng không dễ dãi mà vẫn sẽ xét duyệt đối tượng đi vay chặt chẽ nhất, cho vay đúng đối tượng.

Về tỷ lệ 30-70 trong triển khai gói 30.000 tỷ, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cam kết, sẽ có giải pháp kiểm soát tổng thể để điều tiết được tiền chỉ tối đa 9.000 tỷ cho doanh nghiệp và 21.000 tỷ cho người dân vay. “Không có chuyện ngân hàng dành ưu đãi nhiều cho doanh nghiệp, chúng tôi đã có phương án đảm bảo kiểm soát được việc cấp vốn cho doanh nghiệp chỉ nhiều nhất 30%”, ông Mạnh khẳng định. Dù thế, theo lãnh đạo Vụ Tín dụng, tùy từng thời điểm, tỷ lệ có thể thay đổi song xét về tổng thể, tỷ lệ 30-70 vẫn được đảm bảo.

Hiện tại, một số ngân hàng thương mại đang có hiện tượng phân bổ số tiền cho doanh nghiệp vay là 60%, người mua nhà được hưởng 40% trong 2-3 năm đầu tiên sau đó mới giảm dần vào năm thứ tư với tỷ lệ tương ứng là 30-70%. Điều này khiến cho nhiều người băn khoăn về việc rót vốn cho những người thật sự có nhu cầu về nhà ở.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Tín dụng cho biết, về tổng thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý tỷ lệ cho vay khách hàng doanh nghiệp tối đa là 30% trong toàn bộ chương trình thay vì chia đều và kiểm soát tại từng ngân hàng. Ông cũng bày tỏ, các ngân hàng có thể căn cứ đối tượng đi vay để có kế hoạch cho từng giai đoạn, chẳng hạn ban đầu đẩy mạnh cho doanh nghiệp, sau đó mới đến cá nhân.

Để rộng cửa hơn cho người mua nhà là khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, một số ngân hàng kiến nghị cần tăng thêm tỷ lệ cho vay đối với những đơn vị xây nhà xã hội, thay vì tối đa 9.000 tỷ đồng. Đại diện đơn vị song song với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn triển khai gói 30.000 tỷ là Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, trước mắt, chưa cần kíp phải có thêm gói 30.000 tỷ thứ hai hay thứ ba. Ông phân tích, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chung chỉ gần 3% sau 5 tháng, thì bản thân mức tăng trong bất động sản, thậm chí tính riêng phân khúc nhà thu nhập thấp đã lên tới 15%.

“Hiện, cũng đã có nhiều ngân hàng thương mại rục rịch ‘ăn theo’ gói 30.000 tỷ, hạ lãi suất, cạnh tranh để thu hút khách, thêm vào đó là phần vốn 20% do người mua nhà đóng góp”, lãnh đạo Bộ Xây dựng tiết lộ. Ông cũng cho rằng, sau 3 năm thực hiện gói hỗ trợ này, Chính phủ có thể nghĩ tới việc có một gói khác tương tự, còn vấn đề chính hiện nay, chưa nên lo ít hay nhiều, mà nên lo làm sao giải ngân cho tốt, đúng điều kiện, đúng địa chỉ, đối tượng để vốn đến tay người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, với người dân và giới chuyên gia, việc minh bạch tỷ lệ 30-70 khi triển khai gói 30.000 tỷ cần thiết phải được công bố. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trong lần trò chuyện với phóng viên một ngày sau khi gói hỗ trợ được triển khai, đã bày tỏ lo ngại về tỷ lệ 30% cho doanh nghiệp và 70% cho khách hàng cá nhân bị làm “méo mó”. Ông cũng cho rằng, nếu không kiểm soát tốt và để ngỏ lỗ hổng, thì không tránh được nguy cơ ngân hàng lại tuồn vốn cho công ty “sân sau” để giải quyết các vấn đề của chính mình.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm