Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp đang phải sống và làm việc theo… thông tư

Nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng vấn nạn giấy phép con cùng các văn bản dưới luật chồng chéo đã được nhắc nhiều nhưng vẫn chưa thấy tình hình cải thiện.

Tại buổi gặp gỡ của đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân chiều 3/10, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM bức xúc: “Xưa nay chúng ta vẫn hay nói sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, nhưng hiện tại chúng tôi đang sống và làm việc theo… nghị định và thông tư”.

Vị này cho rằng qua 2 năm cải cánh hành chính, tuy có nhiều cái được nhưng còn chậm, còn cản trở. Điều này khiến doanh nghiệp ngán ngẩm.

Cụ thể, doanh nghiệp đang phải "thuộc" 1.645 thủ tục hành chính của Bộ Tài Chính, 678 thủ tục hành chính Bộ Tư pháp, 569  thủ tục hành chính thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 548 thủ tục ở Bộ Công Thương đối với loại hình hoạt động kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp. Đây là “ma trận” để doanh nghiệp phải đối đầu.

doanh nghiep TP HCM gap go chu tich nuoc anh 1
Đại diện doanh nghiệp đưa ra kiến nghị tại buổi gặp gỡ. Ảnh: VOV

“Nếu luật càng chi tiết thì không cần Nghị định. Nghị định càng chi tiết thì không cần thông tư, đây là điều doanh nghiệp mong muốn” - ông Bé cho hay.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, nêu quan điểm, chính sách của Nhà nước nếu không tốt hơn thì cũng bằng với các nước mà Việt Nam đã và sẽ tham gia các hiệp định thương mại. Điển hình là thủ tục hành chính, thuế, vốn, lãi suất, quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…

Ông Minh cho rằng Nghị quyết hợp lòng doanh nghiệp nhưng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống. Giống như “nút thắt cổ chai”, vì nhiều cơ quan quản lý nhà nước triển khai không sát với tinh thần.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP.HCM thì cho rằng nhiều thủ tục vẫn qua lắm cửa. Như việc xin phép đánh giá tác động môi trường ở Sở Tài Nguyên Môi trường mất 2,3 tháng, thay vì trước đây có thể liên lạc Ban quản lý công nghệ cao. Hay thủ tục xây dựng phải đăng ký Sở Xây dựng mất 1,2 tháng, phòng cháy chữa cháy 1 tháng. Cộng hết phải mất 6 tháng nếu muốn mở rộng kinh doanh, xây dựng xí nghiệp mới. Trong khi thực tế chỉ cần gom những  thủ tục này vào 1 nơi như Ban quản lý Khu công nghệ cao là đủ .

Chia sẻ với Chủ tịch nước, nhiều doanh nghiệp lại băn khoăn về sức ép của khối ngoại, đặc biệt là sự trỗi dậy của người Thái ngay thị trường Việt Nam.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Saigon Food, lo ngại người Thái đang sở hữu hầu hết các kênh bán lẻ tại Việt Nam, sức ép họ tạo nên ngày một lớn. Để chống đỡ, các doanh nghiệp Việt chỉ có cách duy nhất là liên kết lại. Tuy nhiên đến nay không hiểu vì lý do gì mà doanh nghiệp trong nước ít khi ngồi lại với nhau để tìm cách phát triển.

“Hàng của Thái Lan có nhiều nét tương đồng, khẩu vị cũng gần như nhau nên rất cạnh tranh. Họ đang nắm lợi thế về kênh phân phối và giá thành rẻ, vì chủ động được nguyên liệu” - bà Lâm chia sẻ.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng tiếp thu các ý kiến góp ý, kiến nghị đầy tâm huyết, có trách nhiệm của các doanh nghiệp, doanh nhân. Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo quyết liệt giải quyết những kiến nghị thuộc thẩm quyền. Những kiến nghị liên quan đến các bộ, ngành Trung ương sẽ được phản ánh kịp thời tới Quốc hội, để chỉ đạo các bộ, ngành sớm có những sửa đổi, bổ sung, giải quyết kiến nghị và thông báo cho doanh nghiệp.

Chủ tịch nước nhấn mạnh doanh nghiệp, doanh nhân là bộ phận chủ yếu tạo ra của cải, vật chất cho xã hội; có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, đi cùng với đó là không ít khó khăn, thách thức: Sức ép cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.

"Đảng, Nhà nước đã, đang và cam kết sẽ tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, không ngừng phát triển, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…" - Chủ tịch nước nêu rõ.


 


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm