Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp châu Á xoay xở trước chính sách kinh tế ông Trump

Các doanh nghiệp châu Á đối mặt nguy cơ bị áp thuế xuất khẩu vào Mỹ cao hơn và giảm hoạt động đầu tư vào pin, xe điện trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.

Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều doanh nghiệp châu Á. Ảnh: Reuters.

Vài năm qua, với những chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp và thương mại của chính quyền Biden, nhiều công ty châu Á đã mở rộng hoạt động tại Mỹ để tận dụng nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và hưởng lợi từ các ưu đãi này, theo Reuters.

Tuy nhiên, qua những chính sách kinh tế cam kết thực hiện trong quá trình vận động tranh cử, những thay đổi về chính sách trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông Donald Trump dự báo tác động rất lớn đối với tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp châu Á, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bán dẫn, pin, xe điện và các công ty đến từ Trung Quốc.

Các nhà sản xuất chất chip

Trong nhiệm kỳ tổng thống vừa qua, ông Joe Biden đã đưa ra Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022 nhằm thực hiện các ưu đãi để thúc đẩy sản xuất bán dẫn tiên tiến tại Mỹ. Điều này đã giúp nhiều nhà sản xuất châu Á đầu tư hàng tỷ USD vào quốc gia này.

Các nhà sản xuất chip châu Á, dẫn đầu là TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung Electronics của Hàn Quốc, đã công bố kế hoạch đầu tư ít nhất 117 tỷ USD vào Mỹ nhờ sáng kiến của chính quyền ông Biden nhằm giảm sự phụ thuộc vào châu Á cho các nhu cầu chip hiện đại.

Trong đó, TSMC đã thông báo sẽ mở rộng khoản đầu tư theo kế hoạch lên đến 65 tỷ USD và mở thêm một nhà máy thứ 3 tại Arizona (Mỹ) vào năm 2030 để sản xuất chip.

Đổi lại, TSMC đã nhận được hoặc được cam kết các khoản trợ cấp và hỗ trợ tài chính tối thiểu 18,85 tỷ USD, theo tính toán của Reuters.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã chỉ trích đây là một "thỏa thuận tồi" và cho rằng Đài Loan “đã cướp ngành công nghiệp chip” của nước Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh rằng áp thuế cao sẽ là cách hiệu quả hơn để buộc các công ty này xây dựng nhà máy tại Mỹ thay vì chi hàng tỷ USD ưu đãi.

“Chiến thắng của Trump có thể đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất chip châu Á từ Đài Loan đến Hàn Quốc cần đầu tư nhiều hơn vào Mỹ để tránh trở thành mục tiêu bị nhắm tới. Trump có thể sử dụng chính sách hoặc các biện pháp khác để gây áp lực buộc các nhà sản xuất chip như TSMC chuyển thêm dây chuyền sản xuất chip tiên tiến sang Mỹ”, Brady Wang, nhà phân tích công nghệ tại Counterpoint Research, nhận định trên Nikkei Asia.

Theo CW Chung, nhà phân tích cấp cao tại Nomura, trong số các công ty Hàn Quốc, Samsung có thể chịu áp lực lớn hơn từ chính quyền Trump so với SK Hynix.

“Samsung đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng các nhà máy ở Mỹ. Tập đoàn đang điều chỉnh khoản đầu tư do thiếu khách hàng nhưng họ không thể làm khác nếu Trump gây áp lực”, Chung nói. “Trong khi đó, khoản đầu tư của SK Hynix tương đối nhỏ và chỉ liên quan đến quá trình sản xuất cuối, nên dự án có thể diễn ra theo kế hoạch”.

Ông cũng cho biết thêm ông Trump có thể không áp dụng mức thuế cao đối với chip nhớ vì cả 3 nhà sản xuất lớn như Samsung, SK Hynix và Micron Technology đều sản xuất bên ngoài Mỹ.

Chủ tịch TSMC, Cliff Hou, cũng là Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đài Loan, cho biết ngành công nghiệp chip của Đài Loan và Mỹ luôn có mối quan hệ tốt và ông kỳ vọng quan hệ giữa hai bên sẽ không thay đổi.

Tuy nhiên, một trong những lo lắng lớn nhất đối với các công ty bán dẫn châu Á lúc này là sự thay đổi trong chính sách của ông Trump. Hiện chưa rõ liệu ông Trump có hủy bỏ đạo luật Đạo luật CHIPS trong nhiệm kỳ tổng thống của mình hay không.

“Đây là một chủ đề rất khó để chuẩn bị. Tất nhiên chúng tôi đã thảo luận về nó, nhưng không thể vạch ra bất kỳ kế hoạch cụ thể nào. Tổng thống Trump thay đổi liên tục và bất kỳ sự chuẩn bị trước nào cũng khó có thể thích ứng với những thay đổi đó”, một lãnh đạo ngành chip chia sẻ với Nikkei.

Dù vậy, công ty chuyên sản xuất tấm bán dẫn silicon GlobalWafers của Đài Loan cho biết vẫn kỳ vọng các gói ưu đãi sẽ được duy trì dưới chính quyền ông Trump.

Các nhà sản xuất pin và xe điện

Không chỉ ngành bán dẫn, ông Trump trước đó cũng đe dọa áp thuế 200% lên một số ôtô nhập khẩu, đặc biệt là xe từ Mexico. Mức thuế quan này sẽ ảnh hưởng đến nhiều nhà sản xuất ôtô châu Á, bao gồm Honda, Nissan và Kia.

Giám đốc điều hành Honda Shinji Aoyama cảnh báo sẽ có tác động lớn vì 80% sản lượng xe hãng này nhập vào Mỹ đến từ Mexico. Vì vậy, nếu ông Trump triển khai kế hoạch thuế quan này và duy trì lâu dài, Honda phải cân nhắc chuyển sản xuất sang Mỹ hoặc một quốc gia không chịu thuế.

Đối với lĩnh vực pin xe điện, các nhà sản xuất pin Hàn Quốc và Panasonic của Nhật Bản với nhiều nhà máy sản xuất pin xe điện ở Mỹ đang chuẩn bị cho khả năng chính sách năng lượng sạch của Tổng thống Biden bị thu hẹp và các quy định về khí thải được nới lỏng, theo Reuters.

Cụ thể, các công ty Hàn Quốc đã đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp pin tại Mỹ, với các doanh nghiệp như LG Energy Solution và SK On xây dựng nhà máy tại Arizona, Georgia và Michigan.

tong thong trump anh 1

LG Energy Solution là một trong những doanh nghiệp pin xe điện đầu tư nhà máy tại Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, nhu cầu về xe điện không mạnh như dự đoán và nếu chính quyền ông Trump cắt giảm trợ cấp từ Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) như tuyên bố trong quá trình tranh cử trước đó, điều này có thể gây thiệt hại tài chính đối với các công ty châu Á.

LG Energy cho biết đã nhận thấy rủi ro đối với các kế hoạch tại Mỹ do doanh số bán xe điện thấp hơn kỳ vọng và khả năng ông Trump bãi bỏ các chính sách ưu đãi xe điện hiện tại.

Ngoài ra, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng nói sẽ loại bỏ khoản ưu đãi thuế 7.500 USD cho người mua xe điện, có thể ảnh hưởng đến doanh số tiêu thụ loại phương tiện này.

Tuy nhiên, các hạn chế của Mỹ đối với pin xe điện Trung Quốc có thể tiếp tục hoặc bị siết chặt dưới thời chính quyền ông Trump, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất Hàn Quốc.

Các công ty từ Trung Quốc

Hiện tại, các doanh nghiệp Trung Quốc đang chờ xem liệu ông Trump có thực hiện lời đe dọa sẽ áp thuế tối thiểu 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hay không, điều này có thể khởi động một cuộc chiến thương mại mới giống như nhiệm kỳ trước đó của ông Trump.

Cuộc chiến thương mại này đã ảnh hưởng đến nhiều ngành, sản phẩm, với giá trị hàng hóa hơn 200 tỷ USD. Chính quyền Biden đã giữ nguyên hầu hết mức thuế này.

tong thong trump anh 2

Huawei là một trong những doanh nghiệp Trung Quốc chịu ảnh hưởng lớn từ các chính sách ông Trump đưa ra trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Ảnh: Bloomberg.

Một số công ty Trung Quốc cũng bị kiểm soát xuất khẩu dưới thời tổng thống Trump với lý do an ninh quốc gia, như Huawei Technologies bị cấm mua các chip cao cấp, gây thiệt hại lớn cho mảng kinh doanh điện thoại thông minh. Các công ty công nghệ Trung Quốc khác bị nhắm đến bao gồm ByteDance và Tencent khi các ứng dụng mạng xã hội TikTok và WeChat có nguy cơ bị cấm hoạt động tại Mỹ.

Một số nhà xuất khẩu Trung Quốc đang lên kế hoạch đẩy nhanh việc di dời hoặc mở nhà máy bên ngoài Trung Quốc để đối phó với sự trở lại của ông Trump. Tuy nhiên, một số lãnh đạo công ty công nghệ Trung Quốc tin rằng cách tiếp cận mạnh mẽ của ông Trump có thể mang lại lợi thế cho họ bởi các nỗ lực của Mỹ nhằm làm chậm tiến trình công nghệ của Trung Quốc có thể không nhận được sự ủng hộ từ quốc tế.

Nazak Nikakhtar, cựu quan chức Bộ Thương mại dưới thời ông Trump cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ quyết liệt hơn nhiều trong các chính sách kiểm soát xuất khẩu với Trung Quốc.

Ông Trump đắc cử tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Là một trong những nền kinh tế tiềm năng nhất thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng các quan hệ thương mại để tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Donald Trump.

Fed cắt giảm thêm lãi suất vì lo ngại chính sách kinh tế ông Trump

Ngày 7/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất thêm 0,25 điểm %, do lo ngại các chính sách kinh tế mới của Trump có thể khiến lạm phát tại Mỹ gia tăng.

Chính sách kinh tế của ông Trump tác động thế giới ra sao?

Ông Trump cam kết giúp kinh tế Mỹ bùng nổ trở lại, thông qua các chính sách như giảm thuế trong nước, tăng thuế nhập khẩu và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm