Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đến hết năm 2020, Chính phủ đã ban hành 95 văn bản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động với 4 gói chính sách lớn nhất, gồm 250.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng, 180.000 tỷ hỗ trợ giãn hoãn nộp thuế, 16.000 tỷ cho vay lãi suất 0% và 62.000 tỷ hỗ trợ an sinh xã hội.
Tuy nhiên, chia sẻ tại một hội thảo mới đây ở Vĩnh Phúc, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang đánh giá hiệu quả của những chính sách này không như mong đợi do còn vướng nhiều điều kiện, thủ tục phức tạp, thiếu tính thực tế.
Bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết đa số doanh nghiệp không được hưởng các chính sách hỗ trợ người lao động vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm như số lao động nghỉ việc hay doanh thu.
Doanh nghiệp cho rằng các chính sách hỗ trợ Covid-19 vừa qua còn thiếu thực tế. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Các điều kiện kèm theo đó rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được để có nguồn tài chính hỗ trợ từ phía nhà nước vì quá khó và chặt chẽ. Trong các văn bản sửa đổi và hướng dẫn Chính phủ chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện đảm bảo để nhận hỗ trợ. Như vậy, có thể nhận thấy, chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống", bà khẳng định.
Xét về các biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng, doanh nghiệp vẫn phải chịu mức lãi suất cao, thời gian cơ cấu trả nợ ngắn, đồng thời các gói vay mới cũng có nhiều điều kiện khó tiếp cận.
Do đó, hiệp hội này đề nghị đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục cho vay, linh hoạt tài sản thế chấp. Các điều kiện bảo lãnh tín dụng cần nới lỏng hơn vì hiện nay bảo lãnh tín dụng chặt chẽ hơn điều kiện vay ngân hàng.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Thập còn cho rằng việc ngân hàng vừa cho vay vừa định giá không khác gì "vừa đá bóng vừa thổi còi".
"Vậy có công bằng không? Có đúng giá trị khi đưa vào thế chấp không? Đề nghị ngân hàng thuê các đơn vị định giá động lập, và các kết quả đó sẽ là yếu tố để ngân hàng giải ngân cho doanh nghiệp vay", ông nêu quan điểm.
Ông cũng đề nghị xem xét lại thực trạng các tài sản công nghệ, dây chuyền sản xuất không được coi trọng khi đem đi thế chấp do cán bộ ngân hàng không đủ năng lực đánh giá những tài sản này.
Về vấn đề nợ xấu, ông cho biết đây không chỉ là khó khăn của doanh nghiệp trong Covid-19 mà còn kéo dài suốt nhiều năm qua. Khi doanh nghiệp có lịch sử nợ xấu thì không bao giờ tiếp cận được nguồn vốn.
"Tôi mong Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem lại chính sách, hỗ trợ những doanh nghiệp có nợ xấu nhưng đã hoàn trả cả vốn lẫn lãi", ông nói thêm.
Mặc dù vậy, theo bà Vũ Thị An, Giám đốc công ty tư vấn thuế C&A, sự khiêm tốn trong hiệu quả thực thi của các chính sách một phần do tiềm lực tài chính quốc gia còn hạn chế, hàng năm số thu không đủ chi, khiến các gói hỗ trợ về thuế chủ yếu mang tính chất an ủi, “nhân văn”.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, bà kiến nghị không nên phân biệt doanh thu mà dựa trên loại hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng để có chính sách riêng. Và hơn hết, điều doanh nghiệp mong mỏi lớn nhất là các nhà làm chính sách "thương và tin doanh nghiệp hơn".