Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến

Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc chuyển sang các nền tảng số để xuất khẩu không còn là lựa chọn, mà là điều bắt buộc để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại và phát triển.

Trước đây, 80% nguồn thu của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiên Thuận đến từ thị trường nội địa, còn lại là xuất khẩu. Nhưng hiện nay, ông Đỗ Tuấn Lương, phó giám đốc, cho biết tỷ lệ này đã đảo ngược. Doanh thu bán hàng trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com đã đạt 1 triệu USD.

"Không thể phủ nhận rằng thương mại xuyên biên giới thông qua các nền tảng trực tuyến hiện nay đang là giải pháp hữu hiệu, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn không chỉ trong thời điểm đại dịch bùng phát mà ngay cả trong tương lai”, ông chia sẻ.

Thực tế, theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), việc chuyển sang các nền tảng kỹ thuật số để xuất khẩu không còn là lựa chọn, mà là điều bắt buộc để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại và phát triển.

xuat khau truc tuyen anh 1

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến. Ảnh: Cục XTTM.

Ba hiệp định thương mại tự do được ký kết vào năm ngoái với Liên minh châu Âu (EVFTA), khu vực ASEAN và các đối tác (RCEP), và Anh (UKVFTA) đồng thời mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chuyển đổi số để “xuất khẩu trực tuyến”, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng các giải pháp và công nghệ tiên tiến.

Theo đại diện Alibaba.com, điểm mạnh của các nhà bán hàng Việt Nam là năng lực sản xuất ngày càng cải thiện về chất lượng và số lượng, danh mục sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và định hướng tăng cường tập trung vào xuất khẩu. Một số ngành hàng đã có mức tăng trưởng ấn tượng là thực phẩm, đồ uống, nhà, vườn và xây dựng.

Do đó, từ tháng 8/2020, Cục XTTM đã phối hợp với Alibaba.com hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhanh hơn vào các nền tảng TMĐT để thiết lập phạm vi hoạt động toàn cầu, tiếp cận các giải pháp được thiết kế riêng để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh, và các dịch vụ phù hợp để tăng cường khả năng về TMĐT.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM cho biết năm 2020 đã tổ chức các lớp đào tạo tại 5 tỉnh, TP lớn, có nhiều khu công nghiệp quan trọng và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tiềm năng là Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM.

Trên 1.000 doanh nghiệp đã đăng ký đào tạo, hơn 300 doanh nghiệp tham gia tư vấn xuất khẩu, nâng cao năng lực TMĐT và hơn 50 doanh nghiệp tiềm năng sẽ lên sàn thành công trong các ngành nông sản, thuỷ hải sản, đồ gỗ, thực phẩm chế biến đóng gói...

Các lớp đào tạo tiếp theo tại Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hải Dương, Sơn La, Quy Nhơn và Buôn Mê Thuột dự kiến được tổ chức vào đầu năm nay.

Bên cạnh TMĐT, theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) - một hướng chuyển đổi số khác mà doanh nghiệp có thể tận dụng trong giai đoạn hiện nay là truyền hình số và nội dung số, trong đó hình ảnh thương hiệu cần được chú trọng cả về chất lượng, thẩm mỹ và đảm bảo tạo ra sức hút đối với người tiêu dùng.

Bởi lẽ đó, VECOM mới đây cũng hợp tác cùng MCV Group và Liên minh Chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số theo 5 nhóm thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, đào tạo và truyền hình.

Để đón đầu quá trình chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục XTTM tập trung nghiên cứu, triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tiến hành các hoạt động cụ thể và thực tiễn nhằm đồng hành hiệu quả nhất với doanh nghiệp.

Trước mắt, nhiều đơn vị như Kiên Thuận đã sớm thành công trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là xuất khẩu trực tuyến. Bà Trần Thị Yến Phi, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH DSW cho biết, nếu đơn hàng đầu tiên có được qua Alibaba.com trị giá 3.000 USD, thì sau 1 năm, doanh nghiệp đã đạt mức doanh thu 260.000 USD.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm