Đầu tháng 3, đoàn xiếc Rony Roller di chuyển tới Corcolle, ngoại ô thủ đo Rome của Italy. Sau khi quốc gia Nam Âu ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc vì đại dịch, gánh xiếc mắc kẹt lại thị trấn này. "Chúng tôi mắc kẹt tại đây", Daniela Vassallo, người chủ đoàn xiếc 52 tuổi, nói. Một con lạc đà tên Giulio, bằng cách nào đó, đã xổng ra ngoài, buộc Vassallo phải tìm cách đưa nó trở về chuồng. Ảnh: New York Times. |
Gia đình Vassallo làm chủ đoàn xiếc trong 29 năm. Những tháng gần đây nhất được Vassallo miêu tả là thời gian ít hoạt động nhất của đoàn xiếc, do đại dịch Covid-19. Vassallo và các thành viên đoàn xiếc dành phần lớn thời gian bên trong khu trại nằm giữa cánh đồng ở Corcolle. Ảnh: New York Times. |
Gia đình sở hữu nhà đất và tài sản ở Latina, cách nơi đoàn xiếc lưu lại khoảng 70km. Đầu tháng 5, khi các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng, đoàn xiếc có thể trở về Latina. Thế nhưng, Vassallo cho biết Latina lúc này đông nghẹt các đoàn xiếc và thú vật, trong khi các thành viên đoàn xiếc sợ cảm giác trở về nhà một mình. Vì vậy, các thành viên của Rony Roller quyết định tiếp tục thuê mảnh đất ở Corcolle và duy trì tập luyện. "Tốt nhất là chúng tôi nên ở bên người của mình", Vassallo nói. Ảnh: New York Times. |
Mặc dù vậy, các thành viên của Rony Roller đều lo lắng bởi họ không thực sự có mục tiêu cho việc tập luyện. Vassalo cho biết chính phủ Italy đã không đề cập tới sự hoạt động của các đoàn xiếc. "Họ nói về sân khấu, về nhạc kịch, về điện ảnh, nhưng họ chưa bao giờ đề cập tới xiếc. Chúng tôi hoàn toàn vô hình, không có quyền lực chính trị, và có ít ảnh hưởng kinh tế hơn bao giờ hết. Chúng tôi bị bỏ mặc và phải chờ đợi", bà Vassallo nói. Ảnh: New York Times. |
Chính phủ Italy không có sắc lệnh cụ thể đề cập về các rạp xiếc, tuy nhiên các buổi biểu diễn sân khấu nói chung bị cấm cho tới ngày 15/6. Sau đó, hoạt động biểu diễn chỉ được cho phép với ghế ngồi của khán giả cách nhau ít nhất 1 m. Số khán giả bị giới hạn là 1.000 người ở ngoài trời, và 200 người trong không gian kín, ví dụ trong nhà hát hoặc trong lều biểu diễn. Ảnh: New York Times. |
"Chúng tôi quyết định sẽ không hoạt động trong điều kiện như vậy", bà Vassallo nói. Người chủ gánh xiếc 52 tuổi cho biết không thể tưởng tượng những buổi trình diễn mà thiếu đi đám đông khán giả, thứ bà miêu tả là "điều kỳ diệu", cũng như lợi nhuận từ việc bán bỏng ngô và kẹo bông. Đoàn xiếc 30 người giờ dành thời gian tập luyện, và làm quen với việc người dân địa phương đi ngang qua ngắm nghía những con thú của đoàn. Ảnh: New York Times. |
Đã không hoạt động từ giữa tháng 3, tuy nhiên đoàn xiếc vẫn phải trang trải nhiều chi phí, trong đó có tiền thức ăn cho các con vật. Thịt cho 4 con hổ của đoàn hoàn toàn do Rony Roller bỏ tiền mua. Mặc dù vậy, cỏ khô và ngũ cốc khác được một hiệp hội nông nghiệp quyên góp. Caritas, tổ chức từ thiện của Nhà thờ Công giáo, cũng phát voucher giúp những người biểu diễn đường phố có thể nhận đồ ăn miễn phí. Ảnh: New York Times. |
Trong hàng thập kỷ, sự xuất hiện của các đoàn xiếc lưu diễn là một sự kiện lớn ở các vùng xa xôi của Italy. Thế nhưng, sự phấn khích của người dân trước các đoàn xiếc đã dần phai mờ. Năm ngoái, sự kiện một người thuần dưỡng thú bị 4 con hổ giết chết đã làm dấy lên cuộc thảo luận tại quốc hội Italy về việc cấm biểu diễn xiếc thú. Ảnh: New York Times. |
Bà Vassallo cho biết các đoàn xiếc khắp thế giới đang mắc kẹt giữa những biện pháp phong tỏa. Đoàn xiếc Togni với hơn 150 năm biểu diễn mắc kẹt tại Palermo, các nghệ sĩ nộp đơn xin thất nghiệp trong thời gian tập luyện và cầu nguyện dịch bệnh sớm qua. Trong khi đó, nhiều họ hàng của bà Vassallo làm việc trong ngành biểu diễn xiếc cũng lâm vào tình cảnh tương tự tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Nga. "Tôi nhớ những tràng vỗ tay, căn lều lớn, màu sắc của ánh đèn. Mọi thứ giờ đã biến mất", bà Vassallo nói. Ảnh: New York Times. |