Ở tuổi 20, Đoàn Văn Hậu đã đi hành trình dài từ chiếc giường tầng có tấm áo ngăn nước tiểu tới Hà Lan, một trong những quốc gia có nền bóng đá vĩ đại.
Đúng 4h30 sáng, ông Đoàn Quốc Thắng rời khỏi nhà. Ông sẽ bắt xe đò lúc 5h sáng - chuyến sớm, xe cũ, đi dọc Hưng Hà, qua Phủ Lý, xuôi về Hà Nội. Ông về bến Mỹ Đình lúc 7h. Từ đây, bắt thêm một cuốc xe ôm độ 20.000 đồng, ông đi về ngôi trường nhỏ đối diện khu liên hợp thể thao Mỹ Đình.
Cung đường này, ông đã đi cả trăm lần trong đời, tuần nào cũng vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa. Hôm ấy, ông không vào trường học. Cuốc xe ôm đưa ông xuyên qua những đoạn ngoằn ngoèo, nhiều chỗ còn cả đá dăm, vòng ra phía sau sân Mỹ Đình. Tài xế thả ông ở cửa khu B.
Lần này, ông lên Hà Nội vì việc khác.
Đã 4 năm kể từ ngày cậu bé Đoàn Văn Hậu đặt bước chân đầu tiên trên con đường cầu thủ chuyên nghiệp. 4 năm, ông Thắng mới trải qua một ngày như hôm nay.
Đã qua nhiều cuộc họp, nhiều lần nói chuyện với thầy Việt (HLV Vũ Hồng Việt), thầy Hà (HLV Triệu Quang Hà), ông chỉ thấy người ta khen con mình ngoan, chăm chỉ, đá bóng giỏi. Thỉnh thoảng, họ bảo thằng bé nóng tính, nhưng không một ai chê nó hư, chẳng ai dám nói nó không ngoan. Chỉ có lần này, nó mắc tội lớn.
Đó là cái tội mê điện tử.
Thằng bé lớp 9 mê mẩn đến mức bỏ học, trốn trại đi thâu đêm. HLV Vũ Hồng Việt là người đầu tiên phát hiện ra chuyện. Ngày nhận điện thoại từ thầy Việt, ông Thắng buồn rũ cả người.
Ông nhớ lại cái ngày 2 bố con chân ướt chân ráo lên Hà Nội. Chính thầy Việt nói chuyện cùng ông. Thầy bảo ông “ở lại đây hôm nay, trưa xuống bếp ăn cơm cùng, ở đây để xem các cháu sinh hoạt, mọi thứ thế nào”. Ông vẫn nhớ Hà Nội cái gì cũng tốt, cái gì cũng hơn ở Thái Bình. Ông tự nhủ con mình được ở đây là tốt rồi. Nó sẽ nên người.
Ông kể: “Khi phát hiện ra năng khiếu của Hậu, thầy Việt đã dìu dắt hắn từ đấy. Mỗi đợt mình lên họp phụ huynh, thầy Việt đều nói thầy không ngờ rằng Hậu chỉ chơi bóng ở quê mà đã giỏi thế này. Cả khi lên Hà Nội, sau mỗi buổi tập, Hậu cũng nán lại, chạy một mình, chơi với bóng”.
Hôm nay, vẫn thầy Việt, nhưng chẳng còn là chuyện vui.
Ông Việt hỏi Hậu: “Bây giờ bố em lên đây rồi. Thầy chỉ hỏi là giờ em muốn thế nào? Nếu em muốn theo nghiệp quần đùi áo số thì em phải phấn đấu ra sao? Còn nếu em muốn về nhà thì điều đó tùy thuộc vào gia đình. Ở lại làm cầu thủ hay về quê chơi điện tử?”.
Ông Thắng nhớ lại: “Thầy Việt chỉ hỏi đúng một câu. Sau ngày hôm ấy, hắn thay đổi hẳn. Hắn xin lỗi bố, xin lỗi thầy, hắn xin thầy cho hắn được ở lại và hứa sẽ sửa lại lỗi lầm. Từ đó về sau, hắn tự động bỏ ‘game’, không tơ hào gì nữa”.
Đó là chuyện của năm 2014.
Nếu không phải người am tường bóng đá Việt, không nhiều người để ý tới Thái Bình. Trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, Thái Bình là một khoảng trắng. Tỉnh Thái Bình không có đội V.League, chẳng có đội Hạng nhất, cũng không có đại diện nào ở Hạng nhì.
Dưới chân đế, Thái Bình sở hữu hệ thống đào tạo nhi đồng đáng nể. U11 Thái Bình 4 lần vào bán kết giải quốc gia sau 7 năm gần nhất, trong đó có 3 lần giành HCB.
Nguồn kinh phí hạn hẹp khiến Thái Bình không thể phát triển các lứa U lớn hơn. Tuy nhiên, tiềm năng của cầu thủ Thái Bình đã sớm được thừa nhận rộng rãi. Nguyễn Tuấn Anh, Trần Minh Vương, Đặng Văn Tới là một vài cái tên Thái Bình đang góp mặt ở các đội tuyển quốc gia. Một trong số đó là Đoàn Văn Hậu.
Cậu bé sinh năm 1999 trưởng thành từ đội bóng xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà. Ông Phạm Văn Thoan, người thầy đầu tiên của Hậu ở đội bóng xã Hồng Minh, nhớ lại: “Ngày ấy, Hậu da đen xỉn, người xương xương, trông quê quê chứ không trắng trẻo, phong độ như bây giờ đâu. Ngày còn học lớp 4, Hậu đá với các anh lớp 5 mà đã thấy rõ sự nhỉnh hơn. Một thằng bé mới 10 tuổi mà biết quan sát đồng đội để chuyền bóng, biết sút cầu môn sao cho chính xác và hiệu quả”.
Có Văn Hậu, đội bóng Nhi đồng Hồng Minh vô địch tỉnh Thái Bình 2 năm liền (2009, 2010). Bản thân Văn Hậu được gọi lên đội hình U11 Thái Bình. Các thầy ở Trường Năng khiếu Thể dục Thể thao Thái Bình về tận nhà Hậu 3 lần. Thuyết phục ông Thắng 2 lần không được, họ lặng lẽ lên trường, cả gan tự làm thủ tục chuyển trường cho Văn Hậu. Lần thứ ba tới nhà Hậu, họ chìa tờ đơn trước mặt ông Thắng. Tờ giấy kín chữ, chỉ còn thừa chỗ ký.
“Người ta đã làm đến thế rồi”, ông Thắng nhìn về phía Hậu. Cậu bảo: “Bố cho con đi”.
Ông Thắng trầm ngâm nhớ lại: “Trường Năng khiếu Thái Bình hồi ấy chỉ có một gian nhà tắm chung. Cả phòng có một đường ống bơm nước, đục lỗ chạy xuyên khắp tường, vặn một cái là nước lạnh ào ra từ tất cả các vòi, cả lũ trẻ con cùng ùa vào tắm”.
“Tuy nhiên, hãi nhất là chuyện ngủ giường tầng. Hồi đấy, tầng nào cũng phải buộc một chiếc áo mưa, kẹp võng xuống phía dưới để phòng trường hợp đứa nào mộng du tè bậy ướt hết người bạn nằm dưới”, bố Văn Hậu vừa kể vừa cười, “mà tè bậy là tè bậy thật đấy. Mình làm sao biết được bọn trẻ con. Chỉ cần một đứa thôi mà vào con mình thì sao?”.
Dù vậy, sự thiếu thốn ấy cũng không ngăn được Văn Hậu tỏa sáng. Năm 2010, với Văn Hậu trong đội hình, Thái Bình vô địch Giải U11 quốc gia ở Thái Nguyên. Có mặt trên những khán đài Thái Nguyên ngày ấy, HLV Triệu Quang Hà (Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội) không thể ngưng chú ý tới mầm non này.
Một lần nữa, gia đình Văn Hậu đứng trước bước ngoặt.
Bất chấp âm hưởng của chiến thắng AFF Cup 2008, sự ra đời của hệ thống học viện mới, bóng đá lúc ấy vẫn là một nghề đầy tranh cãi. Không nhiều gia đình ở thành phố muốn cho con theo nghề này. Nhưng tại Hưng Hà, Thái Bình, đó là lựa chọn đáng suy ngẫm.
Bố mẹ Văn Hậu đều làm nghề nông, anh trai Đoàn Trọng Vũ sau này làm lơ xe tuyến Thái Bình - Hải Phòng. Những ruộng lúa ngày càng thưa dần nhường chỗ cho các khu nhà máy. Ở nhà thì làm gì còn ruộng để cày?
Ông Thắng nhớ lại lời thầy Thoan: “Nếu em Hậu học văn hóa cực giỏi thì không nên cho đi. Còn nếu học lực em chỉ trung bình khá thì nên cho Hậu theo đường bóng đá. Bởi đấy là cái mà em đam mê. Sau này, bóng đá cũng sẽ là một nghề, Hậu có thể sống được, có thể phát triển theo đường ấy”.
Thế là Hậu lên Hà Nội. Năm ấy, cậu 11 tuổi.
5 năm sau, cho tới đầu mùa 2016, vẫn không nhiều người biết tới cái tên Đoàn Văn Hậu. Mùa hè năm ấy, Hậu vẫn là thành viên của đội trẻ Hà Nội T&T thi đấu ở giải hạng Nhì quốc gia. Trong một số bài viết đăng tải trên báo chí thời điểm ấy, những dòng giới thiệu về Văn Hậu vẫn rất sơ sài: một cầu thủ trẻ tiềm năng của CLB Hà Nội T&T, sở hữu cái chân trái khéo léo và có thể hình tốt.
Phải tới khi HLV Hoàng Anh Tuấn dũng cảm gạt Dương Văn Hào khỏi vị trí hậu vệ trái, Văn Hậu mới bước ra ánh sáng. Màn trình diễn tuyệt vời ở U19 châu Á 2016 với đỉnh cao là cú sút xa tung lưới CHDCND Triều Tiên tạo bước đà hoàn hảo cho Văn Hậu.
Mùa 2017, CLB Hà Nội chia tay lão tướng Nguyễn Văn Biển, tiễn Sầm Ngọc Đức vào Nam, mở đường cho cậu bé 18 tuổi xuất hiện ở đội một. So với Đỗ Duy Mạnh, Văn Hậu lên đội một sớm hơn một năm. So với Nguyễn Quang Hải, Văn Hậu không phải chơi bóng ở CLB trung gian. Từ đội trẻ, từ Hạng nhì, Hậu “đáp máy bay” lên thẳng V.League.
Phần còn lại đã trở thành lịch sử. Văn Hậu đá chính ở CLB Hà Nội khi tuổi mới đôi mươi, vô địch V.League và trở thành một phần của đội bóng mạnh bậc nhất lịch sử giải đấu. Cậu cùng với Quang Hải là 2 cái tên hiếm hoi góp mặt trong tất cả giải đấu của HLV Park Hang-seo. Giải nào, Hậu cũng đá chính. Giải nào, Hậu cũng là người trẻ nhất. 18 tuổi ở U20 World Cup 2017, 19 tuổi ở U23 châu Á 2018, 20 tuổi tại Asian Cup 2019. Văn Hậu trẻ đến mức dù đã giành vô số vinh quang, cậu vẫn có tên trong danh sách Việt Nam dự giải U19 Đông Nam Á hồi năm ngoái.
Tuổi trẻ ấy cũng là lợi thế lớn lao của Văn Hậu. Vì trẻ hơn nghĩa là có nhiều thời gian hơn, có nhiều cơ hội hơn để tiến bộ. Lịch sử bóng đá Việt Nam từng chứng kiến những siêu sao tấn công tuổi đôi mươi như Phạm Văn Quyến hay Lê Công Vinh. Nhưng tại hàng thủ, nơi cần kinh nghiệm và sự từng trải, có lẽ chưa từng thấy ai như Văn Hậu.
Để rồi giờ đây, Văn Hậu bước tiếp lên một nấc thang mới của sự nghiệp, cũng là một bước đi chưa từng có của bóng đá Việt Nam.
Hợp đồng với Heerenveen biến Văn Hậu trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng tại Hà Lan, thậm chí có thể trở thành cầu thủ Việt đầu tiên ra sân ở Europa League trong tương lai gần.
10 năm sau chuyến đi tới Leixoes của Lê Công Vinh, cựu lục địa mới đón chào người con Việt Nam thứ ba. Khác với hành trình của người đàn anh, Hậu lên đường mà không cần lời giới thiệu nào. Anh không tới châu Âu để làm ngoại giao, không sang Hà Lan vì những toan tính thương mại. Văn Hậu sang châu Âu sau những thành công tầm cỡ châu lục của bóng đá Việt, sang châu Âu vì anh còn rất trẻ, rất tiềm năng và Heerenveen hiểu rõ điều đó.
Khác với Leixoes, một CLB tỉnh lẻ nghèo, một đội bóng chưa từng vô địch Bồ Đào Nha, đã dành phần lớn thời gian tồn tại ở giải Hạng hai, Heerenveen là một trong những niềm tự hào của bóng đá Hà Lan. CLB mới của Văn Hậu từng vô địch Cúp quốc gia Hà Lan, là khách quen của UEFA Champions League và Europa League.
Đất nước Hà Lan xinh đẹp, CLB Heerenveen lừng danh giờ sắp đón người con Việt Nam đầu tiên.
Người ấy tên Đoàn Văn Hậu.