- Đoàn Thị Hương là nghi phạm duy nhất còn bị xét xử tại Malaysia trong vụ sát hại người được cho là Kim Jong Nam
- Công tố viên Malaysia đã hủy cáo buộc "giết người" đối với Đoàn Thị Hương, chuyển sang tội danh "cố ý gây thương tích bằng vũ khí hoặc biện pháp nguy hiểm".
- Hương nhận tội và bị tuyên án 3 năm 4 tháng tù giam, nhưng tòa cho hưởng khoan hồng và giảm 1/3 thời gian thụ án, tức Hương sẽ được thả tự do vào đầu tháng 5.
-
Quyết định gây tranh cãi
Hai nghi can trong nghi án Kim Jong Nam chính thức bước vào giai đoạn đối chất biện hộ vào tháng 8/2018. Thẩm phán Azmi Ariffin tại Tòa Thượng thẩm Shah Alam kết luận các chứng cứ của bên công tố "đủ độ tin cậy" để tiếp tục xét xử, yêu cầu luật sư các bị cáo chuẩn bị biện hộ cho thân chủ trước khả năng nhận án tử hình. Siti Aisyah ban đầu được lên lịch đối chất vào tháng 1, trước phiên của Đoàn Thị Hương. Tòa án sau đó dời lịch của Siti sang tháng 5. Tại phiên đối chất của Hương ngày 11/3, công tố viên bất ngờ thông báo rút cáo buộc đối với Siti Aisyah. Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas đưa ra quyết định theo đề nghị của Bộ Luật pháp và Nhân quyền Indonesia nhằm giữ quan hệ song phương tốt đẹp. Tòa ra phán quyết trả tự do cho Siti nhưng không hủy bỏ cáo trạng, để mở khả năng ra lệnh bắt giữ mới nếu có bằng chứng bổ sung. Siti trở về nước vào chiều cùng ngày. Đoàn Thị Hương trở thành nghi phạm duy nhất trong vụ án còn bị xét xử tại Malaysia. Quyết định của Tổng chưởng lý Thomas khiến các luật sư bức xúc, cho rằng Hương bị đối xử bất công. Nghị sĩ Malaysia Ramkarpal Singh ngày 14/3 cũng cho rằng Hương cần được đối xử tương tự Siti Aisyah. "Việc giữ Hương để tiếp tục truy tố nhưng lại bỏ qua đồng phạm của cô ấy, đặc biệt khi vụ án rõ ràng nhắm tới cả hai, là đáng tiếc và chưa từng có tiền lệ", nghị sĩ Ramkarpal, người cũng là một luật sư, cũng hoài nghi về quyền lực của tổng chưởng lý. Ảnh: Siti vui mừng sau khi bất ngờ được thả hôm 11/3. (Ảnh: Bernama, AP)
-
Nghi phạm cuối cùng còn bị xét xử
Đoàn Thị Hương, công dân Việt Nam, và Siti Aisyah, công dân Indonesia, bị bắt giữ ngày 15/2/2017, liên quan đến nghi án ám sát công dân Triều Tiên tên Kim Chol, được cho là Kim Jong Nam - anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Sau khi Siti được trả tự do ngày 11/3, Đoàn Thị Hương trở thành nghi phạm duy nhất còn bị xét xử tại Malaysia. Tám nghi can Triều Tiên đều đã rời khỏi Malaysia từ tháng 2-3/2017. Bốn nghi can được xác định đã lập tức rời khỏi Malaysia sau khi vụ án mạng diễn ra. Những đối tượng này được xác nhận thông tin trên hộ chiếu là Ri Ji Hyon (33 tuổi), Hong Song Hac (34), O Jong Gil (55), và Ri Jae Nam (57). Cơ quan điều tra Malaysia sau đó bắt tạm giam một nghi phạm là Ri Jon Chol, được cho là hỗ trợ xe chở Hương và Siti đến hiện trường vụ án.Malaysia cũng xác định ba nghi phạm khác tại đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur là Kim Uk Il, Ri Ju U và Hyon Kwang Song. Trong đó, Hyon được thông tin là thư ký thứ hai của đại sứ quán. Trong giai đoạn khủng hoảng ngoại giao với Triều Tiên, Malaysia đã đồng ý trục xuất Ri Jon Chol ngày 3/3/2017. Ba nghi phạm còn lại rời Malaysia vào ngày 30/3. Trong ảnh: Bốn nghi phạm Triều Tiên xuất hiện tại sân bay Kuala Lumpur ngày 12/3/2017 khi Kim Chol bị sát hại và nghi phạm Ri Jong Chol ở sân bay Bắc Kinh sau khi được Malaysia trục xuất về nước. Ảnh: AP, AFP.
-
Bố Đoàn Thị Hương đến phiên tòa
Theo nguồn tin của Zing.vn, ông Đoàn Văn Thạnh, bố của Đoàn Thị Hương, cùng một đoàn gồm 14 người từ Việt Nam đã đến dự phiên đối chất biện hộ của Hương tại Tòa Thượng thẩm Shah Alam. Đây là phiên tòa đầu tiên của Hương có sự tham dự của một thành viên gia đình. Trước đó, ông Thạnh từng chia sẻ với hãng tin AFP rằng gia đình quá nghèo nên không thể bay tới Malaysia tham dự phiên xử và ông chỉ được gặp con gái mình tại nhà giam hồi đầu năm 2018. Đoàn Văn Bình, anh trai Hương, đã kêu gọi cộng đồng giúp đỡ gia đình mình và hy vọng em gái được xét xử công bằng. Ảnh ông Thạnh tại tòa. Ảnh: CTV.
-
Việt Nam vận động trả tự do cho Hương ở mức cao nhất
Sau phán quyết trả tự do cho nghi phạm Indonesia, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long chiều 12/3 đã gửi thư cho Tổng Chưởng lý Malaysia để đề nghị xem xét trả tự do cho Đoàn Thị Hương. Bộ trưởng đề nghị Tổng chưởng lý Thomas xem xét trên cơ sở đối xử pháp luật công bằng, phù hợp với quan hệ hữu nghị tốt đẹp, đối tác chiến lược giữa hai nước. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong cuộc điện đàm cùng ngày với người đồng cấp Malaysia cũng đề nghị phía Malaysia bảo đảm xét xử công bằng, trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương. Đến dự phiên tòa ngày 14/3 của Đoàn Thị Hương có phái đoàn của Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia dẫn đầu là Đại sứ Lê Quý Quỳnh. Đại sứ đã bày tỏ sự tiếc nuối khi tòa chưa thể trả tự do cho Hương trong ngày 14/3. Ông khẳng định đại sứ quán và chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục yêu cầu phía Malaysia đối xử công bằng với Đoàn Thị Hương và thả cô ấy càng sớm càng tốt. Trả lời họp báo ngày 28/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ công dân đối với công dân Việt Nam Đoàn Thị Hương. Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo hộ lãnh sự pháp lý ở mức cao nhất để đảm bảo công dân Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng, khách quan và được trả tự do. Trong ảnh, phái đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Đại sứ Lê Quý Quỳnh đến tòa ngày 14/3. Ảnh: Hoàng Việt.
-
Hương kiệt sức vì sức ép từ phiên tòa
Quyết định của phía công tố không rút cáo buộc đối với Đoàn Thị Hương tác động mạnh đến sức khỏe và tinh thần của Hương trong thời gian qua. Trả lời báo chí ngày 14/3, luật sư của Đoàn Thị Hương cho biết cô không ngủ được và kiệt sức vì mình vẫn bị xét xử trong khi đồng bị cáo Siti Aisyah được trả tự do mà không rõ lý do. Tại phiên tòa ngày 14/3, Hương đã bật khóc và mất bình tĩnh sau khi phía công tố không chấp nhận hủy cáo buộc. Thẩm phán Azmi Ariffin chấp nhận đề nghị của các luật sư, hoãn phiên tòa đến ngày 1/4 vì Hương không đảm bảo sức khỏe và tinh thần để đối chất biện hộ. Hương được đưa tới bệnh viện Kuala Lumpur vào sáng 15/3 để kiểm tra sức khỏe. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã ba lần thăm lãnh sự đối với công dân Đoàn Thị Hương kể từ ngày 11/3 để động viên thăm hỏi sức khỏe, giúp Hương có thể ổn định tâm lý trong phiên tòa sắp tới. Ảnh Đoàn Thị Hương mệt mỏi rời phiên tòa ngày 14/3 và đoàn xe đưa Hương đến bệnh viện tại Kuala Lumpur ngày 15/3. Ảnh: Hoàng Việt, Vũ Mạnh.
-
Đoàn Thị Hương tới tòa
-
Tòa sẽ trả lời kiến nghị thả Đoàn Thị Hương
Hisyam Teh Poh Teik, luật sư biện hộ chính cho Đoàn Thị Hương, ngày 28/3 cho biết đã gửi thư kiến nghị lần hai cho Tổng chưởng lý Tommy Thomas, yêu cầu trả tự do cho Hương. Phía công tố sẽ phản hồi trong phần mở đầu phiên tòa ngày 1/4.
"Thư kiến nghị lần hai cần thiết để tổng chưởng lý cân nhắc lại quyết định khước từ rút cáo buộc trong phiên tòa trước đó", luật sư trả lời AFP. "Hương có thể được tự do như Aisyah, hoặc cáo buộc giết người có thể được giảm nhẹ. Trong trường hợp xấu nhất, quá trình xét xử tội danh giết người sẽ tiếp tục diễn ra", ông nói. Trong ảnh, luật sư Hisyam Teh Poh Teik cùng các cộng sự trả lời họp báo ngày 14/3, cho rằng Hương xứng đáng được đối xử như Siti Aisyah và được trả tự do. Ảnh: Hoàng Việt.
-
Đoàn Thị Hương được thay đổi tội danh
Theo Reuters, phía công tố viên đề nghị thay đổi tội danh, sẽ truy tố Đoàn Thị Hương tội "cố ý gây thương tích bằng biện pháp nguy hiểm", thay cho tội danh giết người.
Malaysia đã bỏ một cáo buộc đối với Đoàn Thị Hương. Phiên tòa đã được tạm hoãn để các luật sư tham vấn và xin ý kiến của Hương.
-
Án tù tối đa 10 năm cho tội danh mới.
Theo Bộ luật Hình sự của Malaysia, điều 324 về tội danh "cố ý gây thương tích bằng vũ khí hoặc biện pháp nguy hiểm" có hình phạt là án tù tối đa 10 năm, hoặc bị phạt tiền, hoặc bị phạt roi, hoặc một phán quyết kết hợp hai trong các hình phạt trên.
Các "biện pháp nguy hiểm" được mô tả trong Bộ luật Hình sự Malaysia bao gồm gây thương tích bằng cách dùng súng bắn, đâm hoặc cắt, hoặc sử dụng bất kỳ loại vật dụng nào được xem là vũ khí có khả năng gây chết người. Các phương tiện gây án cũng có thể bao gồm chất gây cháy hoặc hợp chất hóa học gây nguy hiểm đến cơ thể con người hay thậm chí cả việc sử dụng động vật để gây hại cho người khác.
Tuy nhiên, theo Sky News, việc thay đổi tội danh vẫn chưa được thông báo chính thức trước tòa.
Trong ảnh, Đoàn Thị Hương được đưa tới tòa vào sáng 1/4. Ảnh: AFP.
-
Đoàn Thị Hương chấp nhận tội danh mới
Nguồn tin của Zing.vn cho biết Hương đã chấp nhận tội danh mới. Trước đó, luật sư của cô cũng cho biết nhiều khả năng Hương sẽ nhận tội này và xin được hưởng khoan hồng.
Salim Bashir, một luật sư đại diện cho Đoàn Thị Hương, nói rằng "rất có thể cô sẽ chấp nhận cáo buộc thay thế... rất có thể cô được thả tự do trong hôm nay".
-
Đoàn Thị Hương mỉm cười sau khi được đề nghị tội danh mới
Sau khi phía công tố viên trình bày với đội luật sư biện hộ về cáo buộc mới, Đoàn Thị Hương đã nở nụ cười và nói mình cảm thấy "hạnh phúc".
Theo Reuters, các công tố viên thông báo trước tòa rằng họ thay đổi tội danh cho Hương sau khi cân nhắc các thư khiếu nại của đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, cũng như từ đoàn luật sư biện hộ cho bị cáo.
Công tố viên Iskandar Ahmad cho biết việc đề xuất tội danh với mức phạt thấp hơn cho Hương là chỉ đạo của Tổng chưởng lý Tommy Thomas. Các luật sư của Hương trong thời gian qua liên tục kêu gọi tổng chưởng lý Malaysia đối xử công bằng giữa hai bị cáo của nghi án ám sát Kim Jong Nam.
-
Đoàn Thị Hương "đã chịu nhiều tổn thương tinh thần"
Theo Melissa Goh, trưởng văn phòng tại Malaysia của Channel NewsAsia, các luật sư của Đoàn Thị Hương đang vận động để bản án tiếp tục được giảm nhẹ trên cơ sở bị cáo đã chịu nhiều tổn thương nặng nề về tinh thần, đồng thời đã cảm thấy hối lỗi về vụ việc.
Ảnh: AP.
-
Tòa tạm hoãn chờ tuyên án
Các phóng viên hồi hộp chờ bên ngoài tòa án Shah Alam, mong sẽ được thấy Đoàn Thị Hương được trả tự do, theo Patrick Lee, phóng viên trường trú tại Malaysia của hãng tin AFP.
Ảnh: Twitter/Patrick Lee.
-
Đoàn Thị Hương "nhận trách nhiệm" về hành động của mình
AP mô tả rằng Hương đã gật đầu khi được phiên dịch viên đọc cho nghe cáo buộc mới. Sau đó, thông dịch viên nói lại rằng cô nhận tội.
Luật sư của Hương, ông Hisyam Teh Poh Teik nói rằng việc này cho thấy Hương "nhận trách nhiệm" về hành động của mình. Việc cô nhận tội và xin hưởng khoan hồng đồng thời sẽ giúp tiết kiệm thời gian tố tụng.
Ông Hisyam đề nghị tòa cân nhắc kỹ lưỡng sự thành thật của Hương, việc Hương chấp nhận trách nhiệm, cũng như yếu tố đồng bị cáo Sitit Aisyah đã được trả tự do. "Cô ấy không phải là tội phạm và thậm chí không hề có xu hướng đủ khả năng phạm tội", ông nói.
Luật sư Hisyam cũng viện dẫn hoàn cảnh gia đình Hương, đề cập chi tiết cô là con út của một gia đình có đến năm anh chị em. Ông nhắc trước khi vụ án mạng ở sân bay Kuala Lumpur xảy ra, Hương vốn có một tương lai xán lạn cùng tấm bằng kế toán. Ông khẳng định thân chủ của mình đã quá ngây thơ khi bị "những sát thủ thật sự" là các nghi phạm Triều Tiên lợi dụng và chi phối.
"Họ đã lợi dụng điểm yếu của cô ấy và chi phối cô thực hiện mưu đồ hiểm độc, dưới vỏ bọc là những trò chơi khăm truyền hình vô hại", ông nói.
-
Đại sứ Việt Nam tại Malaysia "thất vọng"
Đại sứ Lê Quý Quỳnh cho biết bên ngoài phiên tòa rằng việc phía công tố thay đổi tội danh vẫn khiến ông thất vọng.
"Tôi không hài lòng với kết quả này. Tôi hy vọng Hương được trả tự do ngay hôm nay. Điều này thật bất công đối với Hương" ông trả lời hãng tin AP. "Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu Malaysia trả tự do cho Hương", ông khẳng định. -
Hương bị tuyên án 3 năm 4 tháng tù giam
Theo Melissa Goh, trưởng văn phòng tại Malaysia của Channel NewsAsia, thẩm phán Azmi Ariffin đã tuyên bố mức án cho Đoàn Thị Hương là 3 năm 4 tháng tù giam. Theo mức án này, cô sẽ được thả vào tháng 6/2020, vì tòa tính thêm khoảng thời gian Hương bị giam giữ tại Malaysia từ ngày 15/2/2017 để phục vụ quá trình điều tra và xét xử.
-
Hương sẽ được thả tự do vào tháng 5
Trả lời hãng tin AFP, luật sư của Đoàn Thị Hương cho biết cô sẽ được trả tự do ngay trong tháng 5 tới đây.
"Trong tuần đầu của tháng 5, cô ấy sẽ về nhà", Hisyam Teh Poh Teik, luật sư biện hộ chính cho Đoàn Thị Hương, trả lời phóng viên trước Tòa Thượng thẩm Shah Alam.
Theo Amy Chew, phóng viên của South China Morning Post tại khu vực Đông Nam Á, yếu tố quan trọng giúp giảm án cho Đoàn Thị Hương là bị cáo có hành vi tốt, đã nhận tội ngay lập tức khi được trình bày về tội danh mới, đồng thời cân nhắc yếu tố đây là vi phạm lần đầu.
-
Đoàn Thị Hương mỉm cười rời tòa án
Theo mô tả của phóng viên Kate Mayberry thuộc hãng tin Al Jazeera, Hương đã mỉm cười với các phóng viên khi rời khỏi Tòa Thượng thẩm Shah Alam.
-
Đoàn Thị Hương: "Mức án công bằng với tôi"
Theo Al Jazeera, lý do Hương được thả tự do vào tháng 5, thay vì đợi hết 40 tháng tù là vì thẩm phán đã cho khoan hồng 1/3 mức án nhằm "tạo sự cân bằng giữa lợi ích xã hội và những quyền lợi của bị cáo".
Trả lời các phóng viên khi rời tòa, Hương cho biết cô cảm thấy "rất hạnh phúc". Cô gửi lời cảm ơn đến những người luôn ủng hộ cô thời gian qua, chính phủ Việt Nam và chính phủ Malaysia.
"Đây là một phán quyết công bằng đối với tôi", cô nói.
Ảnh: Al Jazeera.
-
Luật sư cảm ơn tổng chưởng lý Malaysia
Trả lời về quyết định thay đổi tội danh đối với Đoàn Thị Hương, luật sư Hisyam Teh Poh Teik cho biết nhóm luật sư đã gửi một thư kiến nghị Tổng chưởng lý Tommy Thomas cân nhắc lại cáo buộc dùng để truy tố Hương. "Đề nghị này đã được tổng chưởng lý chấp thuận và chúng ta đã thấy điều xảy ra vào sáng hôm nay. Tôi xin cảm ơn ông tổng chưởng lý về điều này", CNN dẫn lại phát biểu của luật sư Hisyam.
Thẩm phán Azmi Ariffin tại phiên tòa chia sẻ rằng Đoàn Thị Hương "đã rất may mắn" khi không còn bị truy tố tội giết người theo điều 302 Bộ luật Hình sự Malaysia, theo CNN. -
Đoàn Thị Hương cảm ơn thẩm phán, công tố viên và 2 chính phủ
AP cho biết khi kết thúc phần tuyên án, Hương đứng ở khu bị cáo đã gửi lời cảm ơn đến thẩm phán Azmi Ariffin, các công tố viên và chính phủ hai nước Việt Nam và Malaysia. Cô nói với các phóng viên rằng cô vẫn ước mơ được trở thành ca sĩ hoặc diễn viên một khi được trả về Việt Nam.
Ảnh: AFP.
-
Gia đình Đoàn Thị Hương: "Như vậy cũng là tốt rồi"
“Tưởng được về ngay thì quá phấn khởi nhưng mà thôi không được về ngày thì vậy cũng là tốt rồi... Cảm ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ cháu qua cơn nguy kịch nhất, gia đình cũng vui lòng phấn khởi”, bà Nguyễn Thị Vỳ, mẹ kế của Hương, nói với Zing.vn qua điện thoại. Sau phiên tòa ngày 1/4, giọng bà Vỳ phấn khởi, khác hẳn các cuộc gọi điện trước.