Tối 26/3 năm ngoái, hình ảnh hiếm hoi về một đoàn tàu màu xanh lá xuất hiện tại nhà ga ở Bắc Kinh lập tức khiến truyền thông xôn xao. Đó là lần đầu tiên ông Kim Jong Un, nhà lãnh đạo Triều Tiên, đến thăm Trung Quốc kể từ khi nhậm chức vào năm 2012.
Hôm 7/1, ông Kim lại ngồi con tàu này để đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần thứ tư. Hình ảnh đoàn tàu lại được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội, nhưng khác lần trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc lần này nhanh chóng xác nhận chuyến thăm của ông Kim.
Ông Kim Jong Un trên tàu tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/1. Ảnh: KCNA/Reuters. |
Hai đoàn tàu hộ tống
Đài NTV của Nhật Bản nói con tàu sơn màu xanh, sọc vàng giống con tàu từng chở cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il đến Bắc Kinh hồi năm 2011 và có 21 toa. Cả ông Kim Jong Il và Kim Nhật Thành, cha và ông nội của ông Kim Jong Un, từng đi trên những con tàu bọc thép kỹ lưỡng khi đến thăm Trung Quốc và Nga. Trong cả hai chuyến tới thăm Việt Nam vào các năm 1958 và 1964, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, ông nội ông Kim Jong Un, đều dùng tàu lửa cho chuyến đi.
Hầu hết thông tin được biết về đoàn tàu đều xuất phát từ các báo cáo tình báo, ghi nhận của các quan chức được phép lên tàu trong các chuyến đi trước đây cũng như hình ảnh hiếm hoi do truyền thông nhà nước cung cấp.
Báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc hồi năm 2009 từng dẫn một báo cáo tình báo cho biết tàu chở ông Kim Jong Il được hộ tống bởi hai tàu khác khi được sử dụng để đi các nước xung quanh Triều Tiên. Trong đó, một tàu đi trước làm nhiệm vụ do thám, kiểm tra sự an toàn của đường ray và nhà ga, còn tàu kia theo sau, chở đội vệ sĩ và nhân sự hỗ trợ làm nhiệm vụ bảo vệ.
"Tàu chở ông Kim được bọc thép, trên tàu có phòng họp, phòng tiếp khách và phòng ngủ. Tàu cũng trang bị kết nối điện thoại qua vệ tinh và TV màn hình phẳng để nhà lãnh đạo Triều Tiên nghe báo cáo và ra lệnh", bài báo viết.
Mỗi toa tàu đều được bọc thép có trọng lượng lớn hơn bình thường, từ đó khiến tàu di chuyển chậm hơn. Theo New York Times, tốc độ tối đa tàu có thể đạt được vào khoảng 60 km/h.
Đoàn tàu chở ông Kim Jong Un đến Bắc Kinh hôm 8/1. Ảnh: Reuters. |
Theo báo cáo năm 2009, trong thời ông Kim Jong Il, khoảng 100 đặc vụ có mặt trên con tàu đi trước, kiểm tra và rà quét bom mìn tại các nhà ga. Trước khi tàu ông Kim vào ga, điện trên các đường ray khác sẽ bị cắt để không tàu nào có thể di chuyển. Ngoài ra, máy bay quân sự sẽ bay phía trên để tăng cường đảm bảo an ninh.
Chosun cũng tiết lộ ông Kim Jong Il có đến 6 con tàu riêng với tổng số toa lên đến 90. 20 nhà ga được xây dựng tại Triều Tiên để phục vụ riêng cho tàu chở nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cũng như bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại Seoul nói họ không thể xác thực thông tin này, theo Guardian.
Nội thất tiện nghi
Truyền thông nhà nước Triều Tiên thỉnh thoảng công bố hình ảnh các nhà lãnh đạo ngồi bên trong con tàu, mang đến cái nhìn hiếm hoi về những toa tàu được thiết kế đặc biệt.
Năm 2015, ông Kim Jong Un từng được nhìn thấy ngồi sau một chiếc bàn trắng dài trong một nơi dường như là phòng hội nghị trên tàu, theo New York Times. Trong một đoạn băng tương tự năm 2011, ông Kim Jong Il cũng ngồi họp với các quan chức trong căn phòng đó.
Ông Kim Jong Un cùng phu nhân Ri Sol Ju trên một toa tàu hồi tháng 3/2018. |
Người ta nhìn thấy rõ một chiếc tivi màn hình phẳng trong đoạn băng năm 2011 còn trong đoạn băng năm 2015, có thể thấy một chiếc laptop dường như là MacBook.
Trong băng ghi hình các chuyến đi của ông Kim Jong Il, cố lãnh đạo được nhìn thấy ngồi trong toa tiếp khách có ghế bọc đệm, chủ trì cuộc họp trong phòng ăn và tham dự bữa tiệc trong toa tàu được áp ván gỗ màu trầm. Trong đoạn băng đó, ông Kim ngồi sau một bàn đầy ắp đồ ăn trong lúc các nghệ sĩ mặc tuxedo và đầm dài biểu diễn.
Toa làm việc của ông Kim Jong Il, bao gồm một chiếc bàn và máy tính, được lưu giữ tại Cung điện Cẩm Tú Sơn, nơi yên nghỉ của ông cũng như người cha Kim Nhật Thành, tọa lạc ở phía đông bắc thủ đô Bình Nhưỡng.
Tôm hùm, rượu vang và tiếp viên
Theo ông Konstantin Pulikovsky, nhà ngoại giao Nga từng tiếp cận các ghi chép mật lưu hành nội bộ về chuyến thăm Nga của ông Kim Jong Il năm 2001, tàu chở lãnh đạo Triều Tiên có đội ngũ "nữ nhân viên phục vụ xinh đẹp", tôm hùm tươi sống được chuyển đến các nhà ga nơi tàu dừng dọc hành trình, cùng với rượu vang Bordeaux và Burgundy.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Il trên tàu năm 2006. Ảnh: Yonhap. |
Trong những bữa tối thường kéo dài đến 4 tiếng hoặc hơn, các vị khách cùng nhân viên phục vụ hát những ca khúc tuyên truyền bằng cả tiếng Triều Tiên lẫn tiếng Nga, theo hồi ký "Orient Expess" (tạm dịch: Đoàn tàu phương Đông) xuất bản năm 2002 của ông Pulikovsky.
"Hoàn toàn có thể yêu cầu bất kỳ món ăn nào của Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản hay Pháp", ông viết. Cựu quan chức, từng là đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại vùng Viễn Đông, nói thậm chí tàu riêng của ông Putin "cũng không tiện nghi như tàu của ông Kim Jong Il".
Không rõ ông Kim Jong Un ăn gì hay làm gì để giải trí trên tàu nhưng người con được cho là có khẩu vị không giống cha mình. Nhà lãnh đạo trẻ được cho là thích phô mai Thụy Sĩ, champagne Cristal và rượu cognac Hennessy, theo New York Times.