Trong lần đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6/2018, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Singapore trên chiếc máy bay dân dụng mượn của Trung Quốc. Trước cuộc gặp lần thứ 2 ở Hà Nội, vẫn chưa rõ ông Kim sẽ chọn phương án nào.
Ông có thể mượn máy bay của Trung Quốc, đi máy bay riêng hay đi đoàn tàu màu xanh đặc biệt và sang trọng của mình.
Báo Chosun (Hàn Quốc) cho rằng vì vấn đề an toàn, nhiều khả năng ông cũng sẽ mượn máy bay của Trung Quốc Ngoài ra, ông Kim có thể dùng chuyên cơ Ilyushin IL-62, mang tên "Chammae-1" (Thương Ưng-1). Chiếc máy bay này được thiết kế ở Liên Xô cũ từ những năm 1960, nhưng IL-62 mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un sử dụng có thể là phiên bản IL-62M được chế tạo vào những năm 1980, theo tạp chí Flight Global.
Chiếc chuyên cơ Chammae-1 (trên) và đoàn tàu (dưới) là các phương tiện di chuyển của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Yonhap. |
Chuyên cơ hay máy bay Trung Quốc?
Có những lo ngại về an toàn do Chammae-1 thuộc dòng máy bay cũ. Tuy vậy, vào hội nghị năm 2018, một nhóm phái đoàn Triều Tiên, bao gồm bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong Un, đã bay từ Bình Nhưỡng tới Singapore trên chiếc máy bay này.
Hà Nội cách Bình Nhưỡng 2.751 km đường chim bay, gần hơn nhiều so với Singapore (4.700 km), vì vậy không loại trừ khả năng chiếc chuyên cơ này sẽ được sử dụng, theo báo JoongAng (Hàn Quốc). Loại máy bay IL-62 được cho là có khả năng bay 10.000 km.
Tuy nhiên, phương án dùng máy bay Chammae-1 có nhược điểm là Triều Tiên thiếu các phi công có kinh nghiệm bay đường dài. Vì vậy, cũng có thể lần này Triều Tiên sẽ mượn máy bay chuyên dụng của Trung Quốc, theo JoongAng.
Theo Chosun, máy bay dân dụng của Trung Quốc sẽ an toàn và dễ dàng hơn, nhưng chuyên cơ Chammae-1 vẫn nhỉnh hơn về mặt an ninh. Ngoài ra, có phân tích cho rằng Triều Tiên muốn thể hiện hình ảnh "quốc gia cấp cao", và sẽ không muốn mượn máy bay cho lần này, theo báo JoongAng.
Ông Kim Jong Un đến sân bay Changi ở Singapore trên chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Air China lúc 2:36 chiều ngày 10/6/2018. Ảnh: Yonhap. |
Trong cuộc gặp lần thứ nhất, ông Kim đã mượn máy bay Boeing 747-400 của lãnh đạo Trung Quốc. Nhiều quan chức cấp cao đã sử dụng máy bay này như chủ tịch Hồ Cẩm Đào, thủ tướng Ôn Gia Bảo. Khi không chở ban lãnh đạo, chiếc máy bay này được sử dụng như máy bay chở khách thông thường. Nếu thuê máy bay này, phi công Trung Quốc sẽ đi cùng nên sự an toàn được đảm bảo, theo JoongAng.
Tàu lửa: Biểu tượng nhưng mệt mỏi
Ông Kim cũng có thể đi tàu từ Bình Nhưỡng tới Hà Nội. Không giống đảo quốc Singapore, đi tàu qua Trung Quốc đến Việt Nam là khả thi. Theo báo Chosun, đường tàu Bình Nhưỡng - Trung Quốc - Hà Nội có đường ray tiêu chuẩn (1.435 mm), trong khi đường sắt tuyến Hà Nội - Đà Nẵng là đường ray khổ hẹp (1.067 mm).
Một số ý kiến trong giới ngoại giao cho biết lý do ông Kim quyết định chọn Hà Nội chứ không phải Đà Nẵng làm địa điểm gặp mặt là vì ông có thể di chuyển bằng tàu tới đây, theo Chosun.
Hà Nội cách Bình Nhưỡng khoảng 4.000 km đường bộ. Ông Kim sẽ mất khoảng 60 giờ để di chuyển trên đoàn tàu cũ màu xanh đặc biệt của mình. Nếu đi tàu cao tốc từ Bắc Kinh xuống thành phố Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây giáp biên giới Việt Nam, thời gian đi lại sẽ giảm đáng kể, theo báo Chosun.
Chủ tịch Kim Nhật Thành, ông nội và là "hình mẫu" của ông Kim Jong Un, đã đi trên đoàn tàu này trong 2 lần đến thăm Việt Nam vào năm 1958 và 1964. Một nguồn tin nói với báo Chosun “việc đi tàu sẽ giúp Ông Kim Jong Un tái hiện lại hình ảnh của Kim Nhật Thành và nhấn mạnh tính truyền thống”.
Tuy vậy, đi tàu cao tốc dù sao vẫn chậm hơn so với đi máy bay. Theo báo Chosun, trước cuộc đàm phán hạt nhân với ông Trump, ông Kim sẽ không chọn phương pháp làm mình thêm mệt mỏi là đi tàu, và ông sẽ lo lắng nếu vắng mặt khỏi Bình Nhưỡng quá lâu.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ gặp lại tổng thống Mỹ tại Hà Nội vào ngày 27-28/2 tại Hà Nội. Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế bế tắc của cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo ở Singapore hồi tháng 6/2018, Mỹ và Triều Tiên đã ra tuyên bố chung, trong đó cam kết "phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên", "cùng nỗ lực xây dựng một chế độ ổn định và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên". Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc đàm phán của hai bên vẫn dậm chân tại chỗ.
Mỹ được cho muốn Triều Tiên phải thực hiện phi hạt nhân hóa toàn diện trước khi nới lỏng các lệnh trừng phạt, trong khi Triều Tiên muốn việc này diễn ra song song. Các quan chức Mỹ tiết lộ Tổng thống Trump ngày càng ít lạc quan khi tiến trình đàm phán không diễn ra nhanh chóng như ông kỳ vọng ban đầu.