Gần 1h sáng ngày 2/10/2013, một nhà khoa học gửi email đến CEO Tim Cook, xin gia nhập Apple với lời hứa hẹn hấp dẫn.
"Tôi tin rằng chúng ta có thể phát triển làn sóng công nghệ mới, đưa Apple trở thành thương hiệu số một trên thị trường y tế, thể dục và chăm sóc sức khỏe", nhà khoa học viết trong email, sau này trở thành tài liệu trước tòa để chống lại chính Apple.
Phản hồi của Tim Cook không được công bố, nhưng người này được nhân viên tuyển dụng của Apple liên hệ trong 10 tiếng. Ông gia nhập Táo khuyết vài tuần sau, phụ trách phát triển một mẫu smartwatch trang bị cảm biến sức khỏe.
Trong những tháng tiếp theo, nhà khoa học kêu gọi Apple nộp các bằng sáng chế liên quan đến cảm biến và thuật toán đo nồng độ oxy máu (SpO2) từ thiết bị đeo trên tay.
Nhân viên ấy là ai?
Theo Bloomberg, nhà khoa học ấy là Marcelo Lamego, cựu Giám đốc Công nghệ Cercacor Laboratories, công ty con của Masimo. Doanh nghiệp này đã đưa Apple vào vòng xoáy kiện tụng, khiến một số mẫu Apple Watch bị cấm bán tại Mỹ.
Dù Apple phủ nhận mọi cáo buộc, Masimo khẳng định Táo khuyết đã "săn" nhân viên của mình để đánh cắp công nghệ đo SpO2.
Tranh chấp lên đỉnh điểm vào đầu tháng 12/2023, khi một số mẫu Apple Watch bị cấm bán tại Mỹ. Lệnh cấm chỉ có hiệu lực trong vài tiếng, trước khi tòa án liên bang tạm dừng để xem xét lệnh cấm bán lâu hơn.
Trụ sở của Masimo tại California. Ảnh: Bloomberg. |
Masimo là công ty sản xuất thiết bị y tế tại California (Mỹ). Trong đơn kiện, Masimo cho rằng Lamego đã đánh cắp tài sản quý giá nhất - công nghệ đo SpO2 với độ chính xác cao và không xâm lấn - để cung cấp cho Apple.
Lamego gia nhập Masimo vào năm 2003 với tư cách nhà nghiên cứu khoa học, trước khi trở thành giám đốc công nghệ của Cercacor vào năm 2006.
Cercacor là công ty con của Masimo, đều được quản lý bởi CEO Joe Kiani, người được mệnh danh là "Steve Jobs của chăm sóc sức khỏe" khi góp công lớn vào các công nghệ quan trọng.
Trong đơn kiện, các luật sư của Masimo cho rằng Lamego trước đây thiếu kiến thức về phát triển tính năng liên quan đến SpO2 (do lĩnh vực nghiên cứu của ông liên quan đến giao diện thần kinh). Luật sư cho rằng ông đã tìm hiểu về công nghệ đo SpO2 khi làm việc tại Cercacor, sau đó cung cấp cho Apple.
Tâm điểm kiện tụng
Lamego nghỉ việc tại Apple từ tháng 7/2014. Luật sư của Masimo cho rằng Apple đã có thứ họ cần. Tuy nhiên theo Steve Hotelling, cựu Giám đốc phụ trách Phần cứng Cảm ứng của Apple, Lamego rời công ty do không phù hợp.
Ông được cho đã xung đột với cấp quản lý, yêu cầu chi hàng triệu USD và muốn thuê kỹ sư riêng mà không cần phê duyệt.
Chiếc Apple Watch đầu tiên được ra mắt 2 tháng sau, vào tháng 9/2014. Dù không có cảm biến SpO2, thiết bị vẫn tích hợp một số công nghệ cơ bản như cảm biến đo nhịp tim.
Đoạn email được Lamego gửi đến Tim Cook. Ảnh: Bloomberg. |
Apple được cho đã chủ động mời chào Lamego trước khi ông gửi email đến Tim Cook. Ban đầu, Lamego từ chối gia nhập Táo khuyết, nhưng đã "quay xe" khi không được bổ nhiệm làm giám đốc công nghệ của Masimo.
Ngoài tuyển dụng Lamego, Apple còn chiêu mộ cựu giám đốc y tế của Masimo và khoảng 20 nhân viên khác, đơn kiện cho biết.
Dù email của Lamego gửi cho Tim Cook là bằng chứng quan trọng, tòa án không đứng về phía Masimo sau khi một kỹ sư của Apple chứng minh việc phát triển tính năng SpO2 diễn ra sau năm 2014, thời điểm Lamego đã rời công ty.
Thẩm phán cũng loại bỏ lập luận rằng Táo khuyết thuê nhân viên của Masimo để đánh cắp bí mật kinh doanh.
Khi Masimo lần đầu đâm đơn kiện Apple, công ty vẫn chưa đưa cảm biến SpO2 lên sản phẩm. Tuy nhiên 8 tháng sau, SpO2 trở thành điểm nhấn của Apple Watch Series 6. Điều đó khiến Masimo nộp đơn kiện tiếp theo lên Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) vào năm 2021.
Tính năng đo SpO2 trên Apple Watch Series 6. Ảnh: Bloomberg. |
Đến tháng 10/2023, ITC ra phán quyết đứng về phía Masimo, yêu cầu Apple ngừng bán 2 thiết bị tại Mỹ gồm Apple Watch Series 9 và Ultra 2. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 25/12/2023, nhưng đã tạm dừng sau một ngày theo lệnh của tòa án liên bang để cân nhắc lệnh cấm dài hơn.
Đại diện Apple không đồng tình với phán quyết. Công ty cho rằng Masimo muốn kiện để mở đường cho smartwatch của họ.
Trên thực tế, Masimo ra mắt W1, mẫu smartwatch mặt vuông với hàng loạt cảm biến sức khỏe. Táo khuyết đã kiện ngược lại Masimo, cho rằng W1 đạo nhái thiết kế của Apple Watch.
"Họ cần xin lỗi"
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg đầu tháng 12/2023, Kiani cho rằng Apple lẽ ra có thể đàm phán với Masimo, nhưng đã chọn cánh "cướp nhân viên" và "đổ lỗi mọi người".
Một nguồn tin thân cận cho biết Masimo muốn ITC ban hành lệnh cấm vào mùa hè, khiến Apple gặp khó khăn trước thềm ra mắt Apple Watch thế hệ mới, đồng thời giảm doanh số trong kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Dù vậy, lệnh cấm chỉ ảnh hưởng đến doanh số trong tuần cuối tháng 12/2023, và cũng chỉ dành cho các cửa hàng Apple. Những bên thứ ba như Best Buy hay Walmart vẫn phân phối sản phẩm như bình thường, ít nhất là đẩy hết hàng tồn kho.
So sánh thiết kế Apple Watch với Masimo W1. Ảnh: Bloomberg. |
Apple được cho đã chỉnh sửa thiết bị để tránh lệnh cấm. Tòa phúc thẩm cho biết công ty có thể tiếp tục bán đồng hồ trong lúc xem xét các thay đổi. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ dự kiến đưa ra phán quyết vào 12/1/2024.
Dù kết quả ra sao, Kiani và Masimo đã thành công hơn những trường hợp khác. Nhiều công ty từng kiện Apple với lý do tương tự, cuối cùng đều phá sản hoặc phải rời thị trường.
Buộc Apple ngồi xuống đàm phán cũng là một thành công khác của Masimo. Điều đó khiến logo Apple xuất hiện trong danh sách công ty được cấp phép bản quyền trên website của Masimo.
Theo đại diện Apple, công ty đã có một số lần đàm phán với Masimo, và lên kế hoạch cho nhiều buổi khác trong tương lai.
Trong một phiên tòa, Masimo muốn Apple bồi thường 3 tỷ USD. Nhưng hiện tại, thứ mà Kiani cần là lời xin lỗi và nhượng bộ chứ không phải số tiền bao nhiêu.
Nếu không thể dàn xếp, cả 2 sẽ tiếp tục đối mặt trong phiên tòa dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10/2024.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn