Theo chiếc vòng cổ định vị, Schwartz, một con thú ăn kiến khổng lồ, đã biến mất ở rìa đường cao tốc liên bang BR-262, hay còn gọi là “xa lộ tử thần”. Các nhà sinh vật học và bác sĩ thú y tại Viện Bảo tồn Động vật hoang dã (ICAS) biết rõ điều gì đã xảy ra.
Vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm, khi một người lái xe không nhìn thấy Schwartz xuất hiện trên đường cao tốc. Lực va đập mạnh đến mức chiếc vòng cổ định vị của Schwartz bị gãy, dẫn đến việc mất tín hiệu.
Một con thú ăn kiến gục chết trên tuyến đường cao tốc. Ảnh: Guardian. |
Theo các nhà nghiên cứu, con thú đã lê lết rời khỏi đường cao tốc cho đến khi gục chết. Song họ không tìm được xác của con vật này. Schwartz chỉ là một trong hàng nghìn động vật hoang dã bị đâm chết mỗi năm trên đường cao tốc BR-262 ở Brazil, theo Guardian.
Tuyến đường được xây dựng từ những năm 1960, khi các quy chuẩn an toàn chưa được thiết lập. BR-262 còn cắt ngang khu vực sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã, dẫn đến nhiều tác động nghiêm trọng đối với môi trường.
Giờ đây, các nhà hoạt động đã tham gia vào một vụ kiện tập thể, buộc giới chức Brazil nhìn nhận mức độ nguy hiểm của tuyến đường cao tốc này.
Xa lộ tử thần
BR-262 trải dài theo hướng đông tây, đi qua các bang Espírito Santo, Minas Gerais, São Paulo và Mato Grosso do Sul. Tuyến đường còn cắt ngang qua rừng Đại Tây Dương, vùng xa van Cerrado và vùng đất ngập nước Pantanal.
Đoạn đường chết chóc nhất trải dài gần 300 km, chạy qua các thành phố Aquidauana và Corumbá, với hàng loạt xe tải và xe khai thác kim loại. Theo nghiên cứu từ Đại học Mato Grosso do Sul, mỗi năm có hơn 3.000 động vật hoang dã bị đâm chết trên đoạn đường này.
Một con thú ăn kiến gục chết trên tuyến đường cao tốc. Ảnh: Guardian. |
Năm 2020, vùng Pantanal trải qua một đợt hạn hán nghiêm trọng. Nhà sinh vật học Gustavo Figueirôa giải thích: “Khi mực nước sông xuống thấp, các công ty khai thác phải vận chuyển bằng đường bộ”.
Hạn hán cũng khiến các đám cháy gia tăng, buộc nhiều loài vật rời bỏ nơi sinh sống. Khi chúng đột ngột chạy ngang qua đường cao tốc, các tài xế dễ mất tầm nhìn và xảy ra va chạm.
Các cơ quan chuyên trách vấn đề môi trường và cơ sở hạ tầng đang hợp tác để cải thiện những tuyến đường cũ giống như BR-262. Họ đặt ra mục tiêu là giảm thiểu tác động của chúng đến môi trường tự nhiên.
Song nhiệm vụ này không hề đơn giản, nhất là khi nhiều loài thú to lớn thường xuyên xuất hiện ở đường cao tốc.
Theo nhà sinh vật học Fernanda Abra, một số đoạn đường của BR-262 đã được lắp đặt hàng rào nhưng biện pháp này không đem lại hiệu quả. Bà Abra nói: “Hàng rào rất thấp. Động vật có thể phá vỡ, leo trèo hoặc nhảy qua”.
Vụ kiện tập thể
Bà Fernanda Abra, người đồng sáng lập công ty tư vấn môi trường ViaFauna, bắt đầu theo dõi các vụ đâm chết động vật trên BR-262 từ năm 2018. Đó là khi bà Abra biết đến vụ kiện tập thể chống lại Bộ Cơ sở Hạ tầng Giao thông Quốc gia (DNIT).
Vụ kiện do nhiều nhà hoạt động khởi xướng, yêu cầu DNIT đưa ra các biện pháp hiệu quả hơn để bảo vệ động vật hoang dã trong khu vực.
Theo Văn phòng Công tố Liên bang ở Mato Grosso do Sul, DNIT từng thực hiện nhiều biện pháp như lắp đặt máy bắn tốc độ hay lắp đặt biển báo. Song những nỗ lực này chưa đem lại sự cải thiện.
Văn phòng Công tố cho biết DNIT đang ưu tiên lắp đặt hàng rào và lối đi an toàn dành riêng cho động vật.
Ông Luiz Guilherme Rodrigues de Mello, người đứng đầu DNIT, cho biết bộ này hiểu rõ những vấn đề về tuyến đường cao tốc BR-262. Song vụ kiện tập thể là lời cảnh tỉnh, buộc họ phải biến suy nghĩ thành hành động.
“May mắn thay, Văn phòng Công tố đã giúp chúng tôi nhận ra một tình huống nguy cấp. Và chúng tôi cần xem xét để có thể làm tốt hơn”, ông Luiz Guilherme Rodrigues de Mello cho biết.
Sau vụ kiện, DNIT đã ký hợp đồng với ViaFauna để công ty này giám sát đoạn đường cao tốc trong vòng một năm.
Người đồng sáng lập Fernanda Abra cho biết ViaFauna sẽ phát hành một bản báo cáo vào tháng 12/2021 hoặc tháng 1/2022. Trong đó, công ty đưa ra nhiều biện pháp cụ thể cho vấn đề đâm chết động vật trên đường cao tốc BR-262.
Một con thú ăn kiến trong môi trường sống tự nhiên. Ảnh: Guardian. |
Bà Abra và nhiều chuyên gia muốn mọi người hiểu rằng các vụ va chạm có thể gây nguy hiểm cho cả động vật hoang dã và con người. Ngoài ra, những vụ tai nạn này cũng gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng.
Theo một nghiên cứu của bà Abra, mỗi năm bang São Paulo ghi nhận khoảng 3.000 vụ va chạm do động vật hoang dã gây ra. Các vụ việc này khiến 22 người thiệt mạng và tiêu tốn khoảng 10,6 triệu USD cho ngân sách nhà nước.
Một nghiên cứu khác, cũng do bà Abra và Dự án Đường cao tốc thực hiện, kết luận chi phí trung bình cho mỗi vụ va chạm với động vật hoang dã là khoảng 885 USD. Nhóm nghiên cứu cho rằng việc tìm ra giải pháp sẽ ngăn ngừa được số vụ tai nạn và giảm thiểu chi phí thiệt hại.